Lối sống đẹp của ông Ba On

01/06/2022 11:26 GMT+7

Giới thiệu hai câu chuyện của ông Ba On, tôi muốn để chúng ta suy ngẫm ông chính là tấm gương bộ đội Cụ Hồ có lối sống đẹp qua cả hai thời kỳ chiến tranh và hòa bình.

Chuyện thời chiến tranh

Ông Tô Văn On bà con quen gọi Ba On, khi tham gia cách mạng ông có bí danh Tô Thành, năm nay 79 tuổi, ở tại quê nhà ấp Trung Hưng, xã Trung Lập Thượng, Củ Chi, TP.HCM. Trong một lần nói chuyện với tôi ông Ba On kể, thời gian ông tham gia cách mạng chiến đấu trong lực lượng du kích địa phương đến năm 1966, lúc này ông giữ chức vụ tiểu đội trưởng và được cấp trên cử tham gia lớp học H21, do Quân khu R tổ chức ở Lò Gò (Tây Ninh).

Ông Tô Văn On bên chồng thư,lưu bút, hình ảnh của đồng đội

tgcc

Trong thời gian học tập đó ông lưu giữ rất nhiều thư, ảnh và quyển lưu bút ghi lại rất nhiều tâm tư, tình cảm rất đỗi mến thương của đồng đội trong lớp học. Bây giờ thỉnh thoảng khi buồn buồn, nhớ về thời chiến đấu gian khổ, nhớ về đồng đội, ông thường mang các kỷ vật ấy ra xem, ông đọc đến dòng lưu bút của anh em nào là hình dung ngay được khuôn mặt của anh em đó. Ông chỉ tôi nhìn tấm ảnh đen trắng chụp chung nhiều đồng đội đã ngả màu vàng vàng nhưng ông vẫn chỉ ra ảnh và tên từng đồng chí, quê ở đâu và ai trong số đó đã hy sinh, hy sinh ở chiến trường nào Ông bảo số anh em chụp chung trong hình này không rõ hiện giờ ai còn ai mất vì sau khi lớp học tổng kết xong, các anh em mỗi người được cấp trên điều động chiến đấu ở nhiều địa phương khác nhau trong vùng địch chiếm nên từ đó ông mất liên lạc với đồng đội.

Sau ngày giải phóng cho đến đầu năm 2018, trong lòng ông có ý định muốn giao lại tất cả các kỷ vật quý này cho câu lạc bộ truyền thống cách mạng TP.HCM hay nơi nào đó lưu giữ làm tư liệu giáo dục thế hệ trẻ, nhưng ông không biết chỗ gửi và không biết mấy kỷ vật này thật sự có giá trị gì không khi giao nộp trong lòng cũng lo người ta từ chối. Và còn có một điều khiến ông lúc nào cũng đau đáu, dằn vặt trong lòng vì ông không thực hiện được lời gửi gắm đồng đội Nguyễn Văn Việt (không rõ năm sanh và quê quán).

Trước khi đi công tác, đồng đội Việt gửi cho ông một số giấy khen, bằng khen, giấy chứng nhận đảng viên tốt của người yêu tên Nguyễn Thị Trí, chức vụ tiểu đội phó, đơn vị hậu cần, quê quán ở xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TPHCM, với lời nhắn: “Sau này, đất nước hòa bình, đồng chí có dịp tìm gặp bạn gái hay gia đình bạn gái của mình thì gửi giùm các giấy tờ xem là kỷ vật quan trọng này”. Cuối năm 1969 ông Ba On được tin đồng đội Việt đã hy sinh ở chiến trường Long An. Tôi thử xem nhiều giấy tờ đã phai vàng, có giấy pơ- luya mỏng tang chữ đánh máy giờ bay màu đọc không được của người phụ nữ Nguyễn Thị Trí.

Kỷ vật của đồng đội được ông giữ hơn 50 năm nay đã đến tay người nhận

tgcc

Trước tết Canh Tý năm 2020 chừng một tháng, ông Ba On vui mừng cho tôi biết: “Đồng đội ông có người báo đã có thông tin về nữ dân quân Nguyễn Thị Trí, hiện chị ở xã Bàu Đồn, huyện Dương Minh Châu, Tỉnh Tây Ninh” và ngay sau đó ít ngày ông đã liên lạc được chị Trí, trân trọng gởi trả lại kỷ vật hơn 50 năm theo ông được lưu giữ cẩn thận trong ba lô người lính, dù có lúc ông chiến đấu trong hoàn cảnh “vào sanh ra tử” với giặc mà kỷ vật đó cũng không rời ông. Chỉ là mấy kỷ vật nhỏ của người lính trong thời chiến gửi cho bạn gái mà hơn nửa thế kỷ sau mới đến tay người nhận, thật là có ý nghĩa và xúc động biết dường nào.

Chuyện thời hòa bình

Cái hố giống như hình chữ nhật chiều ngang độ khoảng 50cm, chiều dài ước tính 70cm, sâu chừng 20cm nằm trên đoạn đường tỉnh lộ 7, gần cầu Công Sở thuộc ấp Đồn, xã Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP HCM, có người đang sinh sống gần đây nói: “cái hố này xuất hiện đã lâu, áng chừng trên 3 năm nhưng không một ai hay biết chính quyền địa phương để ý lấp đất đá cho đầy cái hố”. Tuy cái hố nhỏ nhưng nó nằm bên phía làn đường dành cho người đi xe gắn máy, xe đạp đi và đặc biệt cái hố rất vừa khít cái bánh trước của xe nên mỗi khi người điều khiển xe gắn máy, xe đạp chẳng may lỡ lọt xuống đó sẽ bị té ngã, chính vì thế cái hố này rất nguy hiểm đã nhiều lần làm người đi đường bị tai nạn ngã té xe, nhất là khi đi vào ban đêm do thiếu ánh sáng đèn đường hay khi mưa xuống làm hố đầy nước, sát với mặt đường.

Chuyện tử tế cũng không hẳn là người ta làm việc gì đó to tát lớn lao mà nó hết sức giản dị bình thường như chuyện lắp cái hố nhỏ trên đường của ông Ba On

tgcc

Ông nhớ lại, buổi sáng giữa tháng 11.2018, lúc bấy giờ ông là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của huyện Củ Chi (nay ông đã nghỉ hưu) trên đường đi công chuyện, khi thấy người phụ nữ đi xe đạp bị lọt xuống hố té làm xây xát chảy máu ở cánh tay, ông dừng xe gắn máy lại đi dọc theo hai bên vỉa hè nhặt đá xanh, gạch ống bể mang đến lấp cho đầy cái hố. Có người đi đường thấy như vậy nói: “Ông làm chi cho cực khổ bản thân, “lo bò trắng răng”, mấy vụ đường sá bị hư đó để cho nhân viên bên cầu đường họ lo”, ông từ tốn đáp: “Chuyện không lớn, chừng nào bên cầu đường làm tính sau, còn bây giờ trước mắt tui lấp cho cái hố đầy đá để không còn người đi đường bị té ngã do bị lọt bánh xe xuống đó nữa”.

Tôi nghe ông nói như thế mới ngộ ra chuyện người tử tế có lối sống đẹp không ở đâu xa mà họ sống hiện diện quanh chúng ta, chuyện tử tế cũng không hẳn là người ta làm việc gì đó to tát lớn lao mà nó hết sức giản dị bình thường như chuyện lắp cái hố nhỏ trên đường của ông Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh của huyện Củ Chi mà tôi may mắn chứng kiến được trên đường đi đến trường dạy học và cũng không ngờ chỉ mấy hôm sau tôi đi ngang đây cái hố được công nhân cầu đường được lắp đầy và tráng nhựa phẳng phiu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.