Theo đó, đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cùng chuyên gia ẩm thực Triệu Thị Chơi đã trao bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam và huy hiệu đến Hiệp hội Ẩm thực Việt Nam, Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên - Huế và Trường Cao đẳng Du lịch Huế về sự kiện chế biến và công diễn các món xôi chè cung đình dân gian truyền thống Việt Nam cùng lúc nhiều nhất với 50 món do 25 nghệ nhân thực hiện.
Các món xôi chè này mang nét đặc trưng của nhiều vùng miền trên cả nước như xôi khúc, xôi sắn, xôi xéo, chè kho, chè cốm, chè con ong,… của miền Bắc; xôi bắp, chè bưởi, chè củ mì tam sắc, chè sâm bổ lượng,… của miền Nam.
Món xôi sầu riêng được nghệ nhân trình bày cầu kỳ, hấp dẫn
|
Chè sâm bổ lượng thanh mát, ngọt bùi của người Nam bộ
|
Đặc biệt, nhiều nghệ nhân cũng mang đến các món xôi chè của cung đình thời Nguyễn như: xôi đậu ngự, xôi gấc, xôi đậu xanh còn vỏ, chè bông cau, chè kê, chè khoai mài, chè long nhãn hạt sen,…
Bà Hoàng Thị Ngọc Thương (83 tuổi, nghệ nhân tham gia) mang đến món chè táo hạt sen và chè trứng gà cho biết, đây là món ăn thường được dâng lên vua chúa nên dù nấu ở nhà ăn bà cũng giữ được sự cầu kỳ trong cách làm, từ việc canh thời gian luộc, để trứng nguội đến việc dùng đúng loại hồng trà làm nước luộc trứng.
Những nguyên liệu quen thuộc, đơn giản dùng để nấu xôi chè cũng được trưng bày tại lễ hội.
|
Chè thưng – món ăn quen thuộc của người Nam Bộ, được tạo nên từ nhiều loại nguyên liệu như đậu xanh, hạt sen, mộc nhĩ, bột khoai, bột báng, khoai lang
|
Cầu kỳ trong cách chế biến lẫn trang trí.
|
“Công thức thường được truyền miệng nên mùi vị và khẩu vị thay đổi theo thời gian cũng là điều khó tránh khỏi. Với tôi, người thời nay dù nấu ra món chưa đúng vị nhưng họ chịu tìm hiểu về món ăn và biết người xưa ăn uống như thế nào, ẩm thực nước mình đa dạng ra sao là chúng tôi cũng mãn nguyện rồi”, bà Thương chia sẻ.
Cùng mong muốn đó, nghệ nhân Lê Thị Hồng Dung (64 tuổi) cũng mang món xôi chiên chà bông cá và chè bưởi đặc sản Cần Thơ đến công diễn tại lễ hội. Bà Dung cho biết người miền Tây Nam bộ rất quý các loại cây trái, đặc biệt là bưởi nên thường tận dụng chúng một cách tối đa như việc dùng vỏ bưởi để nấu chè hoặc chiết xuất thành tinh dầu. Theo bà, việc đó cũng thể hiện cho sự khéo léo của người phụ nữ Nam bộ trong việc bếp núc gia đình.
Sự kiện chế biến và công diễn 50 món xôi chè cung đình dân gian truyền thống Việt Nam đón nhận kỷ lục Việt Nam
|
Người dân TP.HCM có mặt tại sự kiện cũng được tham quan và thưởng thức miễn phí các loại xôi chè đến từ ba miền của tổ quốc. Ông Nguyễn Huỳnh Trí (52 tuổi, ngụ Q.7) cho biết đây là lần đầu tiên vợ chồng ông đi "ăn Tết sớm" ở Công viên Lê Văn Tám và thực sự “đã mắt, no bụng” với những món xôi chè truyền thống của nước mình.
Chương trình thu hút sự chú ý của người dân đến lễ hội vì cách bày trí món ăn
|
Mỗi món xôi chè đều mang đặc trưng từng vùng miền
|
“Cả nhà tôi rất ưa chè trôi nước cũng như chè sâm bổ lượng, chè hạt sen vì thanh mát và tốt cho cơ thể. Mỗi vùng đều sẽ có món xôi chè đặc trưng riêng của mình, có thể chúng không hợp khẩu vị với tôi nhưng tôi vẫn luôn tự hào vì ẩm thực Việt Nam thực sự đa dạng và vẫn giữ được cách làm truyền thống của ông bà tổ tiên”, ông Trí bày tỏ.
Chương trình là một trong những sự kiện của Lễ hội Tết Việt diễn ra từ 21 - 24.1.2020 tại Công viên Lê Văn Tám (TP.HCM).
Bình luận (0)