Gần thập niên nghiên cứu vẫn mới và khó?
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng ngày 5.6, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Liên Hương (đoàn Quảng Ngãi) đặt vấn đề du lịch đêm ở VN còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm đa dạng, đặc sắc để thu hút và giữ chân du khách, mặt khác tiềm ẩn các nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội. Bà Hương đề nghị Bộ trưởng đưa ra các giải pháp khắc phục. Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Thủ tướng đã ban hành Quyết định về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở VN, trong đó có giao nhiệm vụ cho Bộ VH-TT-DL xây dựng thí điểm, ban hành một số sản phẩm du lịch đêm. Bộ đã lựa chọn 12 tỉnh, TP để tập trung thực hiện một số sản phẩm du lịch ban đêm. Nhờ sự nỗ lực của Bộ và các địa phương, tín hiệu bước đầu của việc phát triển sản phẩm du lịch đêm khá tích cực. Tuy nhiên, tư lệnh ngành du lịch cho rằng đây là vấn đề mới và khó, không chỉ một mình du lịch làm được mà đó là sản phẩm của ngành kinh tế tổng hợp nên cần có giải pháp căn cơ. Phải có quy hoạch cụ thể, có nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng, nếu không làm cẩn thận sẽ gặp phải tình trạng "nửa đường bị bỏ lại".
"Thời gian tới, Bộ VH-TT-DL sẽ gợi mở một số nhóm sản phẩm có thể làm được nhưng cần dựa trên thiết chế văn hóa từng địa phương, phát triển các loại hình ẩm thực, mở thêm các cửa hiệu mua sắm, tăng trải nghiệm cho du khách. Vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu và cần có lộ trình để đảm bảo tính hiệu quả của du lịch đêm", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Phản hồi của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL khiến nhiều chuyên gia và doanh nghiệp (DN) ngành du lịch khá bất ngờ, bởi chiến lược phát triển kinh tế đêm đã được Chính phủ và nhiều địa phương đặt ra từ cách đây gần 1 thập niên. Đơn cử TP.HCM từ năm 2017 khi chính thức khai trương phố đi bộ Bùi Viện, TP đã ấp ủ "Chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030", trong đó coi sản phẩm du lịch giải trí và hoạt động về đêm là một trong 3 sản phẩm để thúc đẩy công nghiệp không khói của TP. Tương tự, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc… cũng đã tích cực đẩy mạnh các khu hoạt động thương mại như chợ đêm, phố Tây, vui chơi giải trí, bar, spa dành cho khách du lịch… từ những năm 2017 - 2018 với mong muốn khai phá mảnh đất màu mỡ này.
Đến cuối năm 2020, khi dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1129 thông qua Đề án phát triển kinh tế ban đêm, với mục tiêu tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân. Đây được coi như dấu mốc then chốt kích hoạt và mở đường cho kinh tế ban đêm phát triển bài bản như một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế. Tiếp đến, tháng 7.2023, Bộ VH-TT-DL tiếp tục ban hành Đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm tại 12 điểm đến nổi tiếng với mục tiêu đến năm 2025 Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu phấn đấu có ít nhất một mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Trong đó, Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM được yêu cầu hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt.
Có thể thấy, hệ thống chính sách, đề án nghiên cứu về kinh tế ban đêm đã được nghiên cứu, triển khai sâu và rộng trên cả nước từ cấp T.Ư tới địa phương trong suốt 1 thập niên qua. Chưa kể, trên thế giới "cỗ máy in tiền" này đã được vận hành từ nhiều chục năm trước và có rất nhiều mô hình thành công mà VN có thể học hỏi, áp dụng.
Nút thắt lớn nhất nằm ở chữ "thí điểm"
Chủ trương cởi mở, nhiều sản phẩm độc đáo đã được các DN cùng địa phương triển khai để thỏa mãn nhu cầu "vui hết nấc" của du khách như chợ đêm VUI-Fest tại Phú Quốc, city tour bằng xe buýt hai tầng mui trần 24/24 giờ của TP.HCM… Tuy nhiên đến nay, ngoài TP.HCM tự tin báo cáo chi tiêu của du khách vào ban đêm tăng mạnh nhờ các tour mới, sản phẩm mới, chiếm tới 70% tổng chi tiêu khi đến TP.HCM (số liệu tổng kết năm 2023), thì chưa có thủ phủ du lịch nào hình thành được mô hình kinh tế đêm đúng nghĩa, kéo du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn. Nguyên nhân được các DN và chuyên gia chỉ ra vẫn nằm ở nút thắt quy định.
Cụ thể, Quyết định 1129 cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ hôm sau (quy định hiện nay là 2 giờ) tại một số nơi có đông lượng khách du lịch, nhưng đến nay vẫn chưa có địa phương nào mạnh dạn đề xuất thí điểm. Chợ đêm VUI-Fest tại Phú Quốc "vui hết nấc" nhưng chỉ hoạt động từ 16 - 24 giờ hằng ngày bởi theo quy định thì 12 giờ đêm phải đóng cửa. Tương tự, chợ đêm Thảo Điền của TP.Thủ Đức nằm ngay trong khu phố Tây thu nhỏ của TP.HCM nhưng cũng chỉ mở đến 22 giờ. Hệ thống vũ trường của TP.HCM hiện cũng chỉ được mở cửa tới 2 giờ hôm sau.
10 năm phát triển hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí tại Quy Nhơn (Bình Định), ông Lê Duy Lân, Tổng giám đốc Công ty TNHH du lịch Trung Hội, đánh giá: Các TP lớn như TP.HCM và Hà Nội chính sách còn cởi mở, các địa phương mới ưu tiên phát triển du lịch như Quy Nhơn vẫn chưa có cơ chế thực sự thông thoáng với mô hình sản phẩm về đêm. Nhiều nhà hàng, skybar, những mô hình vui chơi có đặc điểm âm thanh lớn chưa kịp hình thành đã vấp phải phản ứng từ người dân. "DN thì muốn mở càng muộn càng tốt để phục vụ du khách, trong khi người dân 10 giờ đêm đã muốn đi ngủ rồi. Sự "lệch pha" này rất khó dung hòa. Trong khi đó, chính sách chung của nhà nước vẫn chưa rõ ràng do mới đang dừng ở thí điểm, khiến địa phương cũng chưa thể quy hoạch bài bản, chưa định hướng cho DN được làm gì, làm ở đâu, làm như thế nào…", ông Lân nói.
Theo ông Lê Duy Lân, nói đến kinh tế đêm, người ta hay mặc nhiên nghĩ tới bar, pub, vũ trường, những tệ nạn… với cái nhìn tiêu cực. Song thực tế kinh tế đêm còn rất nhiều hình thái sản phẩm như biểu diễn nghệ thuật, tour đêm, các cocktail bar… có gu để du khách được tận hưởng vẻ đẹp của điểm đến về đêm. Những loại hình này có thể được tổ chức ngay trong trung tâm TP, còn những sản phẩm sôi động, náo nhiệt thì quy hoạch xa khu dân cư để du khách được vui chơi thoải mái mà không ảnh hưởng tới người bản địa.
"Mình đang sử dụng mô hình thí điểm chứ không phải cơ chế. Mà thí điểm thì chỉ có thời hạn 5 năm, không DN nào dám đầu tư quy mô lớn. Không ai dám bỏ tiền tấn ra để đầu tư cho một cái tạm bợ. Nếu đã là cơ chế, cho chính sách thì phải chi tiết, rõ ràng sản phẩm được làm cái gì, làm tới mức nào, tới mấy giờ, thậm chí nêu rõ âm thanh được bật to tới chừng nào… để không xảy ra khúc mắc giữa người dân và DN. Chỉ khi nào có cơ chế rõ ràng, hợp lý thì DN mới có thể tạo ra những sản phẩm bài bản, mô hình hấp dẫn kéo khách chơi đêm và tiêu tiền", ông Lê Duy Lân đề xuất.
Với các điểm đến đang muốn phát triển du lịch thì các sản phẩm đêm là vô cùng cấp thiết. Quy Nhơn rất đẹp, đồ ăn rất ngon nhưng khách chỉ lưu trú khoảng 1 - 2 đêm là cùng vì đi 2 - 3 điểm du lịch là hết, thiếu niềm vui, không có gì níu chân khách. Cũng vì thế mà khách đến theo chu kỳ, cứ 1 năm đông lại đến 1 năm vắng. Nghĩa là khách tới rồi phải 2 năm sau mới quay trở lại. Nếu có các tụ điểm kinh tế đêm khiến khách vui thì có thể giữ chân du khách ít nhất thêm 1 đêm và kéo họ năm sau quay lại tiếp.
Ông Lê Duy Lân, Tổng giám đốc Công ty TNHH du lịch Trung Hội
Bình luận (0)