Kinh tế Nhật Bản thời kỳ hậu Abe

20/09/2020 11:00 GMT+7

Thanh Niên giới thiệu bài phân tích độc quyền của Giáo sư Akira Kawamoto, cựu quan chức Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản về chính sách kinh tế dưới thời tân Thủ tướng Yoshihide Suga.

Giới quan sát đang đặt câu hỏi liệu chính sách kinh tế của chính quyền ông Shinzo Abe (còn gọi là Abenomics) có thay đổi lớn dưới thời tân Thủ tướng Yoshihide Suga. Đáp án cho câu hỏi này liên quan nhiều đến diễn biến địa chính trị như đại dịch Covid-19 hay đối đầu Mỹ - Trung Quốc.

An toàn hay mạnh dạn thay đổi ?

Giáo sư Akira Kawamoto

       
Nhiều nhà quan sát bên ngoài cho rằng ông Suga sẽ tiếp nối chính sách Abenomics và đây là phương án an toàn. Với gần 8 năm nắm giữ vị trí chánh văn phòng của ông Abe, đây có lẽ là nước cờ tốt nhất đối với ông Suga.
Theo diễn biến đó, chính sách nới lỏng tiền tệ từ năm 2013 của Thống đốc Ngân hàng trung ương (BOJ) Haruhiko Kuroda, người được ông Abe bổ nhiệm, sẽ được tiếp tục. Tương tự, ông Suga sẽ tránh siết chặt ngân sách một cách quyết liệt và gấp rút, cho dù các biện pháp ứng phó đại dịch của chính phủ Abe đã làm tăng thêm mức nợ ròng của Nhật Bản, vốn thuộc tốp cao nhất trong số các nước phát triển (khoảng 150% GDP).
Nhưng nếu Nhật Bản muốn duy trì vị thế toàn cầu, ông Suga phải tạo sự khác biệt với người tiền nhiệm và thực hiện nhiều cải cách mang tính cơ cấu. Những cải cách về quản lý và gia tăng năng suất thị trường lao động gần như chắc chắn là cách duy nhất để thúc đẩy mức tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản.
Mặc dù các chính sách của ông Abe đã giúp chấm dứt giảm phát kéo dài, thành tựu chung của Abenomics lại không quá ấn tượng. Từ năm 2013 - 2019, tăng trưởng GDP hằng năm trung bình chỉ là 1% và chỉ 2 lần vượt qua 2% trong 8 năm làm thủ tướng của ông Abe.
Hơn nữa, số liệu của BOJ cho thấy tăng trưởng dưới chính sách Abenomics hầu hết là kết quả của việc tăng vốn và lao động đầu vào, thay vì từ hiệu quả năng suất. Trái với quan điểm thông thường rằng kinh tế Nhật Bản đối diện những tác động mạnh mẽ do dân số già và lực lượng lao động giảm, số người có công ăn việc làm tiếp tục tăng trong suốt những năm cầm quyền của ông Abe vì có nhiều phụ nữ gia nhập lực lượng lao động.
Tăng trưởng năng suất bị chững lại cho thấy rằng những cải cách cơ cấu của chính quyền Abe (thường được gọi là “mũi tên thứ 3” của Abenomics) đã không đáp ứng sự kỳ vọng. Nỗ lực giải cứu Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương và đạt thỏa thuận thương mại tự do với EU gần đây, cộng với những tiến bộ trong việc quản trị doanh nghiệp, là những thành tựu thực chất và đáng ca ngợi. Tuy nhiên, tác động cộng hưởng của Abenomics là chưa lớn.

Khu mua sắm Setagaya ở Tokyo, Nhật Bản

Bloomberg

Lý do có thể là vì các đảng đối lập thiếu những phương án đối trọng với Abenomics để thúc đẩy ông Abe quyết liệt hơn. Hoặc cũng có thể do ông dành tâm trí cho việc sửa đổi hiến pháp, mục tiêu vẫn chưa thực hiện được vì không thu hút được sự ủng hộ của đa số cử tri.

Hai trở ngại

Để thúc đẩy những cải cách cơ cấu bao quát đòi hỏi ông Suga vượt qua những sự thuyết phục và mong đợi, phần lớn từ trong nội bộ đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, và khéo léo vận động ý kiến của người dân. Một số phát biểu của ông Suga trong chiến dịch tranh cử gần đây cho thấy ông có thể là một thủ tướng “dám nghĩ dám làm” hơn nhiều người kỳ vọng.
Ví dụ, ông Suga đã công khai ý tưởng cho phép các đối thủ cạnh tranh mới gia nhập nhiều lĩnh vực vốn được quản lý chặt chẽ như viễn thông di động và nông nghiệp. Ông cũng công bố ý định thành lập cơ quan mới chuyên trách cải tổ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của chính quyền.
Những chỉ dấu khác được hé lộ khi ông còn là chánh văn phòng nội các. Đó là khi ông thúc đẩy thay đổi các chính sách mà cho đến nay được coi là không thể động đến, nới lỏng quy định thị thực mở cửa cho du khách nước ngoài hay sửa đổi liên quan chính sách ứng phó thảm họa tự nhiên.
Tuy vậy, tương lai phía trước còn nhiều điều khó đoán và ông Suga sẽ đối diện 2 trở ngại trước mắt. Thứ nhất, ông phải thể hiện phong cách lãnh đạo riêng rõ ràng. Khác với những người tiền nhiệm xuất thân từ các gia tộc chính trị quyền lực, ông Suga có thân thế từ tầng lớp trung lưu. Mặc dù ông Suga đã tự chứng minh là nhà quản lý sau hậu trường giàu năng lực, vai trò mới còn đòi hỏi ông phải là người dẫn dắt, truyền cảm hứng cho đất nước. Bài kiểm tra đầu tiên sẽ là lèo lái chính phủ ứng phó với đại dịch sau những biện pháp của chính quyền tiền nhiệm.
Trở ngại thứ hai của ông Suga là củng cố quyền lực trong LDP trước những đấu đá nội bộ tiềm tàng có khả năng nổi lên sau khi ông thành lập nội các. Chiến lược tốt nhất của ông Suga có thể là kêu gọi bầu cử sớm. Một chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sẽ cho ông thẩm quyền cần thiết để vạch ra lộ trình chính sách kinh tế quả quyết hơn.
(Bảo Vinh chuyển ngữ)
© Project Syndicate
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.