Ngân hàng AIIB do Trung Quốc khởi xướng có phó chủ tịch mới

19/09/2016 20:44 GMT+7

Vệc bổ nhiệm ông de Longuemar đồng nghĩa với 3/5 ghế phó chủ tịch của ngân hàng do Trung Quốc vận động thành lập hiện do người châu Âu nắm giữ.

Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) vừa bổ nhiệm ông Thierry de Longuemar, người Pháp, làm phó chủ tịch mới phụ trách tài chính, thay ông Hong Kyttack, người vừa rời khỏi AIIB do một vụ bê bối liên quan đến chức vụ trước đó tại quê nhà Hàn Quốc.
Theo Global Times, việc bổ nhiệm ông de Longuemar đồng nghĩa với 3/5 ghế phó chủ tịch của ngân hàng do Trung Quốc vận động thành lập hiện do người châu Âu nắm giữ.
“Tôi rất vui mừng khi công bố việc bổ nhiệm ông Thierry de Longuemar vào vị trí lãnh đạo quan trọng này. Ông ấy mang theo mình hàng chục năm kinh nghiệm phù hợp vốn sẽ phục vụ tốt cho ngân hàng trong những năm sắp tới. Tôi trông đợi được làm việc với ông khi ông tiếp nhận chức vụ mới vào cuối tháng này”, Chủ tịch AIIB Kim Lập Quần nói trong một thông cáo được công bố hôm 19.9.
Ông de Longuemar gia nhập AIIB, có trụ sở ở Bắc Kinh, hồi tháng 6 trong vai trò giám đốc tài chính. Viên chức Pháp lên thay ông Hong, người đã từ chức phó chủ tịch AIIB do những cáo buộc quản lý kém khi nắm giữ chức chủ tịch Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc.
Pháp là một trong các thành viên sáng lập của AIIB, vốn được Trung Quốc thành lập để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Á.
Được xem là đối thủ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Nhật Bản lãnh đạo và Ngân hàng Thế giới (WB) có trụ sở ở Washington D.C, AIIB chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1.2016 với 57 quốc gia thành viên và nguồn vốn 100 tỉ USD.
Sau quyết định bổ nhiệm ông de Longuemar, 5 phó chủ tịch của AIIB đến từ các nước Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ và Indonesia. Trung Quốc là cổ đông lớn nhất tại AIIB, sau đó đến Ấn Độ, Nga, Đức và Hàn Quốc.
Việc bổ nhiệm ông de Longuemar, người trước đó từng công tác tại Ngân hàng Phát triển châu Phi, có thể được xem là một bước đi của AIIB nhằm chứng minh đây là một tổ chức cho vay đa quốc gia chứ không phải là một công cụ chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.
Hiện AIIB cũng đang hợp tác với các ngân hàng phát triển khác. Ba trong 4 dự án đầu tiên của AIIB được công bố hồi tháng 6 đang được đồng tài trợ bởi ADB, WB và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu. Mỹ và Nhật chưa gia nhập AIIB, nhưng 2 nước đang hợp tác gián tiếp với ngân hàng này thông qua WB và ADB.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.