Kinh tế Nga đối mặt thách thức chưa từng có

01/03/2022 07:40 GMT+7

Một số nhà phân tích dự đoán rúp Nga (RUB) sẽ “hoàn toàn sụp đổ” nếu các nỗ lực giải cứu của ngân hàng trung ương thất bại, trong khi Pháp tuyên bố Nga đã bị cô lập khỏi nền kinh tế thế giới .

Chiều qua (giờ VN), RUB lao dốc không phanh sau khi mất hơn 40% giá trị vào thời điểm châu Âu mở cửa thị trường đầu ngày 28.2.

Kỷ lục cho RUB

Theo tờ The Guardian, có thời điểm giao dịch ở mức 119 RUB đổi 1 USD, tức mức thấp kỷ lục. Các nhà phân tích của Ngân hàng Rabobank (Singapore) dự báo tình hình xấu cho nội tệ của Nga.

Điều này do Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) bị phong tỏa tài sản theo lệnh trừng phạt của các nước phương Tây và đồng minh cũng như đối tác. CBR bị đẩy vào tình thế không thể bán dự trữ ngoại tệ để hỗ trợ RUB.

Người dân Nga đổ xô đi rút tiền, đổi ngoại tệ vì sợ đồng Rúp trượt giá

Vài ngày trước, phương Tây và các đồng minh thực hiện những bước vô tiền khoáng hậu, theo đó cô lập nền kinh tế và hệ thống tài chính Nga vì chiến dịch quân sự theo lệnh Tổng thống Vladimir Putin tại Ukraine. CBR bị trúng đòn cấm vận, trong khi một số ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT.

Chỉ số hối đoái cho thấy giá đồng RUB dao động mạnh so với ngoại tệ hôm 28.2

AFP

Theo giới quan sát, SWIFT được so sánh như “vũ khí hạt nhân” trong lĩnh vực tài chính. Đây là kênh lưu chuyển khối lượng giao dịch khổng lồ với giá trị hàng nghìn tỉ USD, cho phép chuyển tiền nhanh chóng trên toàn bộ hệ thống gồm hơn 11.000 ngân hàng thuộc khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đài Europe 1 dẫn lời ông Clement Beaune, Bộ trưởng Các sự vụ châu Âu của Pháp, tuyên bố Nga đã bị “bứng khỏi” nền kinh tế toàn cầu, đồng thời chính quyền Moscow đang đối mặt nguy cơ tổn thất kinh tế khổng lồ. Cùng ngày, nhánh châu Âu của Sberbank, ngân hàng lớn nhất Nga, đối mặt nguy cơ đóng cửa do người gửi ồ ạt rút tiền. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo điều xấu nhất đang chờ đợi Sberbank châu Âu và hai chi nhánh ngân hàng ở Croatia và Slovakia.

Cũng trong hôm qua, Nhật Bản trở thành thế lực kinh tế mới nhất tham gia nỗ lực chung của phương Tây nhằm giới hạn năng lực huy động 640 tỉ USD đến từ nguồn dự trữ vàng và ngoại hối của Nga. Cùng lúc, Tập đoàn năng lượng BP, Ngân hàng HSBC và Công ty cho thuê máy bay AerCap gia nhập danh sách các công ty phương Tây tìm cách rút vốn khỏi Nga.

Nỗi lo thiếu tiền mặt

Một ngày trước, nhiều người Nga xếp hàng dài trước các máy ATM, tranh thủ dự trữ tiền mặt vì lo ngại các lệnh cấm vận của phương Tây. “Tình hình của nền kinh tế Nga đang rất tồi tệ”, tờ The Guardian dẫn lời ông Christopher Vecchio, chiến lược gia kỳ cựu của Công ty hối đoái DailyFX thuộc IG Group ở New York (Mỹ).

Ông Vecchio phân tích rằng Nga hiện không thể xuất khẩu hoặc nhập khẩu vì bị loại khỏi hệ thống SWIFT, không thể bán dự trữ ngoại tệ vì các tài sản của CBR bị đóng băng. Theo chuyên gia Mỹ, Nga đối mặt nguy cơ khủng hoảng tiền tệ, lạm phát tăng cao và nguy cơ suy thoái đang ở trước mắt.

Hôm qua (28.2), Reuters dẫn lời ông Vivian Balakrishnan, Ngoại trưởng Singapore, phát biểu trước quốc hội nước này, cho biết: “Singapore dự định sẽ hành động cùng với nhiều quốc gia cùng chí hướng khác để áp đặt các biện pháp trừng phạt và hạn chế thích hợp chống lại Nga”.

Giải thích cho động thái vừa nêu, ông Balakrishnan cho rằng là do tình hình “nghiêm trọng chưa từng có” và việc Nga phủ quyết dự thảo của HĐBA LHQ hồi cuối tuần trước. Theo đó, Singapore dự kiến sẽ chặn một số ngân hàng của Nga và các giao dịch tài chính liên quan Nga.

Còn Giáo sư Sergei Guriev của Viện Nghiên cứu chính trị Pháp, dự báo Nga đang đứng trước nguy cơ chưa từng có. Trước đây, CBR chưa từng bị trúng đòn cấm vận, đặc biệt trong bối cảnh Nga là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong quá khứ, chỉ có Iran, Venezuela và Syria bị cấm vận tương tự.

Trước diễn tiến trên, Điện Kremlin thừa nhận Nga đang đối mặt tình hình “kinh tế thay đổi đáng kể”. Tuy nhiên, người phát ngôn Dmitry Peskov cho rằng không có lý do để nghi ngờ sự hiệu quả và uy tín của CBR. Ngân hàng Trung ương của Nga vừa nâng lãi suất cơ bản từ 9,5% lên 20%/năm. Biện pháp này được cho có thể giúp duy trì ổn định trên thị trường tài chính và bình ổn giá, trong khi bảo tồn giá trị tiền gửi tiết kiệm của người dân trước tình trạng RUB mất giá kỷ lục.

Đồng thời, CBR cho biết sẽ bắt đầu thu mua vàng từ thị trường trong nước và cung cấp các khoản vay không giới hạn để hệ thống tài chính hoạt động bình thường. Ông Peskov cho biết Tổng thống Vladimir Putin được thông báo về tình hình kinh tế và sẽ có giải pháp khắc phục.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.