Kỳ 21: Quan lớn Sen

14/01/2013 00:20 GMT+7

Cách đây 60 năm, nhà báo Khuông Việt trên tờ Nam Kỳ tuần báo đã viết: “Muốn viếng mộ quan lớn Sen, chúng tôi phải thuê xe ngựa vì mộ ngài ở ấp Khánh Thuận, làng Tân Đông, cách tỉnh lỵ Sa Đéc hơn 8 cây số”.

>> Kỳ 20: Đền thờ Dinh ông Đốc Vàng

Khi chúng tôi tìm về xã Tân Khánh Đông (TX.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) thì một cụ bà bán giải khát ven đường cho biết, ở xã này có hai ngôi đình Tân Khánh và Tân Đông. Quan lớn Sen được thờ ở đình Tân Đông nằm bên ấp Đông Quới, xã Tân Khánh Đông.

Đây là một ngôi đình khá quy mô, kiến trúc bài trí theo mô típ chung của các ngôi đình Nam bộ, nhưng có phần võ ca rất rộng. Trong chánh điện, bàn thờ thần nằm sát vách hậu. Quan lớn Nguyễn Văn Nhơn được phối tự ở bàn hội đồng. Ngoài bài vị xưa chạm trổ tinh vi, sơn son thiếp vàng, còn có thêm tấm bảng ghi bằng chữ quốc ngữ “Nguyễn Văn Nhơn/Kinh môn quận công/Quan đại thần của triều Nguyễn…”.

 Bài vị thờ Quận công Nguyễn Văn Nhơn tại đình Tân Đông
Bài vị thờ Quận công Nguyễn Văn Nhơn tại đình Tân Đông - Ảnh: H.P

Người thủ từ cho biết đình chỉ có một lá sắc phong Bổn cảnh thành hoàng. Việc cúng tế quan lớn cũng tổ chức trong lễ Kỳ yên tháng chạp, còn lễ giỗ ông được tổ chức vào tiết Thanh minh. Cũng theo người thủ từ thì hậu duệ của quan Kinh Môn quận công hầu hết đã định cư ở nước ngoài, nhưng hằng năm họ đều về quê lo sửa sang phần mộ. Gần đây họ có về tài trợ cất cho đình ngôi nhà khói/nhà trù làm nơi nấu nướng. Phần mộ của quận công và phu nhân tọa lạc ở ấp Đông Huề cùng xã, hiện nay cũng được con cháu trùng tu lại khang trang hơn bằng các loại nguyên vật liệu hiện đại nên không còn giữ được nét cổ kính như xưa.

Món chè hột sen

Năm 1943, nhà báo Khuông Việt đã chép lại câu chuyện dân gian được lưu truyền như sau: “Chúa Nguyễn Ánh trong lúc bôn đào rày đây mai đó, phó thác việc hầu hạ mẹ cho tùy tướng Nguyễn Văn Nhơn. Những khi quốc mẫu mệt nhọc, thường dùng chè hột sen của Nhơn dưng lên. Lâu ngày quen miệng nên mỗi lúc cần đến món ăn bổ khỏe ấy, bà chỉ cần gọi “sen” là tự khắc có Nhơn đến. Vì thế mới có ba tiếng “quan lớn Sen” của người tặng riêng cho tướng Nguyễn Văn Nhơn”.

Chuyện dân gian có phần trùng khớp với chính sử. Sách Đại Nam Thực lục tiền biên chép, tháng giêng năm Kỷ Mùi (1799), chúa Nguyễn Ánh “lại dụ bọn Nguyễn Văn Nhơn rằng: Ta không thể hằng ngày phụng dưỡng Từ cung, bọn khanh nên cùng con ta thay mặt, cứ ba ngày một lần thăm sức khỏe cho yên lòng ngài”. Cũng trong khoảng thời gian này, quan lớn Sen đã “giúp hoàng tử giữ then khóa, vững căn bản, điều quân cấp lương không từng thiếu thốn; lại khuyên việc nông trang, nghiêm cấm uống rượu, trong hạt đều được yên ổn”.

Tư tưởng cải cách

Khi chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi đã phong quan lớn Sen làm Chưởng Chấn võ quân, tước Nhơn Quận công, giữ chức Lưu trấn Gia Định trấn đến năm 1805. Sau khi vua Gia Long bình xong Bắc Hà, ông dâng sớ điều trần 14 khoản xin chấn chỉnh nhiều việc, như: Định lại các sắc thuế; trọng dụng người hiền; cải cách phong tục; biểu dương người trinh tiết; định phép khoa cử; chấn chỉnh nghiêm việc quan lại; phát chẩn cho dân nghèo… Về thuế má, ông tâu với vua rằng: “Các hạng lão tật của dân đồn điền, xin từ nay về sau giảm bớt thóc thuế cho 5 phần 10. Lại khe ngòi xưa nay không có thuế, gần đây bọn lại gian mưu lợi thu nộp cả, làm cho rối dân, xin tha cho”.

Về giáo dục, ông đề xuất “Trị nước thì gốc ở nhân tài, hành chính thì trước lấy giáo hóa. Vừa rồi trời gây đen tối, người ở Gia Định nghiên bút bỏ hoang. Nay non sông dựng lại, đất nước lặng trong, chính là lúc học giả được thành nghiệp. Vậy xin định lại giáo điều, khiến cho học trò có đường tiến tới để đáp lại tấm lòng thánh thượng muốn xếp qua để giảng học”. Các điều trần của ông, vua đều theo.

Năm Tân Tỵ (1821), vua Minh Mạng triệu ông về kinh đô Huế sung chức Tổng tài ở Quốc sử quán, nhưng chỉ được một năm thì ông mất. Hay tin ông qua đời, vua cho nghỉ chầu 3 ngày, sai các quan đến dụ tế và ban tặng Thái bảo, thụy là Trung Cẩn; Cho 1.000 quan tiền, 300 lạng bạc, 2 cây gấm thêu bằng kim tuyến, 3 cây gấm Tống và 30 tấm lụa.

Thực lục chính biên chép: “Vua bảo Trịnh Hoài Đức rằng: Nguyễn Văn Nhơn là bậc đại thần huân cựu, là người trung thành cẩn hậu. Khi trẫm được tin ốm nặng, muốn thân tới thăm, nhưng nghĩ lễ vua tôi rất nghiêm, nếu cho phép nằm thì không dám yên tâm, mà gượng dậy thì lại mỏi mệt, cho nên trẫm thường sai hoàng tử đến thăm. Nay không may qua đời, thương tiếc vô cùng. Lại nói: Nhân bình nhật ăn mặc rất tiết kiệm, nay lễ tế điện trẫm muốn làm hậu”. Rồi đặc biệt sai xuất tiền kho, ủy cho đội Thị thiện hằng ngày làm cỗ nấu để cúng. Đến hôm đám đưa về Gia Định, vua ngự giá đến nhà, thân rót rượu cúng. Cho 100 binh đội hữu sai đưa đi. Đến ngày an táng, lại nghỉ chầu một ngày.

Đến năm Minh Mạng thứ 5 (1824), vua cho Chưởng hữu quân Nguyễn Văn Nhơn được thờ ở đền Trung hưng công thần và ân cấp 100 mẫu ruộng tự điền.

Quận công Nguyễn Văn Nhơn sinh năm Quý Dậu (1753) tại làng Tân Đông, H.Vĩnh An, tỉnh An Giang (nay thuộc xã Tân Khánh Đông, TX.Sa Đéc, Đồng Tháp). Năm Giáp Ngọ (1774), Tống Phước Hiệp và Nguyễn Khoa Thuyên làm tờ hịch mộ quân Cần vương, ông theo làm chức đội trưởng, sau được thăng cai đội. Năm Đinh Dậu (1777), chúa Nguyễn  Phúc Ánh khởi binh ở Long Xuyên, ông theo Dương Công Trừng đóng giữ ở Sa Đéc, được thăng chức Cai cơ. Năm Ất Mão (1795), ông làm Lưu thủ Trấn Biên (Biên Hòa). Năm Đinh Tỵ (1797), ông về giữ Gia Định, lãnh việc vận lương kiêm việc ở bộ Hộ. Năm Mậu Thìn (1808), Quận công Nguyễn Văn Nhơn được cử làm Tổng trấn Gia Định và là vị tổng trấn đầu tiên ở miền Nam (đến 1812 thì bàn giao cho Tổng trấn Lê Văn Duyệt). Năm 1820, ông được cử làm Tổng trấn Gia Định thành một lần nữa.

Hoàng Phương - Ngọc Phan

>> Ngôi chùa lâu đời nhất trên đảo Phú Quốc
>> Người vẽ 100 di sản thế giới
>> Nhiều chương trình trong Festival di sản Quảng Nam
>> Di sản đô thị TP.HCM đang bị xâm hại
>> Bảo tàng làm du lịch di sản

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.