Ngân hàng AIIB do Trung Quốc khởi xướng chính thức ra đời

26/12/2015 10:29 GMT+7

Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng, là đối trọng của Ngân hàng Thế giới (WB) cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vừa chính thức được thành lập ở Bắc Kinh.

Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng, là đối trọng của Ngân hàng Thế giới (WB) cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vừa chính thức được thành lập ở Bắc Kinh.

Ảnh: ReutersẢnh: Reuters
Theo Reuters, định chế tài chính là đối trọng của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), WB và ADB vừa chính thức ra đời ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Dự kiến, ngân hàng sẽ đi vào hoạt động từ giữa tháng 1.2016, theo Tân Hoa xã.
Việc chính thức thành lập ngân hàng AIIB diễn ra sau khi 17 thành viên của AIIB, những nước góp đến 50% vốn cổ phần, phê chuẩn một thỏa thuận, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ cho hay. Ngân hàng sẽ tổ chức lễ thành lập và chính thức bầu Chủ tịch vào giữa tháng 1.2016. Ban đầu, AIIB sẽ tập trung vào các dự án tài trợ trong lĩnh vực điện, giao thông và cơ sở hạ tầng đô thị châu Á.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu có đề xuất về AIIB cách đây chưa đầy hai năm. Định chế tài chính này đã và đang trở thành một trong những chính sách đối ngoại thành công của Đại lục. 
Trung Quốc và 20 quốc gia châu Á khác, bao gồm Ấn Độ và Singapore, đồng ý thành lập AIIB vào tháng 10.2014. Kể từ đó, một loạt quốc gia châu Âu và châu Á khác đã trở thành thành viên ngân hàng. Trong số các nước này có nhiều đồng minh lớn của Mỹ như Úc, Anh, Đức, Ý, Philippines và Hàn Quốc bất chấp sự phản đối của Washington.
AIIB hiện có 57 thành viên, vốn cơ bản là 100 tỉ USD. Trung Quốc, Ấn Độ và Nga là những cổ đông lớn nhất. Trung Quốc chiếm 30,34% cổ phần và nắm giữ 26,06% quyền biểu quyết. Dù AIIB được xem là thách thức đặt ra cho WB và ADB, Bắc Kinh từng nhấn mạnh rằng mục đích của ngân hàng là thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực, không phải là cạnh tranh với các định chế tài chính hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.