Ở top đầu, các thương hiệu thời trang xa xỉ như Louis Vuitton, Gucci, Chanel, Hermès... tiếp tục thống trị thị trường, tạo ra xu hướng và đưa ra mức giá rất cao, có thể lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn đô la Mỹ mỗi sản phẩm, bất chấp mọi khó khăn của đại dịch. Việc được sở hữu thời trang hàng hiệu vì thế mà tuy mang tính "phổ quát" cao - là ước mơ của hầu hết tín đồ nhưng hiện thực vẫn chỉ thuộc về một số và càng ngày càng giảm.
Thích ứng với hiện tại - đáp ứng khao khát sở hữu những món đồ vượt qua ranh giới tiện ích cơ bản của quần áo thể hiện biểu trưng của nghệ thuật và văn hóa, khẳng định đẳng cấp, vị thế của mình với thế giới xung quanh thông qua trang phục trong điều kiện kinh tế eo hẹp của các tín đồ, những mặt hàng thời trang contemporary (chất lượng cao cấp, giá thành vừa phải, nhận diện sang trọng) phát triển mạnh mẽ.
Nổi bật là sự trỗi dậy của thời trang dạo phố sang trọng, với đại diện là các thương hiệu như Off-White hay Balenciaga… - sự kết hợp của thời trang cao cấp với phong cách thành thị. Thiết kế của các thương hiệu này thu hút tầng lớp nhân khẩu học trẻ đến từ các thị trường mới nổi như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… là một phần "cái nhìn" về thời trang cao cấp mới.
Song song với đó là sự hợp tác giữa các thương hiệu thời trang và những người nổi tiếng nhằm tạo ra khái niệm xa xỉ "đương đại" - từ chính đẳng cấp tên tuổi của các ngôi sao hợp tác. Chẳng hạn như sự phát triển của Rihanna với Fenty, sự hợp tác của Beyoncé với Balmain, Louis Vuitton và nữ họa sĩ người Nhật Bản Yayoi Kusama, nữ ca sĩ người Mỹ Billie Eilish và Nike hay siêu mẫu người Anh Rosie Hungtington-Whiteley với Hunza G…
Siêu mẫu Rosie Hungtington-Whiteley hợp tác với thương hiệu thời trang bền vững tại London - Hunza G tung ra loạt áo bơi cao cấp giá chỉ hơn 200 đô la Mỹ
Những sản phẩm "collab" này không chỉ có chất lượng cao cấp mà còn thể hiện dấu ấn cá nhân rõ ràng (như ngôi sao truyền cảm hứng song hành). Tất cả điều đó tạo ra tiếng vang lớn và thúc đẩy doanh số bán hàng thời trang cao cấp mạnh mẽ trên toàn cầu sau đại dịch.
Chưa hết, sự "nhận thức" tân tiến về mặt thẩm mỹ và nỗ lực nâng cao ứng dụng sản phẩm của các nghệ nhân, thợ làng nghề cũng cải thiện đáng kể mẫu mã, công năng của các sản phẩm thời trang thủ công, góp phần đưa chúng vượt ra ngoài "khuôn viên" của tính truyền thống trong làng nghề. Mạnh mẽ, hiệu quả hơn chính là sự "bắt tay" đồng hành của các nhà thiết kế (NTK) và những người tâm huyết với thời trang bền vững.
Trong khi thế giới thời trang xa xỉ là một bản giao hưởng của tay nghề thủ công tinh xảo, thiết kế và vật liệu chất lượng cao tạo nên những tác phẩm đáng trân trọng suốt đời thì sản phẩm thời trang contemporary - dưới hình thức các sản phẩm thời trang thủ công làng nghề cũng vậy.
Chi tiết trên túi thời trang thủ công như trang trí, quai xách, dây đeo, lớp lót... rất cầu kỳ, tinh xảo tạo ra tính nghệ thuật, đậm hơi thở tự tin của các cá nhân chuộng dùng
Hàng xa xỉ sở hữu cả các yếu tố vô hình như sự kết nối cảm xúc mà khách hàng có với thương hiệu, địa vị và uy tín của khách gắn liền với thương hiệu sở hữu thì hàng thời trang contemporary cũng vậy nhưng lại tốt hơn về giá.
Yếu tố cộng đồng trong mỗi sản phẩm contemporary rất cao - đây chính là đặc trưng của các xu thế, tư duy sau đại dịch. Một sản phẩm contemporary vừa đảm bảo tính cao cấp vừa đáp ứng nhu cầu của số đông người tiêu dùng thời trang (thay vì thiểu số như trước kia, nhờ giá thành tốt).
Đồng thời giúp "nuôi sống" nhiều nhân khẩu thông qua việc thúc đẩy doanh số bán hàng tại các làng nghề. Cụ thể, mỗi một món hàng thủ công được mua sẽ giúp cho cuộc sống của một số phụ nữ nông thôn (hoặc những người yếu thế khác như người khuyết tật, người già…) có thêm thu nhập ổn định cuộc sống.
Theo dòng chảy thực tế, khái niệm hàng hiệu hiện đại đã được điều chỉnh lại đầy mới mẻ. Một sản phẩm thời trang cao cấp là một sản phẩm đẹp, tinh xảo, giàu tính nghệ thuật, thể hiện văn hóa biểu trưng, mang đậm dấu ấn cá nhân nhưng đồng thời cũng cần đề cao tính cộng đồng, khuyến khích bảo vệ môi trường và đậm tính thủ công.
Theo: Comay Craft, Vogue, Elle, Hypebeast, Forbes, Grand View Research