20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10.2004 - 13.10.2024)

Kiến tạo giá trị bền vững cho cộng đồng

13/10/2024 08:08 GMT+7

Thay vì chỉ tập trung vào lợi nhuận hay kiếm tiền, làm giàu, thế hệ doanh nhân hiện nay quan tâm nhiều hơn đến mô hình kinh doanh, môi trường… nhằm kiến tạo giá trị bền vững cho cộng đồng và xã hội. Nhân kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10.2004 - 13.10.2024), Thanh Niên ghi lại ý kiến tâm huyết của một số doanh nhân trong nhiều lĩnh vực.

Kiến tạo giá trị bền vững cho cộng đồng- Ảnh 1.

ẢNH: THÚY LIỄU

Doanh nhân TP.HCM dâng hương tưởng nhớ cố Thủ tướng Phan Văn Khải

Ngày 12.10, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn phối hợp UBND H.Củ Chi và Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP.HCM cùng các hội, câu lạc bộ DN, doanh nhân tổ chức dâng hương tưởng niệm cố Thủ tướng Phan Văn Khải tại nhà thờ cố Thủ tướng Phan Văn Khải (ảnh), nhân kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân VN (13.10.2004 - 13.10.2024).

Sinh thời, Thủ tướng Phan Văn Khải được các chuyên gia đánh giá là lãnh đạo có tâm, có tầm, mang tư duy cải cách và luôn hết lòng vì sự phát triển của DN, doanh nhân VN.

Năm 1997, thời điểm Thủ tướng Phan Văn Khải bắt đầu nhiệm kỳ, số DN VN còn rất thấp (năm 1996, số DN tư nhân đăng ký theo luật DN tư nhân là khoảng 17.000, đăng ký theo luật Công ty khoảng gần 7.000).

Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhận thấy rõ mối quan hệ hợp tác giữa nhà nước và DN và trách nhiệm của cộng đồng doanh nhân đối với sự phát triển của đất nước. Chính vì thế, ông muốn phá vỡ rào cản giữa cơ quan nhà nước với DN vì sự nghiệp chung của đất nước và nhân dân.

Tư tưởng này đã tạo nên những cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Phan Văn Khải và cộng đồng DN tư nhân, góp phần tạo nên luật DN, từ đó trở thành khung pháp lý quan trọng đưa khu vực kinh tế tư nhân đóng góp nguồn lực quan trọng vào sự nghiệp phát triển KT-XH.

Từ những cuộc gặp gỡ đó, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nghe, chia sẻ và đồng hành cùng DN trước những khó khăn của kinh tế VN.

Hoạt động dâng hương này nhằm góp phần tuyên truyền và giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn; cũng như xây dựng hình ảnh doanh nhân thành phố trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Tại buổi lễ tưởng niệm, ban tổ chức đã trao 100 suất học bổng và quà tặng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học tại H.Củ Chi. Đây cũng là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động "Gặp gỡ tháng 10 - Tháng Doanh nhân", qua đó tạo động lực, nâng cao nhận thức của doanh nhân về vai trò, vị trí của mình trong quá trình xây dựng và phát triển KT-XH của thành phố và cả nước, vừa làm tốt công tác xã hội góp phần chăm lo, hỗ trợ người nghèo, người yếu thế.

Thúy Liễu

Các doanh nhân trẻ ngày càng quan tâm đến phát triển xanh và trách nhiệm xã hội

Tôi đặc biệt ấn tượng khi thấy điều này và đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều thách thức toàn cầu. Với kiến thức hiện đại, tinh thần sáng tạo và khát vọng vươn lên, doanh nhân thế hệ trẻ ngày nay chắc chắn sẽ là lực lượng nòng cốt cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Thế hệ doanh nghiệp của chúng tôi trong 20 năm qua đã không ngừng lớn mạnh, cũng từ những doanh nghiệp non trẻ trở thành những tập đoàn lớn, thậm chí một số còn vươn ra quốc tế và cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới.

Kiến tạo giá trị bền vững cho cộng đồng- Ảnh 2.

ẢNH: NVCC

Doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trước những thách thức lớn như suy thoái kinh tế toàn cầu, đại dịch Covid-19 hay gần đây nhất là bão lũ tại khu vực miền Bắc, doanh nghiệp Việt Nam đã kiên cường vượt khó, chung tay hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt là trong các chương trình cung cấp nhu yếu phẩm, hỗ trợ tài chính và cả về mặt tinh thần.

Nếu như trước đây doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm lo chuyện "ăn no" cho người dân là chính thì ngày nay không chỉ lo chuyện "ăn ngon" cho người dân trong nước mà còn xuất khẩu sản phẩm hàng hóa đi khắp thế giới. Ngày nay, không quá khó để tìm thấy hàng hóa, lương thực, thực phẩm Việt Nam trên các kệ hàng của các siêu thị lớn trên thế giới.

Ngành lương thực, thực phẩm trong nước đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao và sự cạnh tranh khốc liệt từ sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy nhiều cơ hội mới, đặc biệt là từ xu hướng tiêu dùng bền vững và nhu cầu về sản phẩm sạch, an toàn. Doanh nghiệp đang tích cực đầu tư vào công nghệ, xây dựng chuỗi cung ứng khép kín và phát triển các sản phẩm mang tính sáng tạo để đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Quan trọng nhất là chúng tôi mong nhận được sự tin tưởng từ các cấp lãnh đạo và toàn thể xã hội đối với cộng đồng doanh nhân Việt. Để phát triển bền vững, doanh nghiệp cần một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, đặc biệt là sự cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tiếp cận vốn ưu đãi cho các dự án chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Ngoài ra, việc đầu tư vào đào tạo nhân lực chất lượng cao và phát triển hạ tầng là rất cần thiết.

Không kém phần quan trọng, Chính phủ cũng cần tiếp tục nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp thế hệ trẻ phát triển. Doanh nhân trẻ Việt Nam hiện nay rất tiềm năng, đầy nhiệt huyết và sáng tạo. Họ là những người tiên phong trong việc áp dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và xây dựng mô hình kinh doanh bền vững.

(Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM - FFA, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM - HUBA)

Doanh nhân ngày càng đổi mới sáng tạo, góp phần chuyển đổi số

Sau 20 năm, vai trò và vị trí của doanh nhân Việt Nam đã ngày càng được nâng cao. Với sự phát triển ngày càng nhanh về công nghệ, môi trường kinh doanh ngày nay cũng thay đổi khá nhanh. Điều này đòi hỏi các doanh nhân liên tục học hỏi, cập nhật thông tin, kiến thức về sự đổi mới công nghệ để có thể đáp ứng với nhu cầu. Doanh nhân không chỉ là người sáng lập và điều hành doanh nghiệp mà còn đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo ra việc làm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế.

Kiến tạo giá trị bền vững cho cộng đồng- Ảnh 3.

ẢNH: NVCC

Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ngày nay được sử dụng rộng rãi, bao gồm ứng dụng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính. Trước sự thay đổi nhanh từ công nghệ, nhu cầu của khách hàng..., ngành ngân hàng hiện nay không những cạnh tranh với nhau mà còn cạnh tranh với cả các công ty khác như công ty trung gian thanh toán, fintech… Có thể nói, người làm ngân hàng ngày nay không còn như trước, có sự thay đổi rất nhiều. Thời buổi công nghệ bùng nổ nên cách tiếp cận khách hàng hiện nay khác trước đây, mỗi ngân hàng đều phải có sự sáng tạo trong các sản phẩm của mình.

Việc chuyển đổi số nhanh nên một ngân hàng như một công ty công nghệ để có thể phát triển hệ thống ngân hàng bán lẻ của mình. Các sản phẩm truyền thống trước đây phải đưa công nghệ vào và liên tục làm mới. Muốn vậy những người làm ngân hàng phải hiểu công nghệ ngoài các quy định về sản phẩm. Có những ngân hàng hiện nay đầu tư 700 - 800 tỉ đồng mỗi năm cho công nghệ và vận hành, có ngân hàng tuyển hơn 2.000 nhân sự chỉ chuyên tập trung vào công nghệ là chính. Hầu hết những giao dịch trong ngân hàng hiện nay đều thực hiện qua kênh số. Đây cũng là con đường giúp các ngân hàng nhỏ xóa nhòa khoảng cách với các "ông lớn". Số hóa và ngân hàng số sẽ là một môi trường kinh doanh hoàn toàn mới, giúp các ngân hàng năng động, sáng tạo và đi đúng hướng có thể giành chiến thắng mà không bị chi phối quá nhiều bởi quy mô.

Chính vì vậy, những doanh nhân ngân hàng liên tục được cập nhật công nghệ để có thể quyết định, đánh giá được những sản phẩm, dịch vụ của mình, phục vụ nhu cầu của khách hàng đang ngày càng cao.

(Ông Nguyễn Đình Tùng, Cố vấn Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch Ủy ban Chiến lược Ngân hàng TMCP Việt Á - VietABank)

Đầu tư cho môi trường sẽ gặt hái lợi nhuận lâu dài

Kiến tạo giá trị bền vững cho cộng đồng- Ảnh 4.

ẢNH: NVCC

Quan sát sâu sắc về những biến đổi trong môi trường kinh doanh trong hai thập niên qua, tôi nhận thấy có sự gia tăng đáng kể của các quy định, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. "Luật chơi" ngày càng nghiêm ngặt hơn, buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường, ESG (viết tắt của Environmental - môi trường, Social - xã hội và Governance - quản trị) và kinh tế tuần hoàn. Một số doanh nghiệp dù có vẻ "đi chậm" so với nhiều doanh nghiệp khác nhưng lại đang gặt hái những lợi ích từ việc đầu tư kỹ lưỡng vào quy trình và công nghệ, vào các giải pháp giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Đi chậm để đi chắc, để có thể đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng, từ những tiêu chuẩn khắt khe nhất về môi trường đến những kỳ vọng cao về chất lượng sản phẩm. Mặc dù chi phí ban đầu tăng đáng kể, nhưng đây là khoản đầu tư thông minh. Bằng cách áp dụng công nghệ và thực hiện kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp không chỉ giảm được chi phí xử lý mà còn giảm được giá thành đầu vào. Đây là lợi ích lâu dài và bền vững.

Với kinh nghiệm 21 năm trong ngành, tôi tự hào về những tiến bộ của doanh nghiệp Việt Nam và tin tưởng rằng nông nghiệp nước nhà sẽ có những bước phát triển vững chắc trong thời gian tới. Các khách hàng quốc tế ngày càng đánh giá cao năng lực và trình độ của các doanh nghiệp Việt Nam.

(Bà Lâm Thúy Ái, Chủ tịch HĐTV Mebipha)

Vị thế doanh nhân ngày càng được công nhận, đặc biệt là nữ doanh nhân

Với hơn 45 năm trên thương trường, trải qua nhiều chu kỳ kinh tế khác nhau cũng như những thăng trầm trong cuộc đời doanh nhân, tôi cảm nhận rất sâu sắc về sự thay đổi trong vai trò và vị trí của doanh nhân trong xã hội và tôi cũng đã được đóng góp cho sự chuyển mình này.

So với trước đây, vị thế của đội ngũ doanh nhân từng bước được công nhận và nâng cao cùng với sự khôi phục và phát triển của kinh tế. Đặc biệt, sự lớn mạnh, phát triển của đội ngũ doanh nhân luôn được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm định hướng, hỗ trợ.

Kiến tạo giá trị bền vững cho cộng đồng- Ảnh 5.

ẢNH: NVCC

Thay vì chỉ tập trung vào lợi nhuận hay kiếm tiền, làm giàu, thế hệ doanh nhân hiện nay quan tâm nhiều hơn đến mô hình kinh doanh, các bên liên quan (đối tác, khách hàng, nhà đầu tư…), các vấn đề về môi trường và họ đóng vai trò là những người kiến tạo giá trị bền vững cho cộng đồng và xã hội. Từ nhiều bài học trong quá trình làm việc của chính mình, tôi hiểu rằng trách nhiệm xã hội là yếu tố không thể thiếu trong quá trình phát triển doanh nghiệp. Chúng tôi không chỉ làm kinh doanh mà còn có trách nhiệm tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập, đời sống, thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Ở khía cạnh là một nữ doanh nhân, sự thay đổi lớn nhất mà tôi cảm nhận chính là sự công nhận và tôn trọng của xã hội. Điều này không chỉ giúp thay đổi nhận thức về bình đẳng giới mà còn mở ra nhiều cơ hội cho các bạn trẻ - thế hệ nữ doanh nhân tương lai. Trước đây, phụ nữ nói chung và phụ nữ trong vai trò lãnh đạo doanh nghiệp nói riêng gặp khá nhiều rào cản và định kiến. Tuy nhiên, bằng thành công đạt được, chúng tôi đã chứng minh rằng sự mềm dẻo, khéo léo, linh hoạt và tầm nhìn chiến lược của phái nữ có thể tạo ra giá trị rất đặc biệt cho doanh nghiệp và cộng đồng. Bên cạnh đó, khi đất nước mở cửa, phụ nữ chúng tôi đã có nhiều cơ hội hơn để rèn luyện và tu dưỡng học vấn, trí tuệ, qua đó thể hiện vai trò dẫn dắt doanh nghiệp Việt Nam phát triển ngày một mạnh mẽ hơn.

Tôi tin rằng thế hệ doanh nhân có trách nhiệm sẽ không ngừng phát triển mạnh mẽ hơn để nắm bắt những cơ hội và vận hội mới, hướng đến sự phát triển bền vững và nhân văn. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ luôn đồng hành, ủng hộ Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong các chỉ đạo điều hành, để góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

(Bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó chủ tịch thường trực, Tổng giám đốc Tập đoàn TTC)

Doanh nhân là trung tâm của sự phát triển và đổi mới

Kiến tạo giá trị bền vững cho cộng đồng- Ảnh 6.

ẢNH: NVCC

Trong quá khứ, chúng ta thấy có nhiều doanh nhân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy kinh tế. Các doanh nghiệp đã đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bằng cách tạo ra việc làm, thúc đẩy đầu tư, và phát triển công nghệ. Ở giai đoạn hiện tại, họ là những động lực sáng tạo, không ngừng đổi mới và tìm kiếm các giải pháp mới cho các thách thức kinh tế và xã hội. Trong tương lai, vai trò của họ có thể còn quan trọng hơn nữa khi thế giới đối mặt với những thách thức to lớn như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng kinh tế và những yêu cầu về phát triển bền vững. Các doanh nghiệp và doanh nhân có thể dẫn đầu trong việc thực hiện các sáng kiến xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn và sử dụng công nghệ để cải thiện hiệu quả và giảm tác động môi trường. Họ cũng có thể giúp xây dựng nền kinh tế tri thức, nơi sáng tạo và đổi mới là chìa khóa để cạnh tranh toàn cầu.

(Ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản - Vissan)

Cần "vun trồng" đội ngũ doanh nhân lớn mạnh

Trong thời gian qua, vai trò của doanh nhân ngày càng được pháp luật và xã hội tôn trọng. Sự ghi nhận và trân trọng đó sẽ là động lực để đội ngũ doanh nhân tiếp tục phấn đấu nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh. Những lúc khó khăn, tôi hay nhớ đến dịp cuối năm, khi ký lương thưởng cho anh em, thấy họ vui mình cũng rất vui; nhưng sau đó phải suy nghĩ tiếp là năm sau làm gì để anh em vẫn được hưởng niềm vui đó. Đó là động lực để vượt qua khó khăn. Tôi nghĩ rằng nhiều anh em doanh nhân khác cũng có suy nghĩ tương tự.

Kiến tạo giá trị bền vững cho cộng đồng- Ảnh 7.

ẢNH: NVCC

Trong một thế giới phẳng như hiện nay đòi hỏi mọi người phải không ngừng học hỏi, tiếp cận với cái mới để không bị tụt hậu; đối với lực lượng doanh nhân, áp lực đó lại lớn hơn rất nhiều vì trên vai họ là cả một doanh nghiệp với rất nhiều người lao động và những người phụ thuộc. Trong sân chơi hội nhập quốc tế hiện nay, người doanh nhân phải giữ được 3 giá trị cốt lõi cho bản thân và doanh nghiệp. Thứ nhất là giữ cho doanh nghiệp phát triển, tạo được công ăn việc làm cho người lao động và tuân thủ đúng các quy định của luật pháp. Thứ hai, trong xu hướng Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với hàng loạt hiệp định thương mại tự do, nếu một doanh nhân chỉ quản lý tốt doanh nghiệp của mình thì chưa đủ và chắc chắn sẽ bị tụt hậu. Doanh nhân giỏi là cần phải nhìn vào bức tranh hội nhập, thị trường, sân chơi rộng lớn đó để tìm kiếm cơ hội, đối tác, khách hàng, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Sản phẩm đó nếu đã tốt rồi thì cần phải tốt hơn nữa để gia nhập và cạnh tranh toàn cầu. Một doanh nhân trong thế giới phẳng và nền kinh tế hội nhập cần duy trì ý thức rằng thị trường này luôn đổi mới và buộc chúng ta phải phát triển, phải tốt hơn nữa để cạnh tranh. Phải xem đó là động lực của sự phát triển. Thứ ba, một lãnh đạo doanh nghiệp ngày nay còn cần phải nắm vững và tuân thủ tiêu chuẩn ESG (Environmental - môi trường, Social - xã hội và Governance - quản trị doanh nghiệp) và xây dựng nó thành một loại văn hóa doanh nghiệp vì đây là bộ tiêu chuẩn cho sự phát triển bền vững. Đối với yếu tố môi trường, hiện nay chúng tôi sử dụng 50% điện mặt trời giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính lên đến 3,6 triệu tấn carbon mỗi năm. Về sản xuất, chúng tôi xây dựng quy trình sản xuất lúa carbon thấp (low carbon) và tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp mà Bộ NN-PTNT phát động. Đối với yếu tố xã hội, ngoài việc đảm bảo cân bằng và bình đẳng giới trong công ty; với các đối tác liên kết sản xuất lúa, nếu chủ hộ là nữ chúng tôi cộng thêm 10 đồng/kg, chủ hộ là người khuyết tật sẽ được cộng thêm 15 đồng/kg. Bên cạnh đó, mỗi năm chúng tôi cấp 50 suất học bổng cho con em bà con theo học đại học hoặc học nghề trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đối với quản trị doanh nghiệp, chúng tôi cũng ứng dụng công nghệ và xây dựng bộ chỉ số để quản trị sao cho tốt nhất để có thể ra quyết định nhanh nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của công việc. Bên cạnh đó chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp với môi trường làm việc cởi mở để mọi người khi đến làm việc có cảm giác giống như ngôi nhà thứ hai của họ. Điều quan trọng trong lĩnh vực nhân sự mà chúng tôi quan tâm là xây dựng đội ngũ kế cận với suy nghĩ doanh nhân có thể có nhiệm kỳ còn doanh nghiệp phải trường tồn. Đây cũng là những giá trị cốt lõi giúp một doanh nhân giữ được sự trân trọng của xã hội.

(Ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng giám đốc Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam - Vinarice)

Kiến tạo giá trị bền vững cho cộng đồng- Ảnh 8.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.