Kỳ án oan sai - Kỳ 6: Một vụ tông xe, ba lần trắng án

13/04/2015 05:50 GMT+7

Kéo dài hơn 11 năm, trải qua nhiều phiên xử và bị cáo đã 3 lần được tuyên vô tội, nhưng vụ án kỳ lạ này đến nay vẫn chưa kết thúc.

Kéo dài hơn 11 năm, trải qua nhiều phiên xử và bị cáo đã 3 lần được tuyên vô tội, nhưng vụ án kỳ lạ này đến nay vẫn chưa kết thúc.

Kỳ án oan sai - Kỳ 6: Một vụ tông xe, ba lần trắng ánHoàng Trọng Nghĩa mệt mỏi sau hơn 11 năm trong vòng tố tụng - Ảnh: Hoàng Tuấn
Ngày 1.3.2004, Cơ quan CSĐT Công an H.Đồng Phú khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hoàng Trọng Nghĩa (ngụ P.Tân Bình, TX.Đồng Xoài, Bình Phước) để điều tra về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và chuyển cho cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Phước theo thẩm quyền. Ngày 5.3.2006, Viện KSND tỉnh Bình Phước truy tố Nghĩa về tội danh trên; đồng thời chuyển hồ sơ cho Viện KSND H.Đồng Phú thực hành quyền công tố (do thời điểm này TAND H.Đồng Phú được tăng thẩm quyền - PV).
Theo cáo trạng, khoảng 18 giờ 30 ngày 23.9.2002, Nghĩa điều khiển mô tô BKS 93F2-0699 lưu thông trên QL14 hướng từ H.Bù Đăng về TX.Đồng Xoài. Khi đến khu vực ấp Cầu 2, xã Đồng Tiến, H.Đồng Phú (Bình Phước), Nghĩa chạy tốc độ nhanh, không quan sát đã đụng vào anh Tạ Quang Nghiệp đang đi bộ sát lề đường phải cùng chiều làm nạn nhân ngã xuống đường. Xe của Nghĩa kéo anh Nghiệp đi thêm 10 m, đụng vào mô tô BKS 61A1-4707 do anh Bùi Tiến Lại đang dắt bộ phía trước. Anh Lại không hề hấn gì nên dắt xe rời khỏi hiện trường, còn anh Nghiệp tử vong.
Chỉ nghe tiếng “rầm”
Ngày 28.3.2008, TAND H.Đồng Phú xét xử sơ thẩm và tuyên bị cáo Nghĩa không phạm tội. Theo nhận định của HĐXX, khi vụ tai nạn xảy ra, các nhân chứng đều khai chỉ nghe tiếng “rầm” thì chạy đến và thấy 2 xe gắn máy nằm tại hiện trường nên cho rằng Nghĩa điều khiển xe máy đụng anh Nghiệp là không có cơ sở (2 nhân chứng đi bộ cùng với anh Nghiệp cũng khẳng định không nhìn thấy). Phân tích về hiện trường, HĐXX cũng nhận định vết cà của xe Nghĩa cách lề phải 1,21 m; trong khi nhân chứng khai anh Nghiệp đi bộ cách lề phải 0,5 m thì khó có thể chạm tới người nạn nhân. Đặc biệt, vết cà xe Dream 93F2-0699 dài 10,04 m - có nghĩa là xe ngã xuống đường thì làm sao chạy tiếp 10 m để đụng vào xe anh Lại.
Vụ án này đã được Đoàn LS tỉnh Bình Phước đưa vào danh sách “các vụ án áp dụng pháp luật chưa đúng, có dấu hiệu oan sai, kéo dài” và báo cáo với đoàn giám sát oan sai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi về làm việc tại Bình Phước ngày 30.12.2014. Theo đó, bản án phúc thẩm ngày 25.6.2012 và ngày 22.9.2014 TAND tỉnh Bình Phước tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, vượt quá phạm vi xét xử phúc thẩm. “Bị cáo được cấp sơ thẩm tuyên vô tội, Viện kiểm sát kháng nghị đề nghị hủy án sơ thẩm để xét xử lại. Tại phiên tòa phúc thẩm, nếu có chứng cứ đã được thu thập, chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo thì mới chấp nhận kháng nghị. Nếu không thì phải bác kháng nghị, giữ nguyên án sơ thẩm”, báo cáo nêu rõ.
Chưa hết, các lời khai nhân chứng cũng mâu thuẫn khi người khai thấy 2 xe máy nằm cách nhau 2 - 3 m; người lại khai nằm chồng lên nhau. Trong khi đó, hiện trường vụ tai nạn đã bị xáo trộn ngay từ đầu, khi cả 2 chiếc xe gắn máy đều được dắt đi nơi khác...
Bản án sau đó bị Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Bình Phước tuyên hủy do vi phạm tố tụng nghiêm trọng (phiên tòa sơ thẩm diễn ra lúc 8 giờ ngày 27.3.2008, kết thúc lúc 14 giờ 30 ngày 28.3.2008 nhưng biên bản nghị án lại ghi lúc 13 giờ ngày 27.3.2008).
Ngày 16.8.2010, TAND H.Đồng Phú mở lại phiên tòa (sơ thẩm lần 2) sau nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung. Một lần nữa, HĐXX tuyên bố Nghĩa không phạm tội. Viện KSND H.Đồng Phú kháng nghị theo hướng bị cáo có tội. Ngày 25.6.2012, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.
Vụ án tiếp tục được trả đi trả lại điều tra bổ sung nhiều lần. Đến ngày 31.12.2013, TAND H.Đồng Phú xét xử sơ thẩm (lần 3), tuyên Nghĩa không phạm tội. Viện KSND H.Đồng Phú lại kháng nghị theo hướng bị cáo có tội. Ngày 22.9.2014, TAND tỉnh Bình Phước tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.
“Tỉnh dậy thấy mình ở bệnh viện”
Sau khi xảy ra vụ tai nạn giao thông, Nghĩa bị chấn thương sọ não nên được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) điều trị khoảng 3 tháng. Sau đó, Nghĩa được đưa đi điều trị bắt buộc tại Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2 (TP.Biên Hòa, Đồng Nai). Tại cơ quan điều tra cũng như các phiên tòa sơ thẩm, Nghĩa khai vào thời điểm xảy ra tai nạn thì bị một vật gì đó (không biết vật gì) đụng phải. Khi tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Nghĩa không thừa nhận đụng xe làm chết anh Nghiệp.
Luật sư (LS) Dương Vĩnh Tuyến, Đoàn LS Bình Phước (bào chữa miễn phí cho bị cáo Nghĩa), cho rằng hiện trường vụ án đã bị làm sai lệch ngay từ đầu (xe 61A1-4707 và xe 93F2-0699 đều được đưa ra khỏi hiện trường). Lời khai các nhân chứng cho thấy đã nghe tiếng “rầm” khi tai nạn xảy ra, chạy đến nơi thấy 2 xe gắn máy cùng ngã trên đường nhưng khi khám nghiệm hiện trường, chỉ đưa xe 93F2-0699 (do bị cáo điều khiển) ra để thực hiện như vậy không bảo đảm tính khách quan. Mặt khác, tai nạn xảy ra ngày 23.9.2002 nhưng mãi đến ngày 27.9.2002 mới khám xét dấu vết xe 93F2-0699 và đến ngày 28.9.2002 mới khám xét dấu vết xe 61A1-4707 do anh Lại điều khiển...
Theo LS Tuyến, ngay cả kết luận điều tra và cáo trạng cũng “đá” nhau. Kết luận điều tra cho rằng Nghĩa điều khiển xe tông vào Nghiệp đang đi bộ cùng chiều, làm cả hai ngã tại chỗ, xe Nghĩa chạy theo quán tính về phía trước đụng vào xe Lại. Còn cáo trạng lại cho rằng sau khi tông vào Nghiệp, xe Nghĩa kéo lê Nghiệp về phía trước 10 m...
“Khi sự thật khách quan của vụ án chưa được làm rõ thì không có chứng cứ để kết tội bị cáo”, LS Tuyến bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.