Kinh khủng các container phế liệu, phế thải nằm chờ tái xuất

Nguyên Nga
Nguyên Nga
14/05/2020 20:19 GMT+7

Số container này chiếm 72% tổng lượng phế liệu tồn đọng tại cảng Cát Lái, đang nằm chờ ý kiến Hội đồng xử lý phế liệu tồn đọng buộc tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Trong đó có khá nhiều container là phế thải lẫn nhiều tạp chất, chất độc hại gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Ngày 15.4, đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TP.HCM) cho biết, số container phế liệu tồn đọng nói trên tập trung chủ yếu tại cảng Cát Lái, vẫn đang được các cán bộ hải quan rà từng mã số để quy về container của hãng tàu nào chở đến để buộc tái xuất theo báo cáo của đơn vị về Hội đồng xử lý phế liệu tồn đọng tại cảng trước đó. Số hàng phế liệu, phế thải này được nhập vào Việt Nam từ năm 2018, tồn đọng quá 90 ngày. Sau khi phối hợp kiểm đếm, có cả thảy 1.528 container tồn đọng tại cảng thuộc Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 quản lý. Trong đó, chỉ 410 container đủ điều kiện nhập khẩu nhưng chủ hàng bỏ hoặc  không làm thủ tục nhận hàng, sẽ được Hội đồng xử lý hàng tồn đọng áp Thông tư 203 của Bộ Tài chính theo hình thức bán đấu giá; 1.100 container không điều kiện nhập khẩu (gồm phế liệu nhựa, bao bì chưa được băm nhỏ theo quy định tại Thông tư 43 của Bộ Tài nguyên Môi trường và phế thải lẫn tạp chất, rác thải độc hại như vỏ xe cũ…); 17 container là các loại hàng khác, 1 container phế liệu kim loại. “Chỉ có khoảng 10 hãng tàu vận chuyển số hàng này cập cảng Cát Lái và một số hãng đã đồng ý nhận chở tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam”, đại diện Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn Khu vực 1 thông tin.

Những tấm màn nhựa này có thể dùng tái chế, tuy nhiên, nó được nhập không đúng quy định của Bộ Tài nguyên Môi trường, nên cũng bị buộc tái xuất

Theo cơ quan hải quan, các container phế liệu tồn đọng này có nhiều lô hàng là nguyên liệu dùng tái chế trong ngành nhựa, chỉ không đạt yêu cầu nhập khẩu là phải băm nhỏ ra. Nên có một số chủ lô hàng, hãng tàu xin tái xuất số phế liệu "có thể sử dụng tái chế" này

Tuy nhiên, số này không quá nhiều. Theo cơ quan hải quan, số container phế liệu tồn đọng thực tế "có thể tái chế" và số phế thải bỏ hoàn toàn chưa thống kê hết

Trong khi đó, nhiều lô hàng là túi ni lông được đóng thành bánh trong các container, lẫn nhiều tạp chất tồn đọng khá nhiều

Thậm chí là rác thải, không thể tái chế. Đến bây giờ, số phế thải này trên lý thuyết thì hải quan buộc các hãng tàu tái xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam. Nhưng tìm hiểu thực tế, đa số chủ các lô hàng rác thải này đã bỏ trốn, hoặc không còn tồn tại tại địa chỉ đăng ký hoặc từ chối vì... hàng gửi nhầm

Phế liệu nhập vào Việt Nam và đang tồn đọng tại cảng đến từ nhiều thị trường: Mỹ, Nhật, Canada, Đức, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, Úc... Sau khi Trung Quốc siết nhập khẩu phế liệu, hàng ngàn container phế liệu, phế thải đã đổ vào Việt Nam từ năm 2018...

Những lô "rác" thế này đã nằm chờ tại cảng ngày này qua ngày khác, gây ô nhiễm môi trường cho bến bãi, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh cảng, cơ quan hải quan, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics...  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.