'Kinh đô' năng lượng miền Trung: Lấy điện từ... trời

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
11/01/2019 14:52 GMT+7

Nổi tiếng với "đặc sản" là nắng và gió nên Quảng Trị từ lâu đã có tiềm năng về phong điện, điện mặt trời.

 Nhưng gần 5 năm trở lại đây, các nhà đầu tư mới rầm rộ tìm đến đây để triển khai những dự án lấy điện từ... trời.

Những dự án phong điện “khủng”

Nhiều khu vực ở Quảng Trị được xác định dồi dào “nguồn” gió, nhất là khe Gió (H.Hướng Hóa) và ven biển. Theo ông Quốc Hồ Hiệp Nghĩa, Phó giám đốc Sở Công thương Quảng Trị, từ năm 2014 sở đã lập hồ sơ, tham mưu cho UBND tỉnh trình Bộ Công thương quy hoạch điện gió, với sự giúp đỡ của Viện Năng lượng (Bộ Công thương). Đến ngày 19.6.2015, quy hoạch do Bộ Công thương phê duyệt xác định 3 vùng trọng điểm: Vùng 1 rộng 2.789 ha thuộc các xã Hướng Sơn, Hướng Lập, Hướng Phùng (H.Hướng Hóa); vùng 2 rộng 2.882 ha thuộc các xã Hướng Linh, Hướng Lập, Hướng Hiệp (H.Hướng Hóa); vùng 3 rộng 1.036 ha thuộc các xã Gio Việt, Gio Hải, Gio Thành (H.Gio Linh), xã Vĩnh Tân, khu vực mặt nước ven biển H.Vĩnh Linh và huyện đảo Cồn Cỏ.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiểm tra tình hình xây dựng các nhà máy điện gió
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiểm tra tình hình xây dựng các nhà máy điện gió
Sau khi có quy hoạch điện gió, một số nhà đầu tư bắt đầu quan tâm. Đầu tiên phải kể đến Công ty CP tổng công ty Tân Hoàn Cầu (Công ty Tân Hoàn Cầu). Doanh nghiệp này khởi sự đầu tư từ năm 2015, đến quý 3/2017 đã đưa vào vận hành Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 ở xã Hướng Linh (H.Hướng Hóa) công suất 30MW, tổng đầu tư 1.420 tỉ đồng. Ông Mai Văn Huế, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Tân Hoàn Cầu, cho hay Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 hoạt động hết sức ổn định do sử dụng những tua-bin gió công nghệ CHLB Đức. Chưa hết, Công ty Tân Hoàn Cầu đang gấp rút xây dựng nốt nhà máy điện Hướng Linh 1 (công suất 30 MW), dự kiến hoàn thành vào quý 2/2019.
Móng khổng lồ để dựng trụ điện gió
Móng khổng lồ để dựng trụ điện gió
Chưa kể, có thêm 3 dự án điện gió đang lập dự án đầu tư hoặc đang triển khai giải phóng mặt bằng tại Quảng Trị, với đích đến là năm 2021 phát điện. Trong đó, có Nhà máy điện gió Hướng Phùng 1 (công suất 30 MW, tổng vốn 1.350 tỉ đồng) do Tổng công ty Phát điện 2 làm chủ đầu tư; Nhà máy điện gió Hướng Phùng 2, công suất 20 MW, tổng vốn đầu tư 900 tỉ đồng (Công ty CP Viet Ren); Nhà máy điện gió Hướng Tân, công suất 48 MW, vốn đầu tư 2.160 tỉ đồng (Công ty CP dầu tư xây dựng - thương mại Phú Điền).
Lại có 32 dự án điện gió khác nữa (tổng công suất hơn 1.733 MW) đang trình Bộ Công thương phê duyệt bổ sung quy hoạch, 19 dự án (công suất 950 MW) đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho nghiên cứu, khảo sát hồ sơ bổ sung quy hoạch.
Hàng loạt dự án “khủng” xuất hiện khiến điện gió của Quảng Trị đã rất gần trong tầm tay. “Khả năng điện gió sẽ là đặc sản của Quảng Trị sẽ không còn là giấc mơ, mà sẽ là một khát vọng khá hiện hữu”, Phó giám đốc Sở Công thương Quốc Hồ Hiệp Nghĩa nói.

Sắp có điện mặt trời

“Sinh sau, đẻ muộn” so với các dự án sản xuất năng lượng tái tạo khác, nhưng điện mặt trời cũng cho thấy nhiều tín hiệu khả quan ở vùng đất gió Lào bỏng rát. Trong đó, tiên phong là dự án điện mặt trời LIG - Quảng Trị do Công ty CP LICOGI 13 làm chủ đầu tư, đang được xây dựng tại xã Gio Hải và Gio Thành (H.Gio Linh) trên diện tích gần 60 ha. Với tổng vốn đầu tư 1.200 tỉ đồng, dự án dự kiến hoàn thành và phát điện vào quý 2/2019, cung cấp sản lượng điện lên tới 67.960 MWh/năm.
Đây là dự án được đặc biệt ưu đãi đầu tư, gồm ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, miễn giảm tiền thuê đất và các hình thức hỗ trợ khác của tỉnh Quảng Trị. Ngày 26.9.2018, Công ty CP LICOGI 13 và Công ty Mua bán điện (thuộc Tập đoàn Điện lực VN) đã ký kết hợp đồng mua bán điện Nhà máy điện mặt trời LIG Quảng Trị. Hợp đồng ghi rõ, nếu nhà máy vận hành thương mại trước ngày 30.6.2019, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/KWh và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Tiềm năng điện mặt trời ở Quảng Trị đã “hấp dẫn” nhiều nhà đầu tư khác. UBND tỉnh Quảng Trị đã trình Bộ Công thương bổ sung quy hoạch 5 dự án điện mặt trời khác với tổng diện tích đất sử dụng 304 ha (chủ yếu nằm ở H.Gio Linh), tổng công suất 250 MWp. Ngoài ra, 4 dự án điện mặt trời khác sử dụng 221 ha (chủ yếu ở Vĩnh Linh, Hải Lăng, Triệu Phong) dự kiến bổ sung 200 MWp và đã được địa phương đồng ý chủ trương nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ.
Theo chương trình phát triển năng lượng 2019 và các năm tiếp theo của Sở Công thương Quảng Trị, riêng trong năm 2019 có 4 dự án điện công suất 120 MW (tổng vốn đầu tư 3.761 tỉ đồng) sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng và 8 dự án năng lượng tái tạo (tổng vốn đầu tư 9.280 tỉ đồng) sẽ khởi công, chưa tính các dự án nhiệt điện. Giai đoạn 2022- 2025, Quảng Trị sẽ hoàn thành các dự án điện gió nâng tổng quy mô công suất 1.800 - 2.000 MW, hoàn thành đưa vào sử dụng dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 1 (công suất 1.320 MW).
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.