Tại báo cáo "Điểm lại tháng 8.2023", World Bank dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt 4,7% trong năm nay và sau đó phục hồi dần về 5,5% trong năm 2024, đạt 6% trong năm 2025. Đây là mức dự báo khá thấp khi so với con số đưa ra về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam do chính World Bank công bố vào tháng 3 là 6,3% trong năm 2023. Trong đó, lượng kiều hối vẫn ở mức cao cũng góp phần hỗ trợ tài khoản vãng lai có thặng dư.
Nhu cầu trong nước chững lại nhưng dự kiến vẫn là động lực tăng trưởng chính trong năm 2023. Tiêu dùng tư nhân vẫn được kỳ vọng duy trì với tốc độ tăng 6% so với cùng kỳ - nhưng thấp hơn mức tăng trưởng trước đại dịch là 7% vào năm 2019. Lạm phát dự kiến sẽ tăng nhẹ từ mức bình quân 3,1% trong năm 2022 lên 3,5% trong năm 2023...
Cán cân thanh toán của Việt Nam được cải thiện trong quý đầu năm 2023, nhờ thặng dư tài khoản vãng lai tăng lên. Tài khoản vãng lai đạt thặng dư ước tính ở mức 1,5% GDP của năm 2022 trong quý 1/2023, nhờ cán cân thương mại hàng hóa được cải thiện (do nhập khẩu giảm nhiều hơn so với xuất khẩu), dòng kiều hối vẫn duy trì (ước đạt 2,7 tỉ USD), thâm hụt tài khoản thương mại dịch vụ giảm xuống khi số lượt du khách quốc tế nhập cảnh tiếp tục phục hồi, đạt 5,6 triệu lượt trong nửa đầu năm 2023 so với 0,6 triệu lượt nửa đầu năm 2022.
Tài khoản tài chính vẫn đảm bảo thặng dư do giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và dòng vốn đầu tư gián tiếp vẫn ổn định.
Báo cáo của World Bank nêu rõ: Nhu cầu bên ngoài dự kiến sẽ từng bước phục hồi từ quý 4 năm 2023 và lấy được đà tăng vào cuối năm 2024, giúp thương mại hàng hóa gia tăng và góp phần cải thiện cán cân thương mại. Bên cạnh đó, số lượt du khách quốc tế được dự báo tiếp tục tăng. Nguồn kiều hối dự kiến đạt 14 tỉ USD trong năm 2023 và 14,4 tỉ USD trong năm 2024. Những yếu tố này góp phần hỗ trợ tài khoản vãng lai của Việt Nam thặng dư nhỏ trong năm 2023.
World Bank khuyến cáo rủi ro đối với tăng trưởng đã trở thành hiện thực và cán cân rủi ro đối với triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn nghiêng theo hướng tiêu cực. Tăng trưởng thấp hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển có thể tiếp tục làm giảm nhu cầu bên ngoài đối với khu vực xuất khẩu của Việt Nam, với quy mô ước lên đến 50% GDP. Chính sách tiền tệ bị thắt chặt hơn nữa ở các nền kinh tế phát triển có quy mô lớn nhằm chống lạm phát kéo dài có thể làm gia tăng chênh lệch lãi suất hiện hành giữa các thị trường trong nước và quốc tế. Điều này có thể gây áp lực tỷ giá lên đồng nội tệ...
Bình luận (0)