Kỳ lạ Trường Lũy: Thành lũy bí ẩn dần lộ diện

02/04/2022 07:05 GMT+7

Trường Lũy được ghi chép khá nhiều trong các tác phẩm lịch sử, quốc chí và địa phương chí biên soạn dưới triều Nguyễn, như: Đại Nam thực lực, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh địa dư chí (Quốc sử quán triều Nguyễn), Bản triều bạn nghịch liệt truyện (Kiều Oánh Mậu), Viêm Giao trưng cổ ký (Cao Xuân Dục), Quảng Ngãi tỉnh chí (Nguyễn Bá Trác chủ trương), Quảng Ngãi nhất thống chí (Lê Ngại)...

Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Nghĩa Định Sơn phòng bị triệt bỏ, Trường Lũy theo đó cũng mất dần vai trò của một thành lũy quân sự rồi nhòa dần hình bóng trong miên man rừng núi.

Một đoạn lũy chạy qua xã Ba Động, H.Ba Tơ, Quảng Ngãi

L.H.K

Trong giai đoạn 1945 - 1954, chúng tôi chưa tìm thấy tài liệu nào đề cập đến Trường Lũy. Tình hình này gần như vẫn tiếp tục ở miền Bắc thời kỳ 1954 - 1975, trong khi đó ở miền Nam, nhà biên khảo Phạm Trung Việt trong các bộ sách Non nước xứ Quảng, Khuôn mặt Quảng Ngãi, trong một chừng mực nhất định đã đề cập đến Trường Lũy. Từ 1975 cho đến năm 2008, Trường Lũy vẫn kéo dài những năm tháng lặng im bí ẩn.

Năm 2008, bộ sách Địa chí Quảng Ngãi được xuất bản. Ở đây, Trường Lũy được đề cập đủ để người đọc biết đến sự hiện diện của nó như là một phần của lịch sử tỉnh Quảng Ngãi trong tiến trình gian nan xây dựng một quốc gia VN thống nhất.

Khoảng cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, một nhóm nghiên cứu, dẫn đầu là TS Andrew Hardy, Giám đốc Trung tâm Viện Viễn Đông bác cổ Pháp tại Hà Nội (EFEO) và TS Nguyễn Tiến Đông (đã mất) làm việc tại Viện Khảo cổ học VN, đã tiến hành một dự án thăm dò, khảo sát về Tĩnh Man Trường Lũy. Sau mấy năm triển khai dự án, kết quả nghiên cứu của họ đã góp phần khẳng định Trường Lũy là một di tích có giá trị, xứng đáng được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Đặc biệt, bản báo cáo khoa học lần thứ 3, công bố ngày 16.4.2010, tại Quảng Ngãi, trước đông đảo các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, có tựa đề Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định: Di sản văn hóa độc đáo, Andrew Hardy đã xác quyết: “Chúng tôi tin tưởng rằng Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định là một công trình độc đáo, một di sản văn hóa chứa đựng nhiều giá trị”. Từ đó, tác giả đi sâu làm rõ nhận định của mình qua sự phân tích các dữ kiện: 1) Khảo cổ học và kiến trúc; 2) Nhân loại học; 3) Câu chuyện lịch sử; 4) Cảnh quan.

Sau đó, các phương tiện thông tin đại chúng trong nước đã bắt đầu đưa tin về Trường Lũy. Ở nước ngoài, ký giả Adam Bray đã có một bài viết công phu về Trường Lũy trên CNN gây xôn xao dư luận.

Những băn khoăn quanh một báo cáo khoa học

Trở lại với các bản báo cáo, tường trình của Andrew Hardy, một số vấn đề nêu ra ở đó đã khiến giới nghiên cứu quan tâm, vì có những khác biệt hoặc trái với những gì mà trước đây từng biết:

- Trường Lũy có phải là “một ranh giới được sự đồng ý” của người Kinh và người Thượng? Có đúng là người Việt và người Hre đã “cùng tham gia vào xây dựng lũy, với việc sử dụng đáng kể kỹ thuật xếp đá của người Hre”?

- Tại sao đã có hẳn một nhóm đo đạc thực địa và vẽ bản đồ Trường Lũy bằng công nghệ định vị GPS nhưng số liệu về chiều dài Trường Lũy mà họ đưa ra lại nhiều lần thay đổi (theo hướng chênh lệch rất đáng kể từ lớn đến nhỏ) và con số gần nhất lại gần đúng với ghi chép của sử nhà Nguyễn?

Người viết bài này mạn phép không trực tiếp đưa ra ý kiến về những câu hỏi đã nêu, mà chỉ nhấn mạnh: Giả thuyết, suy đoán có thể nhiều, nhưng sự thật lịch sử thì chỉ có một.

Trong báo cáo khoa học trình bày tại cuộc hội thảo tổ chức tại Hà Nội tháng 12.2019, TS Andrew Hardy, sau khi dẫn các nguồn sử liệu chính thống của nhà nước phong kiến VN (Quốc sử quán triều Nguyễn và các văn quan, võ tướng có liên quan đến việc xây dựng và củng cố Trường Lũy), cho biết: “Các văn bản xác định rằng Trường Lũy được xây vào năm 1819, dưới triều Gia Long”. Liền theo đó, ông nhấn mạnh điều mà theo chúng tôi là rất cần lưu tâm, nguyên văn: “Như vậy, các văn bản xác định rằng Trường Lũy được xây vào năm 1819 dưới triều Gia Long. Mọi thứ dường như đều sáng tỏ. Song, chúng ta cần nhấn mạnh một điều rằng không có một sử liệu nào viết về xây dựng Trường Lũy trong cùng thời gian nó được xây dựng, mà tất cả các tài liệu đều được viết nửa thế kỷ sau. Khoảng cách chênh này làm mất đi những chi tiết về điều kiện xây dựng lúc đó” (Andrew Hardy và nhiều người khác; Trường Lũy Quảng Ngãi: Lật giở những điều tưởng là hiển nhiên trong lịch sử. Báo cáo khoa học đã dẫn).

Thực ra, thời gian biên soạn và khắc in bộ sử này, có thể tìm ngay trong các tư liệu đã được trưng ra ở đầu bộ sách. Dụ của nhà vua, đề niên hiệu Tự Đức năm thứ 1 [1848], tháng 12, ngày 22, có đoạn mở đầu: “ [...] tâu bày rằng: Kính soạn thực lục chính biên về Thế tổ Cao Hoàng đế đã xong, xin đem khắc in” (Quốc sử quán Triều Nguyễn; Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, Quyển LIX; NXB Giáo dục, 2001).

Với các điển chế nghiêm ngặt nào bậc nhất lịch sử nhà nước phong kiến VN, điều này cũng đồng nghĩa với việc biên soạn đã được bắt đầu từ rất lâu trước năm 1848, và rất có thể, ngay từ lúc vua Gia Long (ông vua ra lệnh xây Trường Lũy) còn tại vị. Việc xây “lũy Bình Man” (Trường Lũy) bắt đầu vào năm 1819, còn sử chép về nó hoàn thành vào năm 1848, nghĩa là cách nhau 29 năm. 29 năm thực tế và “50 năm” (theo như ở trên), sự khác nhau tưởng không cần phải bàn.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.