Kon Tum: Báo động tình trạng phá rừng làm nương rẫy

17/10/2021 12:45 GMT+7

Diện tích rừng ở H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) đang bị xâm lấn và thu hẹp dần do tình trạng phá rừng làm nương rẫy.

Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, tại thôn Đăk Ka (xã Tu Mơ Rông, H.Tu Mơ Rông) có nhiều mảng rừng phòng hộ bị chặt phá, cạo trọc. Nhiều nơi những thân cây lớn có đường kính 30 - 40 cm vẫn còn nằm lăn lóc giữa nương rẫy của bà con.

Những khu rực rừng bị phá chủ yếu là rừng tái sinh và nằm gần đường

đức nhật

Rừng đổ đến đâu, cây trồng của người dân mọc chen vào đến đấy. Thậm chí có những ngọn đồi bị phá sạch chỉ còn trơ lại vài cây khô. Theo những cán bộ quản lý bảo vệ rừng, người dân ở đây có tập tục du canh du cư, họ chỉ canh tác ở 1 khu vực trong một thời gian. Sau vài năm, khi đất đã bạc màu, họ thường đi tìm mảnh đất khác để phá rừng làm nương rẫy. Những diện tích rừng bị phá chủ yếu là rừng tái sinh.

Cao điểm nhất của việc chặt phá, đốt rừng là vào thời điểm cuối mùa khô, thời tiết nắng nóng. Khi đến mùa mưa, trên diện tích rừng vừa đốt phá, người dân liền găm những gốc sắn xuống đất rừng, xung quanh vẫn còn nguyên những gốc cây rừng bị cháy.

Những thân cây lớn vẫn còn nằm lăn lóc giữa nương rẫy

đức nhật

Đáng chú ý, những diện tích rừng bị đốt phá chủ yếu nằm sát đường, dễ vận chuyển và thuận tiện đi lại. Điều này cho thấy sự bất lực của đơn vị chủ rừng trong công tác tuần tra, quản lý, bảo vệ.

Theo Hạt kiểm lâm H.Tu Mơ Rông, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 4 vụ phá rừng gây thiệt hại 18,3 ha rừng phòng hộ trị giá hơn 500 triệu đồng. Hiện cả 4 vụ phá rừng này cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố vụ án, đồng thời tiến hành điều tra xử lý các đối tượng liên quan.

Trách nhiệm thuộc về các đơn vị chủ rừng

Theo ông Võ Minh Văn, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm H.Tu Mơ Rông, các vụ phá rừng này chủ yếu là do người dân địa phương phá rừng làm nương rẫy. Sau khi làm việc, hạt kiểm lâm đã tiến hành điều tra bước đầu đồng thời khởi tố vụ án rồi chuyển cơ quan công an tiếp tục điều tra theo quy định.

Cũng theo ông Văn, để mất rừng trách nhiệm đầu tiên thuộc về các đơn vị chủ rừng. Đơn vị nào để mất rừng, đơn vị ấy phải trồng lại rừng. Hiện các đơn vị chủ rừng đã tiến hành trồng lại hơn 18.500 cây vào chỗ diện tích rừng bị phá.

Cây rừng đổ đến đâu, người dân liền găm cây mì xuống đến đấy

đức nhật

“Đơn vị luôn phối hợp cùng các cấp chính quyền tăng cường tuyên truyền vận động bà con không phá rừng làm nương rẫy, tuy nhiên ý thức người dân còn hạn chế. Đất đai bạc màu, họ cứ trồng 1 - 2 vụ rồi lại chuyển đi nơi khác rồi lén lút phá rừng để trồng cây mì. Mỗi năm họ lấn thêm một tí chứ không phát tràn lan. Họ cứ làm 3 - 4 vụ, khi đất xấu lại đi kiếm chỗ khác. Khi rừng bắt đầu tái sinh họ lại quay về phá tiếp. Thậm chí phần đất rừng giao khoán cho họ quản lý bảo vệ, họ cũng phá”, ông Văn nói.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện 154 vụ vi phạm quản lý, bảo vệ rừng, với gần 335 m3 gỗ tròn, gỗ quy tròn các loại; có gần 56 ha rừng bị thiệt hại. Trong đó, 7 vụ vi phạm nổi cộm với số lượng lớn, tổng khối lượng gỗ trên 130 m3, thiệt hại gần 27 ha, đang được ngành chức năng tỉnh đẩy nhanh tiến độ xử lý, chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra, công an các địa phương tiếp tục thụ lý, xử lý nghiêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.