Sao Earendel đang ở xa đến nỗi hình ảnh được kính James Webb ghi nhận là ánh sáng phát ra trong vòng 1 tỉ năm đầu tiên của vũ trụ. Vũ trụ được cho hiện khoảng 13,8 tỉ năm tuổi, theo Đài CNN hôm 11.8.
Những ước tính trước đó cho thấy ngôi sao cách trái đất khoảng 12,9 tỉ năm. Tuy nhiên, dựa trên tốc độ giãn nở của vũ trụ và thời gian ánh sáng đến được địa cầu, các nhà thiên văn học cho rằng sao Earendel phải ở cách trái đất 28 tỉ năm ánh sáng.
Tên của ngôi sao là một từ tiếng Anh cổ đại, có nghĩa là "sao Mai" hoặc "ánh sáng đang trỗi dậy". Kính viễn vọng Hubble lần đầu tiên phát hiện sao Earendel vào năm 2022.
Các quan sát của kính James Webb đã tiết lộ những phát hiện mới về ngôi sao xa nhất từng được con người phát hiện. Theo đó, sao Earendel thuộc nhóm B, sáng gấp 1 triệu lần hơn so với mặt trời và nóng gấp 2 lần hơn.
Ngôi sao nằm trong phạm vi của thiên hà Sunrise Arc và chỉ có thể được quan sát nhờ vào cụm thiên hà khổng lồ tên gọi WHL0137-08, vốn đóng vai trò như một "thấu kính hấp dẫn" và cho phép phóng đại một vật thể ở khoảng cách cực xa trong vũ trụ.
Những ngôi sao lớn như Earendel thường có các sao đồng hành, và dữ liệu của kính James Webb cũng cho thấy có sự hiện diện của một ngôi sao đồng hành nguội, màu đỏ.
Các nhà thiên văn học tiếp tục phân tích dữ liệu được kính James Webb truyền về để xác định khoảng cách chính xác của thiên hà Sunrise Arc đối với trái đất.
Bình luận (0)