Kinh tế châu Á 'phập phồng' với bầu cử Mỹ

27/08/2024 06:00 GMT+7

Trong khi vẫn đối mặt nhiều thách thức, kinh tế châu Á - Thái Bình Dương còn đứng trước lo lắng liên quan kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Công ty phân tích Moody's, thuộc Tập đoàn dịch vụ đầu tư Moody's - một trong 3 đơn vị xếp hạng tín nhiệm tài chính uy tín nhất thế giới, vừa có báo cáo mới về kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC).

Kinh tế châu Á 'phập phồng' với bầu cử Mỹ- Ảnh 1.

Kinh tế VN được dự báo sẽ tăng trưởng hơn nhờ vào nhu cầu hàng hóa toàn cầu ngày càng tăng

Ảnh: Ngọc Thắng

Bức tranh không đồng đều

Theo báo cáo trên, kinh tế APAC nói chung đang tăng trưởng, nhưng hiệu suất của các nền kinh tế trong khu vực lại không đồng đều.

Trong đó, Trung Quốc đại lục chưa có dấu hiệu khả thi đạt được động lực tăng trưởng, còn tăng trưởng sản xuất công nghiệp chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp đang tăng và tốc độ đầu tư tài sản cố định chưa được cải thiện. Tại Trung Quốc, các nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển nhiều đầu tư ra khỏi nước này. Đây là hệ quả của việc ngành ô tô điện và chất bán dẫn của nước này đang bị phương Tây trừng phạt, khiến cho nhà đầu tư nước ngoài khó có được hiệu quả nếu tiếp tục duy trì, trong khi mức độ cạnh tranh lại đang rất cao ngay chính trong thị trường đại lục.

Nền kinh tế Nhật Bản thì có cải thiện, đặc biệt là ở quý 2/2024, nhưng phải đối mặt với những cơn gió ngược từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ và giá yen tăng lên.

Kinh tế châu Á 'phập phồng' với bầu cử Mỹ- Ảnh 2.

Nhìn chung, phần còn lại của APAC đang diễn biến tốt trong khi thương mại toàn cầu chỉ được cải thiện một cách khiêm tốn. Hai nền kinh tế Hàn Quốc và Đài Loan đã đạt được bước tiến nhờ nhu cầu về chất bán dẫn liên quan trí tuệ nhân tạo (AI) gia tăng. Singapore cũng được hưởng lợi từ việc tăng trưởng nhu cầu về hàng điện tử, cũng như các sản phẩm dược phẩm và hóa chất.

Cả các nền kinh tế đang phát triển của Đông Nam Á cũng đã có bước ngoặt lớn trong xuất khẩu. Tại Đông Nam Á, đặc biệt là Malaysia và VN, đang được hưởng lợi nhờ xu thế gia tăng đầu tư từ các nguồn trong nước và quốc tế. Chính sách tài khóa ở Philippines hiện cũng tập trung mạnh vào phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng việc thực hiện thực tế chính sách này không đồng đều trong năm qua. Cũng tại Đông Nam Á, những biến động chính trị gần đây đã khiến chính sách tài khóa chưa phát huy hiệu quả và hạn chế đầu tư nước ngoài.

Theo báo cáo trên, triển vọng của kinh tế APAC vào năm 2025 là tốt, mặc dù tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc và Ấn Độ có thể sẽ chậm lại trong năm tới. Sự suy thoái của thị trường nhà ở và mức tiêu dùng thấp sẽ khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc không đạt được mục tiêu 5% trong năm nay. Nền kinh tế vào năm 2025 sẽ củng cố khi thị trường nhà ở từ từ ổn định, các chính sách dần phát huy hiệu quả kích cầu.

Nền kinh tế Ấn Độ sẽ còn chậm lại hơn nữa. Nền kinh tế Nhật Bản sẽ cải thiện sau khi đối mặt với suy thoái từ giữa năm 2023 đến đầu năm 2024. Kết quả quý 2/2024 cho thấy kinh tế Nhật Bản đã có cải thiện trong chi tiêu tiêu dùng và xu hướng đầu tư giảm đã được đảo ngược.

Tăng trưởng sẽ tăng tốc ở Đông Nam Á, được hỗ trợ bởi thương mại, đầu tư, tiêu dùng, chính sách tài khóa nói chung. Trong đó, VN được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều nhất ở Đông Nam Á từ xu thế nhu cầu hàng hóa toàn cầu gia tăng, nên có sự tăng trưởng ổn định. Malaysia và Thái Lan sẽ cũng theo xu thế này nhưng có tốc độ chậm hơn.

Rủi ro địa chính trị

Tuy nhiên, Công ty phân tích Moody's cảnh báo rủi ro địa chính trị đang đe dọa triển vọng kinh tế của châu Á. Trong đó, những căng thẳng gần đây trên Biển Đông cũng như "lò lửa" xung đột Trung Đông làm tăng thêm sự không chắc chắn cho chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất và gần nhất có thể xảy ra liên quan kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Cụ thể, nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử, nước Mỹ có thể tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa đến từ Trung Quốc lẫn nhiều nước châu Á khác. Công ty phân tích Moody's đưa ra kịch bản Mỹ tăng thuế thêm 10% đối với tất cả hàng hóa trung gian nhập khẩu vào nước này sẽ làm tổn thương lớn đến kinh tế Trung Quốc và ảnh hưởng không nhỏ các nền kinh tế khác ở khu vực. Cả hai nền kinh tế Đài Loan và VN cũng phải đối mặt với rủi ro trên mức trung bình. Còn các nền kinh tế ít nhạy cảm với xuất khẩu như Indonesia và Philippines thì rủi ro sẽ thấp hơn.

Cũng trong kịch bản đó, nếu Mỹ tăng cường siết chặt hàng hóa đến từ Trung Quốc thì đầu tư sản xuất có thể chảy vào các nền kinh tế Đông Nam Á và Nam Á nếu mức thuế mà hàng hóa từ các khu vực này bị áp ở mức thấp hơn so với hàng hóa đến từ Trung Quốc. Tuy vậy, cũng trong bối cảnh đó, Mexico có thể trỗi dậy để cạnh tranh với các nền kinh tế châu Á trong việc thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất đang tìm đường vào thị trường Mỹ.

Kế hoạch sắp tới của bà Harris và ông Trump

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và phó tướng liên danh tranh cử của bà là Thống đốc Minnesota Tim Walz sẽ đến bang chiến địa Georgia trong tuần này bằng xe buýt, theo báo The Hill. Chuyến đi bằng xe buýt này sẽ đi qua miền nam Georgia và kết thúc bằng cuộc mít tinh tại khu vực Savannah vào tối 29.8.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump dự kiến phát biểu tại một hội nghị ở TP.Detroit thuộc bang Michigan vào ngày 26.8. Sau đó, ông Trump sẽ đến TP.Potterville (thuộc Michigan) vào ngày 29.8 để phát biểu về kinh tế trước khi tham dự một cuộc họp ở bang Wisconsin vào tối cùng ngày, theo CNN. Đến ngày 30.8, ông Trump sẽ tổ chức cuộc mít tinh ở bang Pennsylvania, rồi đến Washington D.C dự hội nghị do nhóm bảo thủ Moms for Liberty tổ chức.

Văn Khoa


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.