Kỷ niệm Cứu quốc quân: Nơi đồng đất xứ người

05/01/2022 09:00 GMT+7

Cứu quốc quân đã lục tục kéo về nước được già nửa. Một thời kỳ hoạt động mới bắt đầu.

Nếu Cứu quốc quân không hiểu tình hình trong nước, ngoài nước, không trao đổi kinh nghiệm với phong trào của các nơi khác, thì khó mà đề ra được những chủ trương thật sáng suốt, kế hoạch thật cụ thể trong công tác.

Tôi nhớ có lần tại Pác Bó, sau khi hỏi tôi về phong trào Bắc Sơn - Võ Nhai và tình hình đế quốc khủng bố như thế nào, Ông cụ có nói đại ý như sau: Muốn củng cố, phát triển được phong trào, mọi hoạt động không thể dừng ở một địa phương. Phải giữ được mối liên lạc thông suốt từ trên xuống dưới. Có làm được như vậy, việc lãnh đạo cách mạng mới quy chung vào một mối, không rời rạc, lung tung, việc sắp xếp cán bộ mới đúng với nơi yếu, nơi mạnh. Việc giao thông liên lạc có tốt, cách mạng mới thắng lợi.

Chúng tôi có về Võ Nhai cũng chưa phải là dễ dàng bắt được liên lạc với Trung ương ở dưới xuôi. Trong lúc đó, ở Cao Bằng hiện đang có một bộ phận của Trung ương, của Tổng bộ Việt Minh, có Ông cụ. Ban lãnh đạo Cứu quốc quân liền quyết định cử đồng chí Hà Khai Lạc và tôi gấp rút lên để báo cáo công tác đã làm được, học tập kinh nghiệm của phong trào Cao Bằng, xin tài liệu, và xin chỉ thị hoạt động mới.

Tôi bàn giao công việc chỉ huy Cứu quốc quân và thường trực Biện sự xứ ở Long Châu cho đồng chí Chu Quốc Hưng. Giấy thông hành đi qua Tĩnh Tây về tới biên giới Cao Bằng đã xoay được. Chuyến đi này nhiều nguy hiểm. Gần đây, đặc vụ Tưởng theo dõi Cứu quốc quân có phần ráo riết hơn, vì chúng cảm thấy ảnh hưởng Cộng sản đã ăn sâu vào một bộ phận nhân dân biên giới. Từ nay đến lúc tất cả Cứu quốc quân về được hết trong nước, có thể bọn Quốc dân đảng sẽ giở trò phá hoại gì đó. Dạo này, năm hết tết đến, đúng vào “tháng củ mật”, nên đường sá đi lại nguy hiểm, giữa ban ngày ban mặt cũng luôn luôn xảy ra chuyện cướp của, giết người. Đến Tĩnh Tây còn phải lo cái nạn Việt Quốc, Việt Cách đang ỷ vào thế Tưởng, bắt cóc, giết hại cán bộ Việt Minh. Qua biên giới, vào đến trong nước, phải dè chừng bọn tay sai mật thám Pháp - Nhật, nhất là chúng tôi không quen thuộc đường sá, dân tình cho lắm... Chúng tôi hẹn nhau nếu qua tết không thấy về thì các đồng chí còn lại ở nhà cứ tự động rút hết về nước hoạt động, đưa phong trào tiến lên.

Thượng tướng Chu Văn Tấn cùng các cán bộ cao cấp Trung ương Đảng tại Việt Bắc

TƯ LIỆU GIA ĐÌNH

Khoảng gần giữa tháng chạp ta (tháng 1 năm 1943), hai người từ Long Châu ra đi. Con đường hun hút, leo đèo, vượt khe giữa bốn bề rừng núi trùng điệp. Mưa phùn giăng giăng, gió rú trong hốc núi. Qua Pảo Hí, Sảng Cắm rồi đến Sẹc Lùng. Dừng lại ở một ngã ba. Trước mặt là hai lối đi: một đường đi tắt ngang qua một vùng đất của Việt Nam nhô ra, tới Tĩnh Tây sẽ gần hơn, nhưng cũng dễ dàng bị tổng, xã đoàn, dõng bắt bớ; một đường trên đất Trung Quốc, phải vòng qua khá xa và cũng không hẳn là an toàn. Suy đi tính lại cuối cùng muốn đỡ lo ngại hơn, chúng tôi đành đi theo con đường vòng Xập Cẩu Cáng (mười chín đèo) và Xám Xập Léng (ba mươi eo), xa hơn khoảng hai mươi cây số đường đèo, dốc.

Sau ba ngày đường ròng rã, chúng tôi đến thị trấn Tĩnh Tây khi trời sẩm tối. Vừa mệt mỏi, vừa đói. Quần áo thì lấm lem bụi đường, phố xá còn bỡ ngỡ, rõ là cái cảnh người từ phương xa tới. Cứ đi lang thang thế này rất không lợi. Nếu chẳng may chúng tôi lại chạm trán với bọn Trần Báo, đàn em của Nguyễn Hải Thần, thì khó thoát khỏi những hành động độc ác của chúng. Giữa nơi đồng đất xứ người, chốn quen thuộc của chúng tôi vừa ít, vừa không chắc chắn. Tôi nghĩ: “Tìm cách hỏi cho được nhà Vi Đức Minh. Hỏi được nhanh, đỡ phải lang thang ngoài phố, không lợi. Vào cũng phải vào cho bí mật. Đồng chí này người Nùng, nguyên có quen anh Hoàng Văn Thụ và cũng đã giúp anh Chu Quốc Hưng một vài việc nhỏ kỳ vừa qua. Nhưng anh ấy lại đang làm việc cho Quốc dân đảng”.

Thấy tôi, Minh mừng, nhưng cũng vừa lo, hỏi:

- Ở đâu về?

Tôi đáp:

- Ở dưới ấy lên đấy!

Nhận thấy vẻ mặt và đôi mắt trông trước trông sau của Vi Đức Minh tôi hỏi luôn :

- Ở đây không tiện. Anh có cách gì không?

Vừa lúc đó chị ấy ở nhà bếp ra. Thấy người lạ, chị bỗng trở nên luống cuống, nét lo lắng hiện rõ trên đôi mắt. Vi Đức Minh góp ý:

- Vào nhà trọ ở Tĩnh Tây.

Chị vợ thấy chồng nói vậy, biết chúng tôi là người thế nào rồi, hỏi lại chồng:

- Nó lục khám giấy thì sao?

Tôi gật đầu nói :

- Tôi có giấy.

Minh bảo vợ:

- Còn cơm không?

- Cơm còn nhưng không còn thức ăn! - Người vợ đáp, áy náy.

Minh liền đi rán cho chúng tôi quả trứng để ăn với cơm nguội. Anh nói :

- Dạo này, bọn Trần Báo, Nguyễn Hải Thần nó lùng sục, bắt bớ anh em mình ghê lắm. Chúng nêu khẩu hiệu là “có Việt Minh không có mình, có mình không có Việt Minh”. Chúng cũng thường lảng vảng đến nhà tôi để dò xét...

Chúng tôi hiểu được hoàn cảnh của anh. Một mình anh ta làm, nuôi vợ. Giấy bạc Trung Quốc không ra gì. Anh cho ăn cơm nguội với trứng rán cũng là quý rồi. Vả lại chúng tôi vào đây cũng chỉ cần để biết tin.

Anh Minh dẫn đến một nhà trọ ở đầu thị trấn. Tiền vé trọ mất đúng hai phần ba số tiền có ở trong túi. Cả đêm không ngủ được, ngay ngáy lo có điều bất trắc xảy ra. (còn tiếp)

(Trích hồi ký Kỷ niệm Cứu quốc quân, NXB Lao động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.