Kỳ lạ Trường Lũy: Cơ hội lớn

03/04/2022 07:30 GMT+7

Christopher Young, Chủ tịch Hội đồng di sản Anh, cố vấn UNESCO, trong báo cáo về chuyến khảo sát Trường Lũy, trình bày tại Tọa đàm về Trường Lũy ngày 16.4.2010, có nêu đại ý: Trường Lũy là một di tích thật ấn tượng.

Ngoài một vài đoạn mất mát, nó hiện diện với vẻ nguyên vẹn và trong trạng thái rất tốt. Trường Lũy cho chúng ta những cơ hội nghiên cứu rất lớn, bởi nó chưa được khảo sát kể từ khi bị bỏ phế, không sử dụng.

Phong cảnh miền tây tỉnh Quảng Ngãi

L.H.K

Trường Lũy chỉ ra cơ hội lớn cho nghiên cứu, bảo tồn và quản lý, với sự quan tâm đặc biệt để lưu giữ tiềm năng của nó cho mai sau. Không chỉ dành cho các nhà nghiên cứu và khảo cổ học, Trường Lũy còn mang đến những cơ hội to lớn cho 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định và người dân của 2 tỉnh đó. Nó đồng thời cũng mở ra tiềm năng cho sử dụng bền vững, để mang lại lợi ích kinh tế cho những cộng đồng cư dân sống lân cận những vùng mà lũy chạy qua. Đối với những công trình trải dài như Trường Lũy, việc chia sẻ rộng rãi những lợi ích nói trên qua nhiều địa phương và nhiều nhóm tộc người khác nhau là điều rất khả thi.

Ngày 3.9.2011, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã có Quyết định số 800 công nhận Trường Lũy là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Để góp thêm vào việc nhìn nhận giá trị di tích, chúng tôi nêu ra ở đây một số điểm dựa trên cơ sở tổng hợp các tư liệu lịch sử, khảo sát thực địa và tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhất là nhóm nghiên cứu Trường Lũy do Andrew Hardy và Nguyễn Tiến Đông dẫn đầu.

Một chứng nhân lịch sử

Kể từ khi những “Đoạn Trường Lũy” và những đồn/bảo bắt đầu được hình thành dưới thời Bùi Tá Hán, khoảng giữa thế kỷ XVI, cho đến khi chấm dứt về cơ bản vai trò của một công trình phòng thủ, vào những năm cuối thế kỷ XIX, Trường Lũy đã có hơn 300 năm chứng kiến vô vàn sự kiện lịch sử diễn ra ở miền tây Quảng Ngãi trong mối liên hệ hữu cơ với cả tỉnh Quảng Ngãi, cũng như 2 tỉnh Quảng Nam, Bình Định: Những bước chân đầu tiên của người Việt từ phía bắc vào vùng hạ du Quảng Ngãi, rồi ngược về phía tây và cùng với đó là những “nậu nguồn”, “ghe kinh” hình thành trong quá trình trao đổi, buôn bán giữa miền xuôi và miền ngược.

Các chúa Nguyễn và sự nghiệp kinh dinh Đàng trong mà ở đó công cuộc giao thương chú trọng hướng ngoại, lấy các lâm thổ sản miền thượng du làm át chủ bài, đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế làm cơ sở củng cố quyền lực và dần dần trở nên hùng mạnh, thoát khỏi ảnh hưởng của triều đình Lê Trịnh. Phong trào Tây Sơn, nổi lên từ phía tây Bình Định rồi lan mạnh ra Quảng Ngãi, khai thác triệt để mâu thuẫn của các tộc người miền tây với tập đoàn phong kiến chúa Nguyễn trong giai đoạn suy vi. Quá trình củng cố, xây dựng đất nước thống nhất và xây dựng chính quyền trung ương tập quyền giai đoạn các vua đầu triều Nguyễn. Cuộc xâm lăng của thực dân Pháp và sự phân hóa trong nội bộ tập đoàn phong kiến nhà Nguyễn, cùng với đó là vai trò phức tạp của các Sơn phòng, trong đó có Sơn phòng Nghĩa Định.

Chủ nhân thực sự của kỹ thuật xếp đá?

Miền tây Quảng Ngãi là nơi cư trú lâu đời của 3 dân tộc thiểu số: Hrê, Cor và Ca Dong (một nhóm địa phương của dân tộc Xê đăng), trong đó, người Hrê có số dân đông nhất, có quan hệ khá thường xuyên, trực tiếp và lâu dài với người Kinh, cư trú dọc theo Trường Lũy, về phía tây. Không quá khó khăn để nhận thấy người Hrê có nhiều khác biệt về hình thái kinh tế xã hội, văn hóa, phong tục so với các tộc người thiểu số khác ở miền tây Quảng Ngãi cũng như khắp vùng Trường Sơn - Tây nguyên mà nổi bật là lối sống định cư ở những sườn đồi thấp, sản xuất lúa nước trên những cánh đồng bậc thang trong thung lũng hẹp, biết làm đập bổi để đưa nước vào ruộng. Tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa có những công trình nghiên cứu công phu, thấu đáo về tộc người này. Phải chăng cách cày bừa bằng 2 trâu (bò) của người Việt ở vùng đồng bằng Nam Trung bộ là học được từ người Hrê? Tập quán rào làng, rào vườn, sự xuất hiện của tầng lớp cà rá nhiều quyền lực, giàu có, chiếm hữu nhiều nương rẫy, nuôi nhiều người làm, con ở trong nhà phải chăng là dấu hiệu của một xã hội đã bước đến ngưỡng của sự phân chia giai tầng? Phải chăng người Hrê vốn là một nhóm cư dân trong các tiểu quốc Chăm cổ, đã từ vùng thấp chuyển dần lên phía tây? Có phải người Hrê (mà không phải là người Việt/Kinh) mới là chủ nhân của kỹ thuật xếp đá ở Trường Lũy như giả thuyết của Andrew Hardy và Nguyễn Tiến Đông?... Rất nhiều câu hỏi về tộc người Hrê đang chờ đợi câu trả lời của các nhà khoa học.

Giàu có tài nguyên du lịch

Trường Lũy, và cùng với nó là cảnh quan thiên nhiên miền tây Quảng Ngãi ẩn chứa một tiềm năng du lịch dồi dào. Sau hàng thế kỷ lặng im, Trường Lũy đang tỉnh giấc và bắt đầu cuộc đối thoại lý thú với con người hiện đại. Đến với Trường Lũy là tìm về những câu chuyện về bản thân nó giữa thiên nhiên miền tây cùng bao nhiêu biến động của thời cuộc. Một khối đá dưới chân Trường Lũy, một mảnh gốm tìm thấy trong hố khai quật khảo cổ học, đều có thể trở thành nhân chứng của lịch sử và là người kể chuyện với du khách hôm nay.

Đến với Trường Lũy, cũng là đến với thiên nhiên hùng vĩ của miền tây Quảng Ngãi, Bình Định, kéo dài hàng trăm cây số qua bao nhiêu sông suối, núi rừng, qua những plây của người Hrê ở lưng chừng đồi thấp, những ngôi làng người Việt ẩn khuất sau những khóm tre. Đi dọc Trường Lũy, vào một thời khắc nào đó trong ngày, du khách có thể lắng nghe câu hát ta lêu tình tứ của một nàng sơn nữ e lệ, thấp thoáng dưới bóng kơnia, xa xa là mái nhà sàn khuất sau bóng núi, bóng cây.

Bao nhiêu năm tháng qua phân, binh hóa giờ đã lùi xa vào dĩ vãng, những người anh em chung nước Việt giờ đây đang đoàn kết một lòng, chung tay xây dựng quê hương giàu mạnh, đất nước phú cường. Lời tâm tình tha thiết nhất của Trường Lũy gửi đến chúng ta là ở đây chăng? Và chúng ta, hẳn cũng muốn tỏ bày cùng Trường Lũy những điều như vậy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.