'Kỳ án' ông Võ Tê bị oan sai: Vì sao 40 năm mới tìm ra hung thủ

Quế Hà
Quế Hà
19/06/2022 15:33 GMT+7

' Kỳ án' ông Võ Tê bị oan sai vừa được Công an tỉnh Bình Thuận và Viện KSND tỉnh này công khai xin lỗi do đã khởi tố, bắt giam oan cách đây 42 năm. Vì sao thời gian rất dài nhưng không tìm ra được hung thủ?

'Kỳ án' ông Võ Tê bị oan sai bắt đầu từ vụ án “giết người, cướp của” xảy ra từ ngày 31.7.1980 ở thôn 3, xã Tân Minh, H.Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải (nay là xã Tân Phúc, H.Hàm Tân, Bình Thuận). Nạn nhân bị giết, bị cướp 1,6 lượng vàng 24k là bà Phan Thị Khanh, tại rẫy bắp của bà ở xã Tân Minh, H.Hàm Tân.

Giải nỗi oan hơn 4 thập niên của ông Võ Tê

Ngày 9.9.1980, Phòng Cảnh sát hình sự thuộc Ty Công an Thuận Hải di lý “nghi can Võ Tê” từ H.Hàm Tân ra Phan Thiết để điều tra theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, tại Cơ quan điều tra tỉnh Thuận Hải, ông Võ Tê đã thay đổi lời khai, phủ nhận mình đã giết chết bà Phan Thị Khanh.

Rất nhiều cơ quan báo chí truyền thông theo dõi, đưa tin về vụ án oan sai của ông Võ Tê ở Bình Thuận

CLIP

Căn cứ tài liệu điều tra và kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, Cơ quan CSĐT Công an Thuận Hải đã không đủ chứng cứ để kết luận ông Võ Tê giết người, cướp tài sản.

Do vậy, ngày 30.12.1980, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Thuận Hải đã ban hành “Lệnh tha số 05”, tạm tha ông Võ Tê. Thời điểm này ông Võ Tê đã bị tạm giam 5 tháng. Kể từ đó, ông Võ Tê mang trên mình “án tích bị can”, cho đến khi qua đời.

Đại tá Đinh Kim Lập, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận đại diện cho Cơ quan điều tra (cũ) bắt tay xin lỗi ông Võ Ngọc, con trai người bị bắt giam oan Võ Tê

T.D

'Bế tắc' quá trình truy tìm hung thủ?

Theo báo cáo của Công an tỉnh Bình Thuận, từ năm 2019, quá trình đi tìm hung thủ thực sự trong vụ án ly kỳ này rất phức tạp. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận căn cứ từ nhiều nguồn tin, chứng cứ, đã xác định ông Trương Đình Chi (sinh ngày 10.11.1956) còn có các tên gọi khác là Trương Đình Khôi hay Lê Minh Sơn (trú thôn 3, xã Tân Minh, H.Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải, nay là tỉnh Bình Thuận) là hung thủ của vụ án.

Theo điều tra, đầu năm 1980, Trương Đình Chi cùng một số người ở xã Tân Minh, bỏ địa phương này đến cư trú ở ấp Giồng Giữa, xã Hải Tú, huyện Long Phú, tỉnh Hậu Giang để làm thuê.

Quá trình sinh sống và làm thuê tại đây, gia đình xảy ra mâu thuẫn, nên ngày 27.7.1980, vợ chồng ông Trương Đình Chi (và vợ là Võ Thị Bung) về lại xã Tân Minh để sinh sống. Khi về Tân Minh, vợ chồng ông Chi mang theo 30 kg phân bón đến ở nhà ông Phan Thanh (là anh em cột chèo với Chi).

Các con ông Võ Tê đem di ảnh cha đến hội trường nơi tổ chức xin lỗi công khai cha mình

tuấn duy

Khi vợ chồng Trương Đình Chi về đây sinh sống, ông Phan Thanh có cho đất làm rẫy. Đến ngày 31.7.1980, khi vụ án sát hại bà Khanh xảy ra, chính Chi cũng vào lo mai táng cho nạn nhân.

Trong thời gian này, con của Chi bị bệnh nên ngày 20.8.1980, vợ chồng Chi nói đi Cam Ranh để bán phân bón kiếm tiền chữa bệnh cho con. Tuy nhiên, theo nhân chứng Phan Đình Bảo (sinh năm 1942, cùng địa phương) thì sau khi trở lại Tân Minh sinh sống được 8 ngày, Chi vào một căn nhà bỏ trống, đây là nhà của bà Soạn, sát vách nhà ông Bảo nên ông này biết.

Ông Nguyễn Thận (phải), nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh thời điểm vụ án xảy ra đã cùng với gia đình bị hại tố cáo hung thủ thực sự của vụ án

DUY TUẤN

Tại căn nhà này, vợ chồng Trương Đình Chi lén lút nói chuyện với nhau nên ông Bảo xé vách lá căn nhà ra nghe trộm được. Ông Bảo thấy vợ chồng Chi đếm tiền mặt có 300 đồng, thêm 2 chiếc cà rá, một dây chuyền đã bị đứt khúc.

Thấy được sự việc trên, ông Bảo đem câu chuyện này đi kể cho ông Huỳnh Ca Ký (cùng xóm) nghe. Thời gian sau đó, vợ chồng Chi mua một chiếc xuồng giá khoảng 1.400 đồng.

Công an đã tiến hành xác minh chi tiết này từ những người hàng xóm từng ở gần với Chi. Tất cả họ đều nói gia đình vợ chồng Trương Đình Chi khó khăn về kinh tế, lấy tiền đâu mà mua sắm xuồng để làm ăn (xuồng giá 1.400 đồng lúc đó giá trị rất lớn).

Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT đến Hậu Giang xác minh thì không tìm được Trương Đình Chi. Trong khi các tài liệu công an thu thập được đều là tài liệu gián tiếp (nghe người nọ kể lại từ người kia). Theo cơ quan CSĐT Công an Thuận Hải lúc đó thì vụ án đi vào bế tắc từ đây.

Ông Nguyễn Thận và anh Đỗ Thanh An (con trai bị hại Phan Thị Khanh) tại Cơ quan CSĐT Bộ Công an phía nam

NGUYỄN THẬN

Cơ quan CSĐT Công an Bình Thuận nhận định gì ?

Sau này, khi phục hồi điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT Công an Bình Thuận cho rằng Trương Đình Chi có nhiều nghi vấn liên quan vụ án.

Chi tiết 'bế tắc' là ở chỗ từ khoảng thời gian 16 giờ ngày 31.7.1980 đến 17 giờ cùng ngày, không ai biết Trương Đình Chi ở đâu, làm gì, cùng với ai.

Mặt khác, Công an nhận định gia đình Chi khó khăn, con bệnh đau không có tiền chữa trị thì ngay sau khi vụ án xảy ra, Trương Đình Chi lại mua được cái xuồng giá tới 1.400 đồng (?).

Hơn nữa, quá trình sống chung xóm làng, nhiều khả năng Chi biết được bà Phan Thị Khanh có nhiều vòng vàng và lại đeo theo người khi đi thu hoạch bắp ở rẫy. Đặc biệt, kể từ khi vụ án xảy ra (31.7.1980) Trương Đình Chi 'biến mất' khỏi địa phương và thay tên, đổi họ như tố cáo của gia đình bị hại (anh Đỗ Thanh An con trai bị hại Phan Thị Khanh đứng ra tố cáo).

Hung thủ thực sự của vụ án là Trương Đình Chi, tức Trương Đình Khôi hay Lê Minh Sơn không phải chịu trách nhiệm hình sự do vụ án đã xảy ra cách đây 42 năm, không còn hiệu lực truy tố trước pháp luật

NGUYỄN THẬN

Trong khi việc khởi tố ông Võ Tê đã được Cơ quan điều tra thời điểm đó xác định là không đủ cơ sở, chứng cứ nên đã tạm đóng hồ sơ.

Sau này, quá trình điều tra, bằng các chứng cứ và nghiệp vụ, Cơ quan CSĐT đã khẳng định, chính Trương Đình Chi, tức Trương Đình Khôi hay Lê Minh Sơn là một người và là hung thủ đã sát hại bà Phan Thị Khanh để cướp 1,6 lượng vàng của nạn nhân. Đây chính là một phần nội dung mà Công an tỉnh Bình Thuận đã báo cáo lên Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an về 'kỳ án' ông Võ Tê bị oan sai, vừa được công khai xin lỗi hôm 17.6.2022 vừa qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.