Dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón Tết là công việc không của riêng ai |
TUYẾT CẨM |
Nghĩ đến cảnh dọn dẹp thôi đã thấy... áp lực
Chỉ còn hơn một tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều người trẻ đang cố gắng sắp xếp công việc để đoàn viên cùng gia đình, đồng thời cũng không quên chuẩn bị sức khỏe dẻo dai và tâm lý vững chắc để chiến đấu với "ngày hội dọn nhà" sắp diễn ra.
Việc dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa vào dịp tết mang ý nghĩa như là vứt bỏ mọi muộn phiền, âu lo của năm cũ và chào đón những điều may mắn trong năm mới. Tuy nhiên khối lượng công việc nhà quá lớn khiến nhiều người cảm thấy "xây xẩm mặt mày".
Thu Thương cảm thấy nhọc nhằn với việc dọn nhà ngày cuối năm |
NVCC |
Trần Thị Thu Thương (21 tuổi, ngụ tại KP.Bình Phước B, P.Bình Chuẩn, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho biết bản thân khá bận rộn vào những ngày cuối năm vì phải làm việc nhà. Mỗi dịp tết đến, gia đình Thương sẽ về quê đón tết cùng ông bà nội ở Quảng Nam. Việc chủ động dọn nhà giúp ông bà là điều nên làm nhưng nó cũng mang lại cho Thương không ít mệt nhọc.
Thương trải lòng: “Tầm ngày 22, 23 tháng Chạp là mình sẽ về quê trước để dọn nhà phụ ông bà vì các thành viên còn lại thường về quê trễ. Một mình đảm nhận hết công việc nhà khá là vất vả. Điều làm mình sợ nhất là phải lau dọn bộ bàn ghế khắc rồng khắc phượng của ông nội, nó có nhiều ngóc ngách nên rất khó để lau chùi”.
Đồng cảnh ngộ, Nguyễn Văn Cường (28 tuổi, ngụ tại H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) chia sẻ: “Mình đi làm xa nhà cả năm trời, tết đến chỉ muốn về nhà nghỉ ngơi, nhưng về lại phải lao đầu vào dọn dẹp để chuẩn bị đón năm mới. Dẫu biết đây là trách nhiệm của mình, không thể né tránh nhưng cũng khá lo ngại”. Với Cường, việc mất khoảng 3-5 ngày để dọn xong nhà khiến anh cảm thấy mệt mỏi vì không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi.
Với Văn Cường tết sẽ ấm áp hơn khi mọi người biết sẻ chia |
NVCC |
Với Nguyễn Thị Lệ Thu (18 tuổi), sinh viên Trường ĐH Duy Tân, Đà Nẵng, cho rằng tết phải dọn nhà mới cảm nhận được không khí tết, nhưng có quá nhiều thứ phải làm cũng khiến Thu cảm thấy nhọc nhằn. “Vẫn chừng đó đồ đạc nhưng ngày bình thường thì thấy không sao, ấy mà tết đến tự nhiên lại thấy nhà mình quá nhiều đồ. Nhiều việc phải làm nên mình không biết phải bắt đầu dọn từ đâu”, Lệ Thu cho hay.
“Những ngày cuối năm mình phải dọn dẹp toàn bộ, dọn từ nhà ra ngõ không được bỏ sót ngóc ngách nào, nghĩ thôi đã thấy áp lực rồi. Mọi năm mình với chị cùng dọn nhà, nhưng năm nay chị mình nghỉ tết muộn nên đành phải dọn một mình”, Lê Hữu Hưng, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, tâm sự.
Để dọn nhà đón tết không còn là nỗi lo
Không thể thay đổi được khối lượng công việc nhà những ngày cuối năm, người trẻ chọn thay đổi cách làm việc để dọn nhà đón tết không còn là nỗi lo quá lớn.
“Để vượt qua nỗi ám ảnh mà bộ bàn ghế khắc rồng khắc phượng để lại, mình thường lấy máy tăm nước để xịt, đánh tan bụi bẩn trong những khóe sâu. Nó giúp mình lau chùi sạch sẽ và lau nhanh bộ bàn ghế để còn dành thời gian cho những việc khác”, Thu Thương tiết lộ.
Điểm mặt một số công việc quen thuộc trong ‘ngày hội dọn nhà’ |
TUYẾT CẨM |
“Khối lượng công việc nhiều nên mỗi thành viên trong gia đình mình cùng chia sẻ công việc cho nhau để đỡ vất vả hơn. Mỗi người mỗi việc, mình đảm nhận những công việc như lau dọn bàn thờ gia tiên, sơn sửa lại một số chỗ… còn chị mình thì giặt giũ chăn màn, lau chùi tủ chén…”, Văn Cường nói.
Đối với Cường, đây còn là dịp để các thành viên trong gia đình trò chuyện gắn bó với nhau, san sẻ công việc cùng nhau để chuẩn bị đón một cái tết vui vẻ, đầm ấm.
Chia sẻ về cách giảm bớt khó khăn trong công tác dọn nhà đón tết, Hữu Hưng cho biết: “Mình thường chia lịch ra để dọn, không dồn hết tất cả công việc vào 1-2 ngày gần tết vì làm như thế sẽ rất mệt. Ví dụ ngày đầu tiên mình sẽ lau dọn bàn thờ gia tiên, ngày hai mình lau chùi bàn ghế…”.
Cũng giống như nhiều người, Lệ Thu chọn cách vừa làm việc vừa nghe nhạc để tinh thần sảng khoái và phấn chấn hơn. Lệ Thu cho biết những giai điệu tết sẽ giúp cô tập trung cao độ để có thể mang lại hiệu quả cao trong công việc. Bên cạnh đó, trong quá trình dọn nhà cô nàng sẽ gom những đồ không dùng nữa như chai lọ, đồ nhựa… để bán lấy tiền, coi như một phần quà nhỏ cho sự chăm chỉ của bản thân.
Dọn dẹp nhà cửa trước Tết Nguyên đán đã trở thành một phong tục trong văn hóa Việt Nam. Thu Thương bày tỏ: “Dù việc dọn dẹp khá vất vả, áp lực nhưng nó đã trở thành một phần việc thân quen của mình, cứ đến tết là phải làm, nếu thiếu đi chắc chắn sẽ rất buồn. Khi dọn nhà mình không còn nghĩ đến những muộn phiền của năm cũ mà luôn hướng bản thân nghĩ về những điều tốt đẹp trong năm mới. Mình mong muốn sẽ đón một cái tết thật vui, ấm áp cùng gia đình và mong bản thân sẽ trở thành phiên bản tốt hơn ở năm sau”.
Tết cận kề lo nhất điều gì?
Bình luận (0)