Sáng 1.2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 1.2024. Với tinh thần không để "đầu năm thong thả, cuối năm vất vả", ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm mới 2024, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt nghị quyết, kết luận của T.Ư, Bộ Chính trị, Quốc hội; tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt, dứt khoát, rõ ràng, việc nào dứt việc đó.
VN là "ngôi sao đang lên" về đầu tư
Báo cáo của Bộ KH-ĐT cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 3,37% so với cùng kỳ, chủ yếu do tác động của việc tăng giá dịch vụ y tế và bán lẻ điện theo kế hoạch. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất huy động và cho vay duy trì xu hướng giảm. Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% để các tổ chức tín dụng chủ động triển khai thực hiện.
Thu ngân sách đạt 231.000 tỉ đồng, bằng 13,6% dự toán, giảm nhẹ 2,8% so với cùng kỳ. Xuất, nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt gần 64,22 tỉ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu tăng 42% (khu vực trong nước tăng 62,6%, cao hơn nhiều mức tăng 35,6% của khu vực đầu tư nước ngoài (FDI); nhập khẩu tăng 33,3%, xuất siêu 2,92 tỉ USD.
An ninh năng lượng, lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo tháng 1 đạt 500.000 tấn, kim ngạch 347 triệu USD, tăng lần lượt 39,4% và 86,1% so với cùng kỳ); cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu. Giải ngân vốn đầu tư công tháng 1 ước đạt 2,58% kế hoạch, cao hơn so cùng kỳ (1,81%). Vốn FDI đăng ký đạt 2,36 tỉ USD, tăng 40,2%; vốn FDI thực hiện đạt 1,48 tỉ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, số doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ; tăng 24,8% về số doanh nghiệp, tăng 52,8% về số vốn đăng ký và tăng 50,8% về số lao động. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế VN. Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại VN (EuroCham) đánh giá VN là "ngôi sao đang lên" về đầu tư trên toàn cầu và "nêu bật vị trí chiến lược" của VN trong khu vực Đông Nam Á. Khu vực bắc Trung bộ của VN được hãng Nikkei (Nhật Bản) đánh giá là "thỏi nam châm thu hút đầu tư nước ngoài"…
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác chỉ đạo, điều hành ngày càng có kinh nghiệm hơn, bản lĩnh hơn, chủ động, linh hoạt hơn trong phản ứng chính sách. Bên cạnh những tín hiệu tích cực, nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ còn gặp khó khăn do tiếp tục chịu ảnh hưởng từ biến động của thị trường thế giới. Khu vực nông nghiệp đối mặt với El Nino trong nửa đầu năm, thiên tai, bão lũ trong nửa cuối năm.
Căng thẳng tại biển Đỏ làm tăng giá cước vận chuyển đi Mỹ và EU, ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu của VN. Tiêu dùng toàn cầu chưa có sự phục hồi rõ nét. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro gia tăng nợ xấu. Thị trường bất động sản mặc dù đã có chuyển biến tích cực, song còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đời sống một bộ phận người dân còn gặp khó khăn...
Bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có tết
Giao nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng trước mắt trong tháng là phải tập trung tổ chức Tết Nguyên đán Giáp Thìn đầm ấm, vui tươi, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có tết, không để ai không có tết.
Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng. Tập trung tạo thuận lợi thu hút, giải ngân các nguồn lực đầu tư của toàn xã hội (đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và hợp tác công - tư); quyết liệt xử lý vướng mắc, tích cực hỗ trợ đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư...
Thủ tướng đặc biệt lưu ý thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, hoàn thiện quy hoạch, thúc đẩy mạnh mẽ 6 vùng KT-XH theo nghị quyết của Bộ Chính trị. Thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới hydrogen; xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại VN.
Theo đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh phê duyệt quy hoạch. Xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2024. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, tổng thể và đồng bộ các chính sách, giải pháp về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư đã ban hành.
Đồng thời, phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ sản xuất công nghiệp; trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, các ngành công nghiệp chủ lực; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa mạnh mẽ. Đặc biệt, chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng; không để thiếu điện, xăng dầu (nhất là khi năm 2024 được dự báo là năm hạn hán, thiếu nước nặng nề do El Nino).
Về dịch vụ, du lịch, phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao (vận tải, logistics, giáo dục, y tế, ngân hàng…). Bộ GTVT triển khai ngay quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; có giải pháp cụ thể để tiết giảm chi phí vận tải, logistics; đẩy mạnh thu hút du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, xúc tiến du lịch các thị trường trọng điểm...
Thông tin về giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung cho biết đây là một trong những nội dung quan trọng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và có những chỉ đạo sát sao suốt thời gian qua. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã xác định thực hiện giải ngân vốn đầu tư công vừa là giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, vừa là trụ đỡ tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn phát triển.
Theo ông Trung, năm 2024, tổng số vốn đầu tư công là hơn 650.000 tỉ đồng. Tính đến nay tổng số vốn đã giao cho các bộ và địa phương đạt gần 97%, cao hơn rất nhiều so với năm 2023. Nhờ phân bổ vốn từ sớm nên tháng 1.2024 đã giải ngân đạt 16.900 tỉ đồng, cao hơn so với cùng kỳ.
"Đầu tư công là một chuỗi quá trình, liên quan đến nhiều quy định, từ đất đai, môi trường, xây dựng… Nhưng với sự chỉ đạo sát sao, tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc nên chúng ta đã đạt được những kết quả hết sức khích lệ trong việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công", ông Trung nói. Trước đó, trong năm 2023, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù đối với dự án giao thông đường bộ. Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, Chính phủ đã ban hành quy định để triển khai thực hiện ngay.
"Năm 2024, nhiều dự án lớn, dự án quan trọng có tính lan tỏa đã hoàn thiện thủ tục. Điều này cho chúng ta niềm tin chắc chắn rằng kết quả giải ngân năm 2024 sẽ cao, hoàn thành được mục tiêu đề ra", ông Trung nói.
Sẽ có "vắc xin" điều trị vi rút tham nhũng, tiêu cực
Thông tin với báo chí tại họp báo Chính phủ chiều 1.2, trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết với phương châm "xử lý 1 vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", Bộ Công an đã tích cực "thăm khám và điều trị" với một số "bệnh nan y" trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vừa qua, Bộ Công an đã xử lý vụ Việt Á, vụ chuyến bay giải cứu, Ngân hàng SCB và đang chuyển sang lĩnh vực điện, xăng dầu, đá, cát, sỏi.
Trong đó, vụ án Công ty CP Tập đoàn Tuấn Ân và Công ty Điện lực Bình Thuận là một ví dụ điển hình. Trong vụ án này, chủ đầu tư và nhà thầu đã bắt tay nhau để nâng giá vật tư, thiết bị điện. Nhiều vật tư, thiết bị điện được nâng giá từ vài chục đến vài trăm phần trăm, có những vật tư được nâng giá lên 300%. Điều này là một trong những nguyên nhân làm tăng giá điện, làm thiệt hại đáng kể cho người tiêu dùng. Nâng giá điện vào giá thành nên giá điện tăng lên và người tiêu dùng chịu thiệt thòi. "Loại "vi rút phát tán biến thể" này tương đối phổ biến ở một số địa phương. Thời gian tới, Bộ Công an sẽ có vắc xin để điều trị vi rút này", trung tướng Xô nói.
Cụ thể, vụ Công ty Xuyên Việt Oil và Công ty Hải Hà Petro và một số đơn vị liên quan là điển hình cho vi phạm quy định về xuất, nhập khẩu xăng dầu, quản lý quỹ bình ổn xăng dầu. Công ty Hải Hà Petro đã gây thiệt hại ngân sách ước tính ban đầu khoảng 15 tỉ đồng và thất thoát hơn 300 tỉ đồng. Vụ Công ty Xuyên Việt Oil, cơ quan điều tra đã phong tỏa 17 tài khoản cá nhân với số tiền trên 4 tỉ đồng. Tạm dừng giao dịch mua bán, chuyển nhượng 54 nhà đất đứng tên cá nhân và 6 nhà đất đứng tên công ty.
TP.HCM: sớm đưa trung tâm logistics đi vào hoạt động
Ngày 1.2, tại phiên họp KT-XH định kỳ tháng 1.2024 của UBND TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng cho biết kết quả phát triển KT-XH tháng 1.2024 đạt tương đối khả quan nhưng một số chỉ tiêu vẫn giảm. Do vậy, ngành tài chính quan tâm đến việc thu ngân sách, ngành công thương sớm đưa trung tâm logistics đi vào hoạt động, thúc đẩy xuất nhập khẩu. Ông Dũng cũng đề nghị triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường, phát triển du lịch dịp cuối năm, chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán…
Cũng tại phiên họp, Giám đốc Sở VH-TT Trần Thế Thuận cho biết đêm giao thừa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sẽ bắn pháo hoa tại 11 điểm, gồm 2 điểm tầm cao và 9 điểm tầm thấp. Thời gian bắn pháo hoa từ 0 giờ đến 0 giờ 15 ngày 10.2, toàn bộ kinh phí từ nguồn xã hội hóa.
Lãnh đạo TP.HCM cũng yêu cầu công an tập trung tấn công trấn áp các loại tội phạm về trộm cắp, cướp giật, hàng gian, hàng giả và ma túy. Lực lượng CSGT phối hợp các lực lượng chức năng bố trí, điều hòa giao thông để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân đi lại mua sắm tết, tham gia lễ hội và trở lại làm việc sau kỳ nghỉ.
Sỹ Đông
Bình luận (0)