Gọi là biệt thự, nhưng thực chất nơi ở của chị Đặng Thị Thoa, một người nấu ăn thuê cho hàng chục công nhân nghèo khác, lại là một công trình chỉ mới được xây thô, chưa hoàn thiện, chưa có cửa, sơn hay thậm chí là nhà vệ sinh… Chị Thoa, 38 tuổi, quê Yên Bái, đang cùng cậu con trai gần 2 tuổi đang tất bật chuẩn bị bữa ăn.
Khu biệt thự Thiên Đường Bảo Sơn (ở huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội) bị bỏ hoang hàng chục năm, đã được chọn làm nơi sinh sống tạm thời cho vợ chồng chị Thoa và gần 40 công nhân khác.
Kỳ lạ khu biệt thự chỉ có công nhân nghèo ở
"Bé theo tôi đi làm từ lúc 8 tháng rưỡi. Bé nhà tôi đi theo tôi cũng chịu nhiều thiệt thòi, nhưng đi làm theo mẹ vẫn đảm bảo hơn. Những lúc ốm đau còn có bố mẹ bên cạnh, đỡ lo lắng. Con cái nó khổ, mình cũng muốn làm căn nhà đàng hoàng cho con cái ở, có tiền cho con cái ăn học, chi tiêu cuộc sống gia đình cho dễ. Nhưng mà mình đi làm công nhân thì cũng ở như thế này thôi, không đòi hỏi, đòi hỏi cao thì lại không có tiền nong về lo cho gia đình, thì cũng khổ lắm. 3 giờ sáng tôi dậy nấu cơm sáng, nấu cơm xong đến khoảng 4 rưỡi, 5 giờ tôi đi chợ, đi về khoảng 30 phút sau thì tôi lại bắt đầu tiếp tục bữa cơm trưa, mọi người ăn xong tôi tiếp tục đi rửa bát. Rồi lại chuẩn bị cơm chiều, cứ một ngày bình quân ba bữa liên tục như vậy. Suất ăn của một ngày, một người là 28.000 đồng, chia cho ba bữa ăn, không tính gạo, không tính gas", chị Đặng Thị Thoa, Yên Bái chia sẻ.
Người dân sinh sống ở đây chủ yếu đến từ các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Hà Giang. Họ cho biết, chi phí phải trả để sống trong một căn hộ ở trong khu biệt thự này là khoảng 375.000 đồng/người mỗi tháng (đã bao gồm tiền điện, nước). Căn hộ này được chủ đầu tư thuê làm chỗ ở cho các công nhân. Hiện tại, khu biệt thự có 4 dãy nhà, song chỉ có 2 dãy đang có người sinh sống.
"Tôi sống xung quanh đây chỉ toàn thấy công nhân thôi, người cao tuổi nhất thì cũng 50 tuổi trở xuống, còn thấp nhất chắc là khoảng độ 30 tuổi trở lên, còn không có ai dưới 30 tuổi. Mọi người đối xử với nhau rất tốt, rất là vui vẻ. Điện nước ở đây tôi thấy đầy đủ, không thiếu gì. Tôi hay đi nhặt củi đóm về đun nước để tắm, vì ở trên quê, người dân tộc không hay tắm nước lạnh, chỉ tắm nước ấm thôi", bà Lục Thị Sen, Yên Bái cho biết.
Những người sinh sống ở đây chia sẻ họ không có sự lựa chọn nào khác vì giá nhà cho thuê ở Nội rất đắt đỏ, không thể sống nổi với đồng lương công nhân ít ỏi. Còn đối với những gia đình như chị Thoa, ước mong có một mái nhà để trú chân, để nuôi dạy con cái ở Hà Nội là điều thậm chí còn chẳng dám ước mơ.
Bình luận (0)