|
Năm 2012, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) ước tính ngành dệt may xuất khẩu đạt 17,1 tỉ USD, tăng gần 8% so với năm 2011. Đây là năm thứ 4 liên tiếp ngành dệt may dẫn đầu về xuất khẩu của cả nước. Thế nhưng, các doanh nghiệp (DN) dệt may vẫn không vui bởi lợi nhuận của họ đang teo tóp đi.
Thặng dư ảo
|
Việt Nam nằm trong danh sách 10 quốc gia dẫn đầu xuất khẩu hàng dệt may trên thế giới. Theo Vitas, giá trị thặng dư của toàn ngành thu về năm 2012 ước đạt 8,4 tỉ USD (lấy tổng kim ngạch xuất khẩu trừ đi kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho xuất khẩu), tăng so với năm 2011 dù chưa nhiều. Nhưng theo số liệu của Tổng cục Hải quan thì thặng dư chỉ bằng một nửa. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 15,09 tỉ USD, kim ngạch nhập khẩu gần 11 tỉ USD, giá trị thặng dư chỉ còn 4,09 tỉ USD.
Ông Phạm Xuân Hồng - Phó chủ tịch Vitas - khẳng định các loại vải chính để sản xuất hàng xuất khẩu đa số vẫn phải nhập khẩu. Nguyên phụ liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu sản xuất của ngành dệt may nên giá trị thặng dư của ngành khó được cải thiện. Một số DN cho biết giá trị xuất khẩu của Việt Nam chưa sát thực tế vì nhiều đơn hàng gia công nhưng khi xuất khẩu vẫn được ghi thành giá FOB (chủ động mua nguyên liệu để sản xuất rồi bán thành phẩm) theo yêu cầu của phía nhập khẩu. Điều này làm tăng giá trị xuất khẩu nhưng giá trị thu về thật sự vẫn ở mức thấp. Ví dụ: đơn giá gia công tại Việt Nam cho áo sơ mi từ 1,5 - 2 USD/áo, nếu kê khai thành FOB thì giá lên khoảng 5 - 6 USD/áo nhưng trong đó, có tới 4 - 5 USD chỉ là “số ảo”. Thực tế, số DN sản xuất theo mô hình FOB chỉ chiếm dưới 30% trong tổng số hơn 4.000 DN dệt may cả nước. Đó là chưa kể, trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam thì các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm đến 55%. Như vậy các DN trong nước chỉ còn thu về số tiền nhỏ.
Giám đốc một DN dệt may chuyên sản xuất hàng gia công tại Q.Gò Vấp, TP.HCM thú nhận năm 2012, chỉ có những DN sản xuất hàng FOB hoặc những đơn vị gia công lớn mới đạt lợi nhuận. Còn nhiều đơn vị khác chủ yếu hòa vốn hoặc có lợi nhuận không đáng kể. Bản thân DN này cũng gặp nhiều khó khăn và từ gần 200 công nhân đến nay chỉ còn khoảng vài chục người vì càng làm càng bị lỗ. Từ đó có thể thấy, những con số xuất khẩu ấn tượng được công bố nói trên không có ý nghĩa gì đối với ông hay các công nhân của mình.
Thách thức nội địa hóa sản xuất
|
Để gia tăng giá trị xuất khẩu, các DN chỉ có thể thay đổi phương thức sản xuất từ gia công sang FOB nhưng điều đó không dễ. Bởi ngoài nhân sự, tài chính thì một nguyên nhân không kém phần quan trọng là nguồn nguyên phụ liệu phải được sản xuất trong nước. Theo ông Lê Tiến Trường - Phó chủ tịch Vitas - toàn ngành sẽ phấn đấu trong năm 2013 gia tăng tỷ lệ nội địa hóa để giá trị thặng dư thu về đạt hơn 50%. Để làm được điều đó, Tập đoàn dệt may Việt Nam đã và đang đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực sản xuất dệt, nhuộm. Nhưng việc đầu tư đó vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển của ngành may.
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần SX-TM May Sài Gòn kể: đầu năm nay, một khách hàng đã chấp nhận cho công ty này mua vải tại Việt Nam với doanh số khoảng 1 triệu USD - chiếm 20% doanh số của khách hàng. Đây là lần đầu tiên khách hàng nước ngoài đồng ý cho công ty này sử dụng nguyên liệu trong nước. Dù chỉ mới đạt một phần nhưng cũng là tín hiệu đáng mừng cho DN FOB. Tuy nhiên, ông đang lo lắng vì khó đáp ứng được yêu cầu của khách hàng khi ngành dệt trong nước chưa phát triển kịp ngành may. “Để phát triển nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày, phải có chính sách phát triển cụ thể của nhà nước. Tôi được biết nhiều DN dệt, nhuộm hay thuộc da đi đến đâu cũng bị địa phương từ chối vì sợ ô nhiễm môi trường. Nếu không có dệt, nhuộm hay thuộc da thì làm sao đủ cung cấp vải cho ngành may hay da cho ngành da giày”, ông Lê Quang Hùng nói.
Một chuyên gia trong ngành dệt may phân tích, Việt Nam đang đàm phán Hiệp định thương mại Đối tác xuyên châu Á - Thái Bình Dương (TPP). Nếu TPP được thực hiện, ngành dệt may sẽ đứng trước cơ hội rất lớn khi Việt Nam là một trong 9 thành viên của TPP hiện nay. Tuy nhiên, để được ưu đãi như miễn thuế vào Mỹ, Canada, dệt may Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện cụ thể như tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 60% hoặc các nguyên phụ liệu phải diễn ra trong khuôn khổ các nước tham gia TPP. Trong khi đó, nguyên liệu sản xuất dệt may của Việt Nam chủ yếu nhập từ Trung Quốc và một số nước ASEAN. Với tình hình như hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa đó sẽ khó đạt được, ngành dệt may khó tận dụng được lợi thế của TPP dù có thể phải hy sinh nhiều ngành thương mại khác khi đàm phán tham gia hiệp định này.
Mai Phương
>> Kỳ 3: Hạt gạo làng ta, làm giàu còn xa
Bình luận (0)