Kinh phí nghiên cứu của Bộ GD-ĐT cũng có hạn

Quý Hiên
Quý Hiên
16/08/2023 07:14 GMT+7

Trao đổi với cán bộ, giảng viên, nhân viên khối giáo dục ĐH, khi một giảng viên phàn nàn về việc kinh phí nghiên cứu của trường ĐH quá ít, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết ngay kinh phí nghiên cứu của Bộ cũng có hạn.

Chiều 15.8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tiếp tục gặp gỡ trực tuyến với các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành GD-ĐT khối trường ĐH.

Kinh phí nghiên cứu của Bộ GD-ĐT cũng có hạn  - Ảnh 1.

Giảng viên, cán bộ giảng dạy một trường ĐH tại TP.HCM theo dõi cuộc gặp gỡ trực tuyến với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chiều qua

N.T.T

Một trong những ý kiến mở đầu cuộc gặp gỡ đến từ đại diện giảng viên (GV) Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - tiến sĩ Đinh Minh Hằng, Trưởng phòng Hành chính - đối ngoại, GV chính Khoa Ngữ văn.

Theo cô Hằng, trong các cơ sở giáo ĐH nói chung và với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nói riêng, việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học là 2 nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mỗi GV. Tuy nhiên, có thực tế là hiện trạng đầu tư cho khoa học - công nghệ hiện nay của chúng ta còn thấp. Như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhà trường có tới 636 GV mà kinh phí nghiên cứu khoa học từ Bộ GD-ĐT chỉ khoảng 6 - 8 tỉ đồng/năm. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội còn là đơn vị thuộc nhóm 5 trường được đầu tư nghiên cứu khoa học cao nhất Bộ GD-ĐT. Như vậy, tính trung bình mỗi GV chỉ được đầu tư 10 - 15 triệu đồng/người/năm. Đây là một khoản chi đầu tư chưa thu hút được sức lực của các GV. Ngoài ra, hình thức đầu tư còn manh mún, nhỏ lẻ.

"Bộ GD-ĐT nên chủ động đặt hàng, dựa vào thực lực các nhà khoa học để giải quyết một vấn đề cụ thể của Bộ, của xã hội đặt ra. Còn tại cuộc gặp gỡ này, mong Bộ trưởng cho biết cần có các động lực, các chính sách gì trong giai đoạn tới để thực sự khuyến khích nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các trường ĐH?", cô Minh Hằng bày tỏ.

Trả lời ý kiến của tiến sĩ Minh Hằng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định, một trong những yếu tố quan trọng là nguồn kinh phí chi cho nghiên cứu khoa học. Nguồn kinh phí Nhà nước chi cho khoa học là có hạn. Để có kinh phí nghiên cứu, trường ĐH cần huy động từ nhiều nguồn: nguồn thu tự chủ của trường ĐH, nguồn đặt hàng của các đối tác cần sử dụng các kết quả nghiên cứu...

"Cô Hằng có đặt vấn đề Bộ GD-ĐT phải tăng cường đặt hàng với nghiên cứu? Ngay kinh phí nghiên cứu của Bộ cũng có hạn. Bộ đặt hàng thì chỉ đặt hàng những nghiên cứu cơ bản liên quan tới hoạt động giáo dục và việc quản lý nhà nước của Bộ… Vì thế, trường ĐH cần phải hướng tới các đối tượng khác, là nơi cần các sản phẩm nghiên cứu và là nơi có tiền, đó là các doanh nghiệp. Nói phải có đặt hàng là đúng, nhưng là ai đặt hàng!", ông Nguyễn Kim Sơn trao đổi lại.

Tuy nhiên, ông Kim Sơn cũng cho rằng, đối với khoa học sư phạm, khoa học cơ bản… thì các cơ quan nhà nước phải tăng cường đầu tư dưới dạng kinh phí của đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.