Vượt lên sóng dữ

18/06/2022 16:09 GMT+7

“Bị say sóng, người tôi mệt lử, không ngồi dậy nổi. Gió biển, sóng biển dữ dằn, nhưng mưa biển hiền hòa. Nó được ví như vàng… Có món chi ngon, mấy anh chị phụ huynh ới mình sang ăn cùng, vui lắm”, anh Nguyễn Hữu Phú kể cho tôi nghe về lần đầu tiên vượt sóng đến với Trường Sa để gieo chữ.

Những trải nghiệm đầu tiên

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, điều kiện kinh tế khó khăn, nên sự học của Nguyễn Hữu Phú, quê Vạn Thắng, H.Vạn Ninh, Khánh Hòa, bị gián đoạn. Năm 2010, Phú thi vào Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang, rồi liên thông lên đại học, sau mười năm vất vả mưu sinh, kể từ khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Ra trường, Phú xin dạy ở vài điểm trường trong khu vực huyện nhà. Với bản tính thích xê dịch, nhưng yêu nghề giáo, anh quyết định làm đơn xin ra xã Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa gieo chữ.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú (góc phải) đang phụ giúp bà con đảo Song Tử Tây dọn dẹp sau bão

Phú nhớ lại: “Khi biết tin Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa xét duyệt, đồng ý cho tôi ra Trường Sa dạy học, nói thật, tôi vui lắm! Ước nguyện của tôi và cả bố tôi xem như được thực hiện trọn vẹn. Mấy đêm liền, tôi không ngủ được vì cuộc hành trình mới, với tên gọi Trường Sa”.

Tàu rời cảng Cam Ranh, nhìn những cánh tay vẫy chào tiễn mình lên đường làm nhiệm vụ, Phú nói hình ảnh đẹp đẽ đó như những lời động viên, an ủi. Để rồi hơn bốn năm nay, mỗi lần nhớ lại, anh tự nhủ phải cố gắng hơn nữa với những gì mà bà con và lãnh đạo ngành giáo dục trao gửi.

Ngoài những vật dụng cá nhân, anh Hữu Phú mang theo trong chuyến hành trình đến Trường Sa lỉnh kỉnh sách vở, dụng cụ dạy học, bởi anh biết ở ngoài đó cái gì cũng thiếu. Và anh mang theo những túi kẹo trái cây bốn mùa mà anh mua vội trên đường ra cảng Cam Ranh, như món quà dành cho các em học sinh của mình mừng năm học mới.

Anh Hữu kể lại, tàu chạy được ba ngày thì áp thấp nhiệt đới hình thành trên Biển Đông. Biển bắt đầu nổi sóng. Cảm giác say sóng thật khó diễn tả. Tàu HQ-571 vượt khó trong biển cả mênh mông. Say sóng, người mệt lử, anh Hữu không tài nào ngồi dậy. Nhưng anh phải cố gắng nuốt một ít cơm bởi sự động viên tinh thần từ các chiến sĩ hải quân.

Song Tử Tây hiện ra trước mắt, nhưng anh Phú không thể lên đảo do sóng biển lúc này quá lớn, gió giật trên cấp 8, cấp 9. Cuộc hành trình đầy trắc trở bởi sóng gió bão giông, nhưng không làm vơi ý chí người thầy giáo tình nguyện ra Trường Sa gieo chữ.

Nơi tiền tiêu, đâu phải muốn về thăm nhà lúc nào cũng được. Đến hè, khi được về lại đất liền, anh Phú lại nói mình cảm thấy nhớ mấy đứa học trò đến quay quắt. Giờ đây, với anh Phú, Song Tử Tây đã trở thành nhà; những người lính hải quân, bà con nhân dân sống trên đảo như tình thân ruột thịt.

Tôi hỏi, lần này anh về phép được bao nhiêu ngày. “Khoảng một tháng. Nhưng còn phụ thuộc vào lịch trình của tàu hải quân. Cũng mong ra sớm, chứ ở đất liền da bớt sạm nắng, ra đảo người dân bớt quý mình!”, anh Hữu Phú nói, rồi cười khi tôi hỏi tại sao. “Nước sinh hoạt nhiều khi thiếu. Chỉ trông chờ trời mưa. Có năm mưa rất muộn. Mặc dù có giếng nước lợ, nhưng độ mặn cao… Bởi vậy, những ai sống trên đảo đều có làn da mặn mòi, sạm nắng, và là thương hiệu của người ở Trường Sa đấy!”, anh Phú nói.

Thầy Nguyễn Hữu Phú và học trò chụp ảnh lưu niệm trước cột mốc chủ quyền

Cao Minh Tèo

Anh Phú cho biết cơ sở vật chất cho dạy học ở Song Tử Tây cơ bản đã đáp ứng, nhưng do độ mặn ở đây cao, nên một số dụng cụ để các em học dễ bị hư hỏng. Anh và các đồng nghiệp phải tự mày mò, dùng thùng mì tôm cắt ghép hình, vẽ tranh ảnh… để phục vụ việc dạy cho các em học.

“Tất cả học trò là con của tôi”

“...Ngoài đó internet rất yếu, nên bây giờ tôi mới đưa đoạn clip quay hôm tổng kết năm học lên Facebook... Trường giáo dục bậc tiểu học quá thân thiện và học sinh học quá tích cực có tiếng của cả nước đấy, vào xem, hi hi…”, anh Phú nhắn tin, bảo tôi lên Facebook xem clip của anh vừa mới đăng.

Sau khi đoạn clip được đăng lên, hàng loạt lời bình luận khen tặng thầy trò Trường tiểu học Song Tử Tây quá giỏi. Tài khoản Facebook có tên Nguyễn Phương Thúy viết: “Thầy giỏi thì trò giỏi nè”. Đáp lại, anh Phú viết: “Chủ yếu là do trò chăm chỉ học thôi chị ơi. Thầy có gì đâu, hi hi”. Sự khiêm tốn của anh Phú đã chạm đến những trái tim yêu nghề giáo, yêu biển đảo bằng cách riêng của mình. Chắc chắn, những ai có dịp ra Trường Sa chứng kiến bộ đội hải quân trẻ hôm nay từng ngày vượt sóng gió, sẽ mường tượng về những ngày tháng cũ để truyền lại hôm nay vạn lý Trường Sa. Chắc chắn, những ai có dịp ra Trường Sa sẽ thêm yêu nghề giáo, yêu những người thầy tình nguyện ra Trường Sa gieo chữ.

Tuổi bốn mươi, nhiều người đã đề huề con cái, với anh Hữu Phú thì chưa. Để có những em học trò chăm ngoan học giỏi, anh vừa phải làm thầy, vừa làm bạn để dạy cho tụi nhỏ không chỉ kiến thức căn bản, mà còn thêm nhiều kỹ năng mềm khác để khỏi bỡ ngỡ trước nhịp sống trong đất liền. “Sau này khi vào đất liền học tiếp, tụi nhỏ dễ dàng hòa nhập vào môi trường học tập mới”, anh Phú chia sẻ thêm.

Thầy Nguyễn Hữu Phú và các trò trong giờ học

Anh Phú vừa làm giáo viên, vừa làm người quản lý chuyên môn, hành chính của trường. Và anh đã mang cho đời những vần thơ hay về tình yêu biển đảo gửi về đất liền trong suốt ngần ấy năm ra đảo dạy học. Cảnh đẹp, tình người ấm áp dành cho nhau, đó là những chất xúc tác giúp những bài thơ của anh ra đời. Hơn nữa, cảm xúc về Trường Sa đã giúp anh mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn, càng muốn lan tỏa tình yêu biển đảo đến với tất cả mọi người trong đất liền, rằng Trường Sa với những đảo chìm, đảo nổi là một phần xương thịt của Tổ quốc Việt Nam.

“Quê em ở xã đảo/Song Tử Tây hiền hòa/Giữa bốn bề sóng gió/Cây bàng vuông vươn xanh… Quân dân tình đoàn kết/Chung lòng yêu quê hương”. Mỗi khi nghe học trò đọc bài thơ Song Tử Tây quê em của mình viết, anh Phú thổ lộ rằng trong lòng anh lại dâng lên một niềm hạnh phúc khó tả. Những năm tháng dạy học ở Trường Sa là hành trình trải nghiệm quý báu để mai này trở về đất liền, anh lại tiếp tục đưa vào bài giảng, kể cho các em học sinh nghe, thế hệ mai sau nghe về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

“Cứ yêu nghề, yêu trẻ thì các con sẽ yêu mình. Tất cả học trò là con của tôi hết!”, thầy giáo Hữu Phú bộc bạch. Rồi anh cho biết thêm: “Ở đây chẳng biết, chứ phụ huynh ở Song Tử Tây xịn sò lắm, có món chi ngon mấy anh chị phụ huynh ới mình sang ăn cùng, vui lắm”.

Trường Sa anh hùng luôn là niềm kiêu hãnh. Những công dân đã và đang sinh sống, làm việc ở Trường Sa là những anh hùng. Xin gửi đến anh, người thầy giáo đang gieo chữ ở Trường Sa, lời chúc chân cứng đá mềm!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.