[Kỳ 5] Tết cận kề lo nhất điều gì: Đầu tiên là tiền đâu?

18/12/2022 09:30 GMT+7

Cứ mỗi dịp “tết đến xuân về”, nhiều người lại đau đầu lo chuyện chi tiêu. Đối với những công nhân xa quê lập nghiệp, tiền đâu tiêu tết càng là nỗi ám ảnh. Nhiều người phải ngậm ngùi vì không có tiền về quê đón tết.

Tiền đâu mua vé về quê ăn tết là điều mà nhiều người đang đau đầu và lo nghĩ

ẢNH MINH HỌA: KHẢ HÒA

Chẳng dám chi tiêu cho bản thân

Vừa mới nhắc đến những dự định chi tiêu dịp Tết Nguyên đán, chị Nguyễn Thị Kim Anh (35 tuổi, trú tại 1355/2A đường tỉnh lộ 10, Q. Bình Tân), làm việc tại Công Ty TNHH Pouyuen, đã thở dài ngao ngán: “Hiện tại, các công ty tại Bình Tân một tháng nay rất ít đơn hàng. Điều này kéo theo nhiều công ty đồng loạt cắt giảm ngày làm vào thứ 7 của công nhân. Bình thường, một ngày công là 300.000 đồng nhưng vào thứ 7 công ty chỉ phụ cấp 180.000 đồng. Vì vậy, tiền tiết kiệm cả năm cũng đã dùng hết và chỉ đành trông đợi vào thưởng tết”.

Kim Anh cho biết cô chẳng dám mua cho bản thân bất kỳ bộ đồ nào mỗi dịp tết. Dù đã có gia đình, Kim Anh chỉ dám chi tiêu dè sẻn 10 triệu đồng cho việc biếu tết, mua đồ ăn và sắm sửa vài bộ đồ cho con gái. “Dẫu mức thưởng tết không bị cắt giảm 30% như năm ngoái, tuy nhiên tôi cũng phải để dành tiền phòng thân. Vì nhiều công nhân đang dần bị sa thải và cắt giảm số ngày đi làm nên chẳng biết khi nào họ đuổi mình”, Kim Anh bày tỏ.

Với những công nhân thu nhập thấp thì tết đến với muôn vàn nỗi lo

PHƯƠNG NHI

Là trụ cột kinh tế gia đình vì chồng phải bỏ việc về quê chăm bố chồng, chị Võ Thị Kim Cương (33 tuổi, làm việc tại Công Ty TNHH Pouyuen) lộ rõ nỗi buồn khi nhắc đến tiền đâu chi tiêu ngày tết. Chị cho biết những năm trước có thu nhập chồng phụ vào nên còn dư giả tiền phòng thân. Còn năm nay tết đến chỉ chờ mong mỗi tiền thưởng.

“Có 20 triệu thì tôi chi một nửa cho biếu gia đình nội ngoại chứ năm nay hai vợ chồng chẳng dám mua sắm cho bản thân. Tiền thưởng tết tôi nào dám xài hết, phải tiết kiệm và phòng hờ vì kinh tế cả nhà gánh nặng trên vai”, chị Kim Cương thở dài nói.

Chị Kim Anh thì cho biết bản thân cũng lực bất tòng tâm, không thể đi làm thêm để trang trải cho gia đình: “Giờ này cận tết quá nên không nơi nào thuê tôi nữa. Vậy nên mỗi ngày tôi chỉ còn cách nhịn ăn, tiết kiệm tiền điện nước được bao nhiêu hay bấy nhiêu”.

Tết này khó lòng về quê

Quê ở tận Quảng Nam nên chị Lê Thị Yến Nhi (33 tuổi, công nhân khu xí nghiệp Pouyuen) cũng rầu rĩ với khoản tiền vé xe lên đến cả chục triệu đồng cho gia đình 4 người. Yến Nhi cho biết: “Đã hai năm rồi gia đình tôi không được về quê. Ba mẹ cũng gọi điện thúc giục về quê gặp các cháu nhưng khó khăn chồng khó khăn. Vừa trải qua dịch bệnh thì đến các khu xí nghiệp cắt giảm nhân sự. Nếu thưởng tết chồng tôi không đủ, có khi năm nay lại trải qua cái tết hiu quạnh trong phòng trọ”.

Nếu phải đón tết ở những khu trọ là điều mà không người lao động nào mong muốn

MAI THỤY

Chị Yến Nhi cho biết nếu chưa tính tiền vé xe về quê, 2 vợ chồng đã chi đến 19 triệu cho dịp Tết Nguyên đán. Cụ thể những khoản tiền như: tiền sắm sửa quần áo, đồ đạc mừng năm mới, quà biếu cho họ hàng, gia đình nội ngoại 2 bên.... “Tốn kém nhất là tiền lì xì Tết và mua quà biếu cho gia đình nội ngoại. Tiền sắm sửa quần áo của hai vợ chồng còn có thể cắt giảm chứ Tết nhất không có quà biếu họ hàng”, cô ngậm ngùi chia sẻ.

Đồng cảnh ngộ với Yến Nhi, anh Nguyễn Văn Hải (33 tuổi, làm việc tại Công Ty TNHH Paiho) tâm sự: “Cứ nhớ đến cảnh 28, 29 tết năm rồi người người kéo nhau về quê mà lòng tôi thắt lại vì không kịp về Quảng Trị thăm ba mẹ. Năm ngoái còn có nhiều công nhân kẹt lại tại TP.HCM này thì còn an ủi, động viên nhau. Giờ mọi người về nhiều, chẳng biết tết năm nay còn buồn thế nào nữa”.

Với đồng lương 7 triệu, anh Tâm cho biết dù bản thân đã chắt chiu từng đồng và chỉ dự định tiêu 6 triệu cho dịp tết nhưng vẫn không cách nào xoay xở về quê được. “Cứ ngỡ năm nay bớt dịch thì dành dụm được chút đỉnh nhưng không ngờ kinh tế vẫn thế. Thôi thì thay vì đoàn viên cùng gia đình, tôi để số tiền đó lại để biếu tặng cha mẹ nhiều hơn chút. Đồng thời cũng có thể mua sắm vài bộ quần áo mới cho con và để tiết kiệm, tiếp tục hy vọng năm sau đủ tiền về thăm ba mẹ”, anh Tâm giãi bày.

Tết cận kề lo nhất điều gì

Kỳ 1: 'Vượt vũ môn' không thành là… hết tết

Kỳ 2: Áp lực lần đầu làm rể, làm dâu

Kỳ 3: Ám ảnh những cuộc 'ép uống' không lối về

Kỳ 4: Tổng dọn vệ sinh muốn 'xây xẩm mặt mày'

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.