Kinh doanh USB chép nhạc vi phạm bản quyền

Nguyên Vân
Nguyên Vân
31/07/2019 06:10 GMT+7

Các nhạc sĩ và nhà sản xuất băng đĩa bức xúc trước tình trạng kinh doanh tràn lan USB chép nhạc trái phép hiện nay.

Nhạc sĩ Hoài An cho rằng những đơn vị kinh doanh, phân phối thiết bị nghe - nhìn, trong đó có USB, ổ cứng chép nhạc lên cả ngàn bài đủ thể loại đang vi phạm nghiêm trọng về bản quyền. “Thứ nhất, các bản ghi thuộc về nhà sản xuất: Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN (RIAV) - đại diện cho phần lớn các nhà sản xuất băng đĩa nhạc nắm bản quyền, bản ghi âm, ghi hình, quyền liên quan, các công ty của ca sĩ, nhạc sĩ...; quyền liên quan thuộc về các đơn vị này, không ai cung cấp tất cả nhạc mình nắm giữ cho kiểu USB (kinh doanh) nhạc như thế. Thứ hai, các nhạc sĩ cũng sẽ không cấp quyền tác giả cho kiểu kinh doanh này”, nhạc sĩ Hoài An nói.

1.000 bản nhạc giá chỉ vài trăm ngàn

Khoản 2 điều 20 luật SHTT quy định rõ, tác giả không cho phép thì không được khai thác sử dụng dưới bất cứ hình thức nào. Nếu vi phạm với tình trạng tràn lan như hiện nay, các tác giả có thể kiện ra tòa

 Giám đốc VCPMC Đinh Trung Cẩn

Không khó để tìm mua các USB chép sẵn nhạc, khi các trang bán sản phẩm này (như: USB nhạc hình cho xe hơi - USB nhạc bolero - USB chép sẵn nhạc, Khang Audio, USB nhạc video & nhạc tiếng cho xe ô tô, USB ô tô chép nhạc theo yêu cầu…) công khai giới thiệu trên website và mạng xã hội. Cụ thể, có trang (địa chỉ kinh doanh tại Hà Nội, Nha Trang) quảng cáo USB với những lợi ích hấp dẫn: chứa đến 1.000 bản nhạc, được sắp xếp theo 100 album tuyển chọn hay nhất với đầy đủ thể loại; thuận tiện sử dụng cho các thiết bị từ ti vi thông minh đến loa di động; giúp thư giãn trên xe hơi trong những chuyến đi đường dài… Và tùy dung lượng, giá sản phẩm dao động từ 179.000 - 1,2 triệu đồng.
Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam, Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ (SHTT) TP.HCM, việc chép nhạc vào USB hay ổ cứng để bán cho ô tô mà không xin phép tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, không xin phép chủ sở hữu bản ghi âm, ghi hình được xác định là hành vi xâm phạm quyền tác giả và xâm phạm quyền liên quan theo luật SHTT. “Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự”, luật sư Tuấn cho biết. Theo đó, đối với xử phạt hành chính, mức phạt từ 10 - 35 triệu đồng tùy mức độ vi phạm (căn cứ Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan). Đối với trách nhiệm hình sự, khi hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đủ yếu tố cấu thành hành vi phạm tội thì chủ thể vi phạm sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật, mức phạt tiền có thể được áp dụng lên đến 1 tỉ đồng (căn cứ điều 225 bộ luật Hình sự).
Luật sư Tuấn nhìn nhận: Mức phạt không phải là con số nhỏ, nhưng so với lợi nhuận mà các đơn vị sản xuất/phát hành thu được thì nó chỉ là một phần rất nhỏ, không đủ sức răn đe. Do không phải chịu chi phí quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không phải đóng thuế, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho các chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan, nên khoản lợi nhuận mà các đơn vị sản xuất/phát hành nhận được là rất “béo bở”.

Biến tướng của sao chép lậu

Trả lời Thanh Niên hôm 30.7 về tác quyền của kho nhạc mà Khang Audio (tại Hà Nội) đang sử dụng cho các USB và ổ cứng, đại diện đơn vị này cho biết: “Việc chép nhạc như hình thức tặng kèm khi bán linh kiện. Thật sự tôi không rõ về vấn đề tác quyền nên nếu là vi phạm thì cho tôi gửi lời xin lỗi đến các tác giả, tôi sẽ dừng ngay việc này”.
Liên quan đến vấn đề tác quyền, trả lời Thanh Niên chiều 30.7, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC), khẳng định: “Tất cả sản phẩm USB, ổ cứng chứa nhạc bán cho ô tô hiện nay đều sao chép lậu, hoàn toàn không xin phép hay đóng tác quyền cho VCPMC”. Phía RIAV cũng cho biết họ không nhận được bất cứ sự xin phép hay ký kết khai thác nào từ các đơn vị kinh doanh thiết bị công nghệ chép nhạc sẵn này. “Khoản 2 điều 20 luật SHTT quy định rõ, tác giả không cho phép thì không được khai thác sử dụng dưới bất cứ hình thức nào. Nếu vi phạm với tình trạng tràn lan như hiện nay, các tác giả có thể kiện ra tòa”, ông Cẩn nhấn mạnh.
Bày tỏ bức xúc trước sự biến tướng của nạn sao chép lậu, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng: “Vấn đề bản quyền, về SHTT dường như chưa được các cơ quan chức năng quan tâm đúng mực lẫn xử lý nghiêm. Do đó khó đòi hỏi những đơn vị kinh doanh cố tình lách luật thực hiện nghĩa vụ tác quyền. Mà nếu có bị phạt thì cũng quá thấp so với quốc tế. Đơn cử như MV của Noo Phước Thịnh, vi phạm bản quyền vài giây thôi mà mức bồi thường lên tới vài trăm triệu, còn ở đây vi phạm cả một kho nhạc”. Mặt khác theo ông Huỳnh Tiết, nguyên Giám đốc Bến Thành Audio - Video, dù có tên công ty, số điện thoại nhưng một số đơn vị sao chép lậu này kinh doanh trên mạng xã hội, nếu tác giả muốn kiện tụng cũng khó mà “nắm kẻ trọc đầu”.
Trong khi đó luật sư Phan Vũ Tuấn đề xuất: “Như hầu hết các nước đang phát triển, vấn đề lớn nhất để thay đổi tình trạng bất cập của bản quyền nói chung đều cần có lộ trình. Trước hết, cần phải nâng cao hiểu biết của cộng đồng, người dân trong việc tôn trọng quyền tác giả và quyền liên quan bằng các biện pháp tuyên truyền, truyền thông. Thứ hai, thông qua các tổ chức quản lý tập thể, tổ chức đại diện, các hiệp hội nghề nghiệp để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan. Thứ ba, cần sửa đổi, cập nhật quy định pháp luật để phù hợp với xu thế hiện tại và đưa ra các hình phạt có giá trị răn đe”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.