Hai ngày đầu tiên sau khi TP.Hà Nội cho phép mở cửa trường đón HS lớp 12, Trường THPT Trần Nhân Tông có lẽ là trường đặc biệt nhất khi có rất ít HS đến trường. Cụ thể, ngày 6.12, khối 12 chỉ có 33 HS đến trường và ngày 7.12, con số này dừng ở 9 HS. Như vậy, tổng cộng cả 2 buổi chỉ có 42/681 HS khối 12 của toàn trường đi học trực tiếp, chiếm tỷ lệ hơn 6,1%.
Giáo viên Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) vừa dạy trực tiếp vừa dạy trực tuyến cho học sinh chưa đến trường trong cùng một tiết học |
VŨ HẬU |
Bà Vũ Thị Hậu, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông, chia sẻ có nhiều yếu tố khách quan tác động, dù trường nằm ở địa bàn phường cấp độ 2 về dịch bệnh nhưng rất đông HS lại cư trú ở khu vực lân cận đang được xem là những ổ dịch lớn nhất của TP (như P.Phố Huế), không ít HS ở khu vực phong tỏa hoặc phải đi cách ly y tế; nhà trường có tới 10 HS là F0, hàng trăm em là F1, F2… Đó là những lý do khách quan khiến số HS vắng mặt nhiều. Theo bà Hậu, số HS đi học quá ít ở ngày thứ hai cũng không khiến nhà trường nghĩ đến việc đóng cửa. Ngược lại, trường sẽ làm hết trách nhiệm để có thể dạy học trực tiếp.
Hiệu trưởng Vũ Thị Hậu khẳng định quan điểm của trường là chấp hành nghiêm văn bản chỉ đạo của TP và Sở GD-ĐT Hà Nội, nên dù chỉ có một HS đi học cũng phải có giáo viên giảng dạy; nhà trường vẫn quyết định mở cửa trường đón các em với các phương án phòng dịch kỹ càng. Giáo viên dạy khối 12 có tiết dạy theo thời khóa biểu vẫn phải có mặt đầy đủ ở trường để sẵn sàng dạy trực tiếp, nếu lớp nào không có HS đến học thì chuyển sang dạy trực tuyến ngay tại lớp học. Nhà trường hỗ trợ mỗi giáo viên 200.000 đồng để mua thêm gói cước 3G, đề phòng mạng internet ở trường quá tải hoặc chập chờn. “Tôi hy vọng ít ngày nữa HS lớp 12 sẽ trở lại trường nhiều hơn sau khi nhận được phản hồi từ bạn bè về công tác phòng dịch bệnh ở trường. Dù thế nào đi nữa, dạy học trực tiếp cũng hiệu quả hơn với học trực tuyến, điều này rất quan trọng với HS cuối cấp”, bà Hậu bày tỏ.
Đồng quan điểm, ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Q.Đống Đa, Hà Nội), cho biết: “Hiện toàn trường có khoảng hơn 80% HS lớp 12 trở lại trường, nhưng quan điểm của tôi là khi TP đã cho phép thì dù nhiều hay ít HS, nhà trường vẫn mở cửa để đón HS có nhu cầu học trực tiếp”.
|
Dự báo Hà Nội có thể lên tới 1.000 ca Covid-19 một ngày |
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng Sở đánh giá rất cao các trường dù có rất ít HS đi học nhưng vẫn tổ chức dạy học trực tiếp và linh hoạt các hình thức để đáp ứng nhu cầu đa dạng của HS trong bối cảnh dịch bệnh. Cách làm của Trường THPT Trần Nhân Tông là điển hình cho nỗ lực để trường học có thể dần mở cửa trở lại.
Với những trường hiện dựa trên ý kiến của phụ huynh chưa tổ chức dạy học trực tiếp, ông Tiến cho rằng tại cuộc họp với lãnh đạo các trường THPT sáng 8.12, Sở GD-ĐT đã quán triệt chỉ đạo hiệu trưởng các trường phải có trách nhiệm, một mặt cần tăng cường công tác tuyên truyền tới phụ huynh HS về công tác phòng, chống dịch của nhà trường để giúp phụ huynh yên tâm; mặt khác phải giúp gia đình và HS hiểu giá trị của việc HS đi học trực tiếp. Khi UBND TP đã quyết định cho HS trở lại trường thì các cơ sở giáo dục cần thực hiện nghiêm túc và đáp ứng nhu cầu được đến trường của HS, dù ở đâu đó số lượng này là rất nhỏ. “Tôi cho rằng hiệu quả của việc đi học trực tiếp cũng như công tác phòng dịch nghiêm túc ở trường sẽ lan tỏa và giúp thay đổi quan điểm đối với những phụ huynh và HS còn e ngại”.
Bình luận