Kỳ án oan sai: Gắng sống đi đòi công lý

09/04/2015 09:00 GMT+7

Đó là lời tâm sự của ông Trương Bá Nhàn (53 tuổi, ở H.Đồng Phú, Bình Phước) khi nói về những tháng ngày dài đằng đẵng sống trong cơ cực và tủi nhục để đi kêu oan.

Đó là lời tâm sự của ông Trương Bá Nhàn (53 tuổi, ở H.Đồng Phú, Bình Phước) khi nói về những tháng ngày dài đằng đẵng sống trong cơ cực và tủi nhục để đi kêu oan.

Kỳ án oan sai: Gắng sống đi đòi công lýÔng Nhàn đang làm thuê cho một đại lý xe máy ở TT.Đức Phổ - Ảnh: Hiển Cừ
Năm 1980, cả gia đình ông rời quê hương (TT.Châu Ổ, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) vào tỉnh Đồng Nai lập nghiệp. Tại đây, sau nhiều năm trồng cà phê làm ăn khấm khá, gia đình ông lại lên H.Đồng Phú, gầy dựng thêm trang trại trồng cà phê và điều với diện tích khoảng 8 ha, nhưng rồi bất ngờ rơi vào vòng lao lý.
Bỗng dưng rơi vào vòng lao lý
Ông Nhàn kể lại thời đó có người bà con phía ngoại là ông Nguyễn Ngọc Bảnh, từ H.Bình Sơn vào Q.Tân Bình (TP.HCM) làm ăn, nên ông Nhàn thường lui tới nhà thăm chơi. “Gia đình anh Bảnh coi tui như anh em trong nhà. Khi cần dọn dẹp nhà cửa, kê lại tủ trong phòng thì tui chẳng nề hà gì, sẵn lòng làm ngay”, ông Nhàn nhớ lại.
Năm 2001, tại nhà ông Bảnh xảy ra vụ án giết người, cướp tài sản. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng kết luận dấu vân tay tại hiện trường trùng khớp với vân tay của ông Nhàn. Đến ngày 3.1.2002, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM bắt tạm giam ông Nhàn về hành vi giết người và cướp tài sản. Đến tháng 2.2003, Viện KSND TP.HCM ra cáo trạng truy tố ông Nhàn về hai tội danh trên.
Suốt 1.346 ngày bị tạm giam ở trại giam Chí Hòa, bị các điều tra viên liên tục xét hỏi nhưng ông Nhàn cho rằng mình có chứng cứ ngoại phạm và khẳng định vô tội. Tuy nhiên, những lời kêu oan của ông đều bị công an cho rằng không có cơ sở.
Vì rơi vào vòng lao lý nên con trai đầu của vợ chồng Nhàn chào đời không nhìn thấy mặt cha. Đến khi vợ chồng, cha con gặp nhau tại trại giam thì con ông đã được 13 tháng tuổi.
Hành trình kêu oan
Mấy năm bị tạm giam và 272 ngày được tại ngoại để hầu tra, ngày 8.6.2006, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM ra quyết định đình chỉ điều tra bị can, vì đã hết thời hạn điều tra, chưa đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị can.
Là lao động chính trong gia đình nên khi ông bị bắt tạm giam, cha mẹ ông không thể kham nổi việc chăm sóc trang trại cà phê, điều; hơn nữa, bị bà con chòm xóm coi khinh do có con phạm tội giết người, nên cha mẹ của ông phải bán nhà và trang trại ở Bình Phước, về H.Bình Sơn sống nhờ trong ngôi nhà thờ của họ hàng.
Sau khi ra tù, ông Nhàn hy vọng sẽ được gia đình bên vợ cưu mang để gầy dựng lại cuộc sống. Nào ngờ, con ruột thì lấy họ mẹ và kêu cha bằng chú khiến ông Nhàn đau đớn, ông lặng lẽ khăn gói bỏ đến H.Đồng Phú tìm kế sinh nhai.
“Vì án oan còn mang trong người nên đi đến đâu xin làm thuê cũng bị mọi người lắc đầu. Cũng may, sau đó nhờ có người quen đứng ra bảo lãnh nên tui mới được làm bảo vệ tại một trường học, thu nhập hằng tháng hơn 2 triệu đồng”, ông Nhàn cho biết và nói rằng kể từ đó (tháng 9.2006 - PV) ông bắt đầu cuộc hành trình đi kêu oan.
Ông Nhàn chia sẻ thêm, năm 2010, cha ông ngã bệnh qua đời. Sau 2 tháng về quê Bình Sơn chịu tang cha, ông Nhàn quay lại H.Đồng Phú thì bị trường học cắt hợp đồng làm bảo vệ, nên ông lên tỉnh Đắk Lắk làm rẫy thuê. “Lúc này sức khỏe của tui bị suy giảm trầm trọng, bệnh khớp lại xuất hiện nên làm công việc nặng rất khó khăn. Nhiều đêm trằn trọc không sao ngủ được, trong đầu cứ nghĩ đến tự tử. Nhưng rồi nghĩ lại, nếu mình chết thì nỗi oan làm sao được gột sạch, dòng họ suốt đời mang tiếng có người thân là tội phạm. Nghĩ thế, tui gắng sống để đi đòi lại danh dự cho mình”, ông Nhàn bày tỏ.
Trắng tay, không nhà, không cửa, gia đình ly tán, 8 năm qua, ông Nhàn vừa làm thuê kiếm sống qua ngày vừa nhiều lần đơn thân, thế cô lặn lội từ Bình Phước, Đắk Lắk xuống TP.HCM gõ cửa các cơ quan chức năng kêu oan. Ông Nhàn tìm đến các văn phòng luật sư nhờ giúp đỡ, nhưng một số nơi bảo rằng “việc này khó lắm” và tất nhiên làm phải tốn tiền. Những tưởng việc đi kêu oan rơi vào ngõ cụt, thì ông Nhàn được Văn phòng luật sư Người nghèo (TP.HCM) nhận tư vấn pháp lý miễn phí.
Được hồi đáp nhưng quá muộn
Ông Nhàn cho hay trong 8 năm liên tục đi khiếu nại án oan, ông không nhớ đã gửi bao nhiêu đơn, thư đến các cơ quan chức năng ở T.Ư và TP.HCM để đòi bồi thường thiệt hại do oan sai. Nỗ lực kêu oan không biết mệt mỏi của ông Nhàn cuối cùng cũng đã được giải quyết, sau khi Viện KSND TP.HCM và ông Nhàn ký biên bản thương lượng việc bồi thường thiệt hại do oan sai vào ngày 19.1 vừa qua, với tổng số tiền bồi thường cho ông Nhàn hơn 295,6 triệu đồng.
Trao đổi với PV Thanh Niên tại nơi đang làm thuê cho một đại lý xe máy ở TT.Đức Phổ (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi), ông Nhàn nói vẫn chưa hề tính đến việc sử dụng số tiền được bồi thường vào việc gì để gầy dựng lại cuộc đời.
Hai anh em ruột bị oan sai được tạm ứng bồi thường 100 triệu đồng
Ngày 8.4, đại diện Viện KSND tỉnh Sóc Trăng đã mời ông Phạm Văn Lé (42 tuổi) và em ruột là ông Phạm Văn Lến (40 tuổi, cùng ngụ P.Vĩnh Phước, TX.Vĩnh Châu, Sóc Trăng) đến để nhận tiền tạm ứng bồi thường oan sai. Theo đó, ông Lé và ông Lến mỗi người được nhận tạm ứng 50 triệu đồng để giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Ông Lé cho biết đã làm đơn gửi Viện KSND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu nhanh chóng cử đại diện xuống tận nhà tiến hành xin lỗi công khai để anh em ông và bà Thạch Thị Xem (vợ ông Lé) được minh oan.
Trước đó, gia đình ông Lé có đơn yêu cầu Viện KSND tỉnh Sóc Trăng bồi thường oan sai gần 600 triệu đồng, do đơn vị này phê duyệt quyết định khởi tố bị can do Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đề xuất đối với ông Lé về hành vi giết người, ông Lến và bà Xem bị khởi tố về hành vi không tố giác tội phạm. Trong đó, ông Lé, ông Lến mỗi người bị bắt tạm giam tổng cộng 688 ngày; bà Xem được cho tại ngoại, bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Qua thương lượng, đại diện Viện KSND và gia đình ông Lé đồng ý nhận số tiền bồi thường gần 500 triệu đồng.
Trần Thanh Phong
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.