Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2025 là kỳ thi đầu tiên thực hiện theo chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Chính vì vậy, để giúp giáo viên cũng như học sinh lớp 9 năm nay có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi diễn ra vào tháng 6.2025, Sở GD-ĐT TP.HCM đã công bố cấu trúc và đề tham khảo.
CÁC KỸ NĂNG CẦN RÈN LUYỆN VỚI ĐỀ MÔN NGỮ VĂN
Từ định hướng bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình GDPT 2018, thạc sĩ Trần Lê Duy, giảng viên khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng giáo viên (GV) cần dạy đúng, đủ, bài bản các đơn vị bài học theo yêu cầu cần đạt của chương trình.
Theo ông Lê Duy, thiết kế chương trình 2018 có tính tiếp nối, năm trước là nền tảng quan trọng cho năm sau nên GV rà soát đường phát triển năng lực với kỹ năng đọc và viết để thấy được mối liên hệ về kiến thức, kỹ năng ở các cấp lớp THCS. Trên cơ sở đó có giải pháp ôn tập, trám lỗ hổng kiến thức cho học sinh (HS) kịp thời.
Cũng theo thầy Duy, công việc cần thiết là GV soạn hệ thống bài tập đọc hiểu, luyện kỹ năng viết để HS ôn luyện.
Với HS, thạc sĩ Trần Lê Duy hướng dẫn giai đoạn đầu nên bám sát các nội dung và hoạt động học tập trong sách giáo khoa để đảm bảo nắm vững cơ bản, có nền tảng tốt. Gần sát kỳ thi, tập trung làm thêm các bài tập, thực hành giải đề, viết bài để canh thời gian làm bài cho hợp lý, có kinh nghiệm xử lý đề và rút kinh nghiệm với những sai sót về kỹ năng.
Thạc sĩ Trần Nguyễn Tuấn Huy, tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THCS Trần Bội Cơ (Q.5), nhận xét cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 môn ngữ văn theo chương trình GDPT 2018 không chỉ tập trung vào kiến thức văn học mà đánh giá toàn diện năng lực ngôn ngữ và tư duy của HS, phản ánh chính xác hơn về khả năng học tập của các em. Điều này phản ánh xu hướng giáo dục hiện đại, chú trọng đến khả năng tự học và ứng dụng kiến thức trong thực tiễn.
Ở phần đọc hiểu, việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa đòi hỏi HS tiếp cận đa dạng nguồn tài liệu và phát triển kỹ năng nhận diện, phân tích, đánh giá.
Ở phần viết, về yêu cầu tạo lập đoạn văn nghị luận văn học, HS cần luyện tập khả năng diễn đạt ý tưởng một cách cô đọng, súc tích. Đồng thời, yêu cầu thể hiện cảm xúc hoặc phân tích nội dung tác phẩm sẽ tạo điều kiện phát huy tư duy và cá tính sáng tạo ở từng HS thông qua những kỹ năng đã được trang bị.
Về yêu cầu tạo lập bài văn nghị luận xã hội, việc đưa ra 2 hướng tiếp cận nghị luận về vấn đề cuộc sống hoặc giải pháp cho một vấn đề cần giải quyết sẽ khuyến khích HS không chỉ biết nêu quan điểm mà còn biết liên tưởng để suy nghĩ, hiến kế về các giải pháp khả thi. Bên cạnh đó, yêu cầu cần đạt khá rõ ràng qua việc đánh giá về trình bày ý kiến cá nhân, biết sử dụng lý lẽ và bằng chứng nên HS cần rèn luyện thêm về kỹ năng lập luận logic và tư duy phản biện.
NÂNG CAO KHẢ NĂNG ĐỌC HIỂU VỚI TOÁN THỰC TẾ
Với đề thi tham khảo môn toán, thầy Trần Tuấn Anh, GV Trường THPT Thủ Đức, cho biết đề giảm một câu toán thực tế so với năm 2024.
Theo thầy Tuấn Anh, những năm trước, đề toán thi lớp 10 của TP.HCM được cho là dài, có phần "nhiều chữ" khiến HS không có nhiều thời gian hiểu đề và tìm phương án giải quyết bài toán, không kịp để trình bày bài giải… Do đó, cấu trúc đề năm nay giảm bớt một câu toán thực tế là hợp lý. Thầy Tuấn Anh cho rằng thí sinh tham gia kỳ thi lớp 10 năm tới của TP.HCM sẽ thuận lợi hơn trong việc giải quyết đề toán.
Để đáp ứng yêu cầu của đề thi, theo thầy Tuấn Anh, HS cần nắm chắc kiến thức cơ bản được GV hướng dẫn ở trường lớp; các kỹ năng tính toán số, biến đổi biểu thức, giải phương trình, bất phương trình, kiến thức cơ bản hình phẳng… Sau đó nâng cao khả năng đọc hiểu trong việc giải các bài toán thực tế, biết chuyển từ ngôn ngữ thường ngày qua ngôn ngữ toán học, từ đó có thể mô hình hóa bài toán, đưa về các bài toán cơ bản như giải phương trình, giải hệ phương trình, tính giá trị biểu thức…
KỸ NĂNG SỬ DỤNG TỪ VỰNG LINH HOẠT TRONG TIẾNG ANH
Với đề thi tham khảo môn tiếng Anh, nhiều GV nhận định cấu trúc và nội dung của đề thi vẫn tương tự những năm trước, chỉ có một số thay đổi nhỏ ở câu 35 và 36. Trước đây, câu 35 và 36 yêu cầu HS sắp xếp các từ gợi ý thành câu hoàn chỉnh, được đánh giá là khá đơn giản và dễ lấy điểm. Tuy nhiên, năm nay câu hỏi đã thay đổi thành yêu cầu HS sử dụng từ vựng được cung cấp trong ngữ cảnh phù hợp để hoàn thành câu.
Cô Trần Thị Vân, GV Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho rằng cấu trúc và yêu cầu đánh giá của đề thi lớp 10 theo chương trình GDPT 2018 đòi hỏi HS không chỉ học thuộc từ vựng mà còn phải biết cách sử dụng từ trong các tình huống và ngữ cảnh khác nhau. Dạng bài tập mới này sẽ giúp HS rèn luyện kỹ năng sử dụng từ vựng linh hoạt hơn thay vì chỉ học thuộc. Điều này sẽ tạo ra những thách thức mới cho HS nhưng cũng giúp nâng cao chất lượng của kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Đề thi tăng tỷ lệ vận dụng lên 40%
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết việc đánh giá tập trung vào các yêu cầu cần đạt của các môn học trong chương trình GDPT 2018 cấp THCS, chủ yếu là lớp 8, lớp 9. Nội dung kiểm tra đánh giá nhằm giúp HS định hướng một số kiến thức, kỹ năng cần thiết khi bước vào bậc THPT.
Trong đó, theo ông Quốc, đề thi môn ngữ văn được xây dựng theo định hướng tích hợp giữa đánh giá năng lực đọc hiểu và năng lực viết, nội dung trong phần viết có liên quan đến văn bản ở phần đọc hiểu.
Môn toán sẽ thể hiện qua các mạch kiến thức: hình học và đo lường; số và đại số; thống kê và xác suất. Yêu cầu của đề thi nhằm đánh giá các năng lực toán học như tư duy và lập luận toán học, giải quyết vấn đề toán học, mô hình hóa toán học.
Ở môn tiếng Anh, đích đến của đề thi tuyển sinh sẽ là đánh giá năng lực ngôn ngữ không chỉ dựa trên kiến thức thuộc lòng ngữ pháp và từ vựng của HS mà yêu cầu phải đánh giá được khả năng hiểu và vận dụng kiến thức ngôn ngữ vào ngữ cảnh phù hợp, đặc biệt là các tình huống thực tế cuộc sống. Vì thế, trong 40 câu hỏi đề thi năm 2025 sẽ có 2 câu hỏi mới về viết cụm từ phù hợp theo thông tin cho sẵn. Câu hỏi này kiểm tra khả năng đọc chú thích trong từ điển để tìm kiếm thông tin ngôn ngữ và vận dụng kiến thức.
Người phụ trách chuyên môn của Sở GD-ĐT cũng nói rõ, tỷ lệ phân bổ mức độ kiến thức trong đề thi theo chương trình 2018 cũng được điều chỉnh, giảm mức độ nhận biết, thông hiểu, tăng tỷ lệ vận dụng. Cụ thể, với những kỳ thi tuyển sinh từ năm 2024 trở về trước, do áp dụng theo chương trình GDPT 2006 nên mức độ nhận biết, thông hiểu sẽ chiếm từ 70 - 75% kiến thức trong đề thi. Từ năm 2025, trong đề thi lớp 10, mức độ nhận biết, thông hiểu sẽ giảm xuống còn 60% và tỷ lệ các câu hỏi yêu cầu vận dụng tăng lên 40%. Việc điều chỉnh này nhằm đánh giá khả năng vận dụng thực tế của HS theo định hướng của chương trình GDPT 2018.
Từ những yêu cầu về đề thi, ông Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh HS phải biết và nâng cao năng lực vận dụng kiến thức đã học giải quyết các vấn đề thực tế; khuyến khích tăng cường việc tự học, sáng tạo, tránh tình trạng học tủ, học vẹt.
Bình luận (0)