Kỹ sư bỏ việc thành phố về quê trồng cây mọc hoang cho thu nhập cao

Vũ Thơ
Vũ Thơ
25/05/2022 09:15 GMT+7

Từ việc nhận ra giá trị của cây cà gai leo vốn mọc hoang ở nhiều nơi, anh Phạm Văn Chiến (30 tuổi) ở xã Đông An, H.Văn Yên, tỉnh Yên Bái, đã quyết định bỏ việc thành phố về quê khởi nghiệp từ loại cây này.

Trồng cây mọc hoang cho thu nhập cao

Tốt nghiệp kỹ sư Trường đại học Nông lâm Thái Nguyên, anh Phạm Văn Chiến đã đi làm cho một công ty sản xuất dược liệu ở Hà Nội với mức lương cao. Tuy nhiên, thấy quê hương có nhiều tiềm năng trồng các cây dược liệu quý, vốn mọc dại khắp nơi, anh quyết định về quê khởi nghiệp.

Anh Phạm Văn Chiến với mô hình trồng cây cà gai leo trên quê hương

nvcc

“H.Văn Yên là huyện miền núi phía bắc của tỉnh Yên Bái, có điều kiện đất đai, khí hậu tương đối ổn định, nơi đây còn lưu giữ nhiều loại cây dược liệu và bài thuốc cổ truyền quý.

Nhận thấy tiềm năng về khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương rất phù hợp với các loại cây dược liệu, bản thân tôi đã học hỏi, đầu tư kiến thức để lên ý tưởng, triển khai thực hiện xây dựng vùng nguyên liệu trồng cây cà gai leo”, anh Chiến chia sẻ.

Theo anh Chiến, cây cà gai leo mọc hoang khắp nơi từ vùng núi thấp cho đến trung du hay đồng bằng ven biển. Người xưa đã dùng rễ và thân cà gai leo chữa bệnh về gan và giải độc rượu, thanh lọc cơ thể. Loại cây này được nhiều công ty dược chọn làm nguyên liệu chế biến thực phẩm chức năng. Vì vậy, anh đã tìm hiểu, nghiên cứu và trồng thử nghiệm trên diện tích đất 1.000 m2 vào năm 2017 - 2018.

Thấy cây phát triển tốt, có sức hút trên thị trường, nên năm 2019 anh thành lập hợp tác xã (HTX), liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm cho các xã viên và bà con nhân dân, với tổng diện tích 3 ha.

“Với mục tiêu, xây dựng vùng trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế các sản phẩm từ cây cà gai leo theo chuỗi giá trị sản phẩm, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, tôi đã mạnh dạn đứng ra thành lập HTX sản xuất dược liệu Thanh Sơn, chuyên sản xuất và phối hợp cung ứng chế biến được các sản phẩm tốt cho sức khỏe, đạt tiêu chuẩn chất lượng”, anh Chiến kể.

Anh Phạm Văn Chiến (bên trái) cùng các cộng sự ươm trồng cà gai leo

nvcc

Năm 2020, anh tiếp tục phát triển diện tích trồng và thu hoạch ở một số xã lân cận, tổng diện tích 6 ha, đồng thời liên kết chế biến sản phẩm từ cà gai leo như: cao đặc cà gai leo, bột cà gai leo, lá và rễ cà gai leo… Nổi bật là sản phẩm cao đặc cà gai leo đã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2021 do tỉnh Yên Bái cấp chứng nhận. Hiện mô hình của anh trừ chi phí đã có lãi tới 200 - 300 triệu đồng/năm.

Vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường

Từ năm 2021, diện tích vùng trồng cà gai leo của HTX Dược liệu Thanh Sơn đã lên đến 10,5 ha tại 4 xã của H.Văn Yên, mang đến nguồn thu nhập lớn cho người nông dân.

“Trồng cà gai leo, người dân chỉ cần 1 năm đầu trồng, chăm sóc, thu hoạch được 1 năm rưỡi mới phải trồng lại. Mỗi năm 3 vụ, mỗi vụ thu 3,5 tấn cây khô/ha. Với giá bán hiện tại cho HTX là 30.000 đồng/kg, trung bình 1 năm người dân thu được hơn 150 triệu đồng/ha. Hiệu quả kinh tế nhiều gấp 2 - 3 lần trồng ngô, khoai, sắn”, anh Chiến chia sẻ.

Những nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia trồng cà gai leo cho thu nhập cao

nvcc

Đặc biệt, với mô hình trồng cây cà gai leo đã góp phần bảo vệ môi trường, bởi khi trồng loại cây dược liệu này sẽ không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ, vốn được người nông dân sử dụng tràn lan khi trồng hoa màu.

Anh Chiến cũng cho biết, để đảm bào nguồn nguyên liệu sạch, anh đã dùng phân bón hữu cơ từ các loại phân trâu bò và các loại phân được sản xuất hữu cơ. Vì vậy, nguồn đất được bảo vệ và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Bản thân là Bí thư Chi đoàn thôn An Khang, xã Đông An, sau khi nghiên cứu và hiện thực hóa thành công ý tưởng khởi nghiệp từ cây dược liệu, anh Chiến đã tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm về hiệu quả của mô hình cho các đoàn viên, thanh niên khác trong thôn, trong xã để các bạn cùng học hỏi, làm theo và tạo thu nhập ổn định cho thanh niên trong vùng.

Anh Phạm Văn Chiến (bên phải) giới thiệu mô hình và sản phẩm từ cà gai leo cho thanh niên trong vùng

nvcc

“Từ ý tưởng chỉ là bảo tồn và gìn giữ giá trị của một số cây dược liệu trên địa bàn, nay tôi đã xây dựng thành công vùng nguyên liệu rộng 10,5 ha trên địa bàn 4 xã của H.Văn Yên, với sự tham gia liên kết sản xuất của 15 hộ nông dân là đoàn viên, thanh niên, là thành viên hợp tác xã”, anh Chiến cho biết.

Hiện mô hình của anh tạo việc làm trực tiếp cho lao động là thanh niên nông thôn với số lao động thường xuyên từ 8 người, lao động thời vụ khoảng 15 - 20 người và giúp đỡ 20 hộ liên kết sản xuất có việc làm và thu nhập ổn định.

Với đóng góp của mình, năm 2021, anh Chiến đã được tuyên dương là nông dân trẻ xuất sắc nhận giải thưởng Lương Định Của do T.Ư Đoàn trao tặng.

Chia sẻ về mong muốn của mình, anh cho biết, từ kinh nghiệm của bản thân, anh muốn lan tỏa cảm hứng đến các bạn trẻ về việc khởi nghiệp từ những tiềm năng trên quê hương, để góp sức phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.