Phản ứng tồi tệ tức thì của thị trường không phải là hệ quả duy nhất từ quyết định Brexit. Theo CNN, những điều tồi tệ hơn có thể đến với nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, trừ khi họ tìm được lời giải cho ba câu hỏi sau.
1. Anh có thể nhận được từ EU thỏa thuận thế nào?
Dù sững sờ trước kết quả bỏ phiếu của cử tri Anh, giới lãnh đạo châu Âu muốn các cuộc đàm phán bắt đầu ngay tức thì. Song với tình trạng lấp lửng của Anh quốc về mặt chính trị ba tháng sau khi Thủ tướng Anh David Cameron từ chức, mong đợi đàm phán ngay ít có thể xảy ra.
Người lãnh đạo chiến dịch Rời đi Boris Johnson, gương mặt có triển vọng kế nhiệm ông Cameron, không vội thực hiện Điều 50 trong Hiệp ước EU - quy định vốn sẽ khởi đầu đếm ngược thời gian hai năm cho lần ra đi chưa từng có của Anh.
Yếu tố này quan trọng, vì EU là đối tác thương mại lớn nhất của Anh. Các công ty và ngân hàng lớn ở Anh hoạt động kinh doanh nhiều tại châu Âu sẽ đối mặt với tương lai thiếu chắc chắn. Sự thiếu chắc chắn chính là “sát thủ của tăng trưởng”, theo Giám đốc điều hành Martin Sorrell của hãng WPP.
Tờ Handelsblatt cho hay Đức có thể nhấn mạnh rằng Anh “không có quyền tự động truy cập” để bán hàng hóa và dịch vụ cho 440 triệu người ở EU. Nếu Anh có thể dễ dàng bước vào các thị trường EU mà không cần làm thành viên của EU, nhiều nước khác sẽ được khuyến khích để rời đi.
2. Anh sẽ đối phó với “lỗ đen” tài chính ra sao?
|
Thời gian lộn xộn phía trước có khả năng tổn thương niềm tin kinh doanh và tiêu dùng, dẫn đến tốc độ tăng trưởng chậm hơn, trì trệ và thậm chí suy thoái. Nền kinh tế có thể kết thúc với quy mô nhỏ hơn về dài hạn, khi đầu tư và việc làm lẽ ra đi đến Anh nhưng lại đổi hướng sang EU.
Viện Nghiên cứu Tài chính (IFS) độc lập ước tính trước cuộc bỏ phiếu rằng lỗ hổng ngân sách phát sinh từ tăng trưởng kinh tế yếu đi có thể lớn hơn nhiều so với khoản tiền mà Anh tiết kiệm được từ việc ngừng đóng góp vào ngân sách cộng đồng chung. IFS cho hay: “Về lâu dài các loại thuế buộc phải đi lên, chi tiêu giảm đi”.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s hôm 24.6 cho hay họ có thể hạ xếp hạng tín dụng của Anh vì bất ổn chính trị, kinh tế theo sau lựa chọn Brexit.
Anh là nước có thâm hụt ngân sách cao thứ nhì trong khối G7, sau Nhật Bản. Họ cũng có thâm hụt tài khoản vãng lai cao nhất, hay nói cách khác là phải vay thêm từ phần còn lại của thế giới để trang trải cho nhập khẩu nhiều hơn bất cứ nền kinh tế tiên tiến nào. Nếu giới đầu tư tiếp tục kéo tiền ra khỏi Anh, đồng bảng sẽ chịu thêm sức ép.
3. Phía Brexit sẽ thực hiện lời hứa của họ?
|
Cuộc trưng cầu dân ý vừa rồi không giống như một cuộc bầu cử, nơi cả hai phía đều dược hỗ trợ bởi các chính trị gia từ nhiều bên. Song nó cũng tương tự như cách các nhà vận động tung ra những lời hứa liều lĩnh mà một số đang hối hận.
Chiến dịch Rời đi chính thức cho hay EU làm tốn của nước Anh 350 triệu bảng/tuần, đủ để xây dựng một bệnh viện mới với đầy đủ nhân viên mỗi tuần. Chiến dịch đưa ra nhận định trên dù nhiều lần được số liệu thống kê và cơ quan giám sát độc lập cho biết là dễ khiến cử tri hiểu lầm.
Bất cứ ai kế nhiệm Thủ tướng David Cameron cũng phải đối mặt với yêu cầu thực hiện tốt các cam kết. Những người vận động Rời đi nói với nông dân Anh sống ở các vùng nghèo như Cornwall, rằng họ sẽ không bị thua thiệt về tài chính khi các khoản trợ cấp và quỹ cơ sở hạ tầng của EU bị cắt đứt. Cornwall ở miền tây nam nước Anh đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit.
Những người vận động Rời đi cũng nói điều tương tự với các trường đại học và nhà khoa học Anh - những người hưởng lợi nhiều thứ nhì từ các khoản tài trợ nghiên cứu của EU.
Nhiều cử tri cho hay họ ủng hộ Brexit để giảm lượng người nhập cư đang ở mức kỷ lục. Tuy nhiên, họ có thể thất vọng vì EU có khả năng đòi hỏi phần nào chuyện di chuyển tự do của người lao động để đổi lấy việc tiếp cận thị trường của Anh.
tin liên quan
Tổng thống Putin nói gì về việc Anh rời EU?Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng giới lãnh đạo Anh quá tự tin và nông cạn trong cuộc trưng cầu ý dân khiến Anh rời Liên minh châu Âu (EU).
Bình luận (0)