“Cửa vẫn còn để ngỏ”, Chủ tịch AIIB Kim Lập Quần nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Bloomberg ngày 9.1, khi được hỏi liệu ông có hi vọng Mỹ sẽ cân nhắc trở thành thành viên. “Chúng tôi duy trì một chính sách nhất quán. AIIB là một thể chế phát triển đa quốc gia”, ông Kim Lập Quần nói thêm.
Khoảng 30 quốc gia đang chờ gia nhập, ông Kim nói tại trụ sở của AIIB tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Ngân hàng với số vốn cam kết 100 tỉ USD này được xem là một phần nỗ lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc, đã hỗ trợ 9 dự án tại 7 quốc gia hồi năm ngoái.
Trước khi AIIB khai trương vào tháng 1.2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từ chối tham gia, nhưng nhiều đồng minh thân cận của Washington làm ngược lại. Hiện Bắc Kinh đang chuẩn bị “tiếp” chính quyền của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, vốn đã làm căng thẳng quan hệ trước khi nhậm chức vào ngày 20.1.
Ông Kim, cựu Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc từng có thời gian làm việc tại Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vẫn lạc quan bất chấp những căng thẳng gần đây.
“Chúng tôi có thể làm việc rất tốt với nhau”, ông Kim nói và cho biết thêm rằng các quan chức cao cấp trong chính phủ Mỹ, bao gồm cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa, đã chia sẻ với ông lời khen ngợi đối với thể chế tài chính mới. “Tôi cảm thấy phấn khích vì những đánh giá tích cực về AIIB”, ông nhấn mạnh.
AIIB đã có thêm lực đẩy hồi năm ngoái khi Anh, Đức, Pháp và Ý trở thành thành viên. Các đồng minh khác của Mỹ như Úc, Hàn Quốc và Canada cũng đã tham gia, chỉ còn Mỹ và Nhật Bản là 2 thành viên cuối cùng của nhóm G-7 đứng ngoài.
Các dự án ban đầu của AIIB bao gồm cải tạo khu ổ chuột ở Indonesia, xây dựng một đường ống mới nối các mỏ khí đốt ở Azerbaijan đến các thị trường ở Nam Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. AIIB đã cho vay 1,73 tỉ USD hồi năm ngoái, vượt mục tiêu ban đầu là 1,2 tỉ USD.
Ông Kim cho biết 75% dự án của AIIB cho đến nay được đề xuất và đồng tài trợ với các thể chế hiện hữu, bao gồm WB, ADB cùng Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu có trụ sở ở London (Anh).
Ông Kim nói AIIB sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các thể chế cho vay đa phương, đồng thời củng cố khả năng của riêng mình cũng như tăng cường các khoản giải ngân.
tin liên quan
Ngân hàng AIIB do Trung Quốc khởi xướng có phó chủ tịch mớiVệc bổ nhiệm ông de Longuemar đồng nghĩa với 3/5 ghế phó chủ tịch của ngân hàng do Trung Quốc vận động thành lập hiện do người châu Âu nắm giữ.
Bình luận (0)