Chủ nợ bị siết cổ vẫn xin giảm án cho con nợ
Mới đây, ngày 27.5, TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Thị Tú Trinh (34 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) về tội “giết người”. Bị cáo Trinh đã dùng dây dù siết cổ chủ nợ vì không có tiền trả nợ.
Nguồn cơn câu chuyện bắt đầu vào giữa 6.2020, khi Trinh mượn của bà V.T.K.P (bị hại trong vụ án) 45 triệu đồng. Sau đó, Trinh nhiều lần hứa hẹn nhưng rồi không trả tiền cho bà P. Đến khi bà P. dọa sẽ kể lại chuyện này cho gia đình Trinh biết, Trinh đã hẹn ngày 31.12.2020 sẽ trả nợ cho bà.
Bị cáo Phạm Thị Tú Trinh tại toà sơ thẩm |
song mai |
Đến ngày hẹn, bà P. đến nhà Trinh tại P.Long Phước, TP.Thủ Đức để lấy tiền nợ. Không có tiền trả nợ, Trinh nhìn thấy con của mình đang cầm dây dù để chơi, trong lúc túng quẩn, Trinh đã lấy dây dù siết cổ bà P.
Tại toà, Trinh khai hoàn cảnh gia đình khó khăn, bị cáo chỉ học đến lớp 5 thì ở nhà phụ giúp gia đình. Không có nghề nghiệp ổn định, đang nuôi 2 con nhỏ nên Trinh vay tiền của bà P. “Bị cáo không có tiền trả và sợ bà P. nói cho gia đình biết nên đã giết bà P.”, Trinh trình bày.
Theo HĐXX, Bị cáo không thể lấy lý do không có tiền trả nợ mà giết bị hại vì đôi bên có thể thương lượng. Trong vụ án này, việc bị hại chưa chết là nằm ngoài ý thức chủ quan của bị cáo.
Hôm xảy ra vụ án, bà P. đã may mắn sống sót khi được hàng xóm phát hiện sự việc nên đã đến can ngăn kịp thời. Trước khi mở phiên tòa, bà P. đã có đơn bãi nại cho Trinh. Tại tòa, bà P. cũng trình bày xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho Trinh.
Bà P. cho biết, bà là bạn của mẹ chồng của Trinh nên hoàn cảnh Trinh khó khăn. Trước đây, khi Trinh vừa sinh con bà còn đi xin quần áo, gửi tã, sữa cho. Thời gian sau, khi Trinh hỏi vay tiền, bà cũng đồng ý lấy tiền tích góp để cho vay. “Sau khi Trinh bị bắt, gia đình của Trinh đã trả 45 triệu đồng cho tôi. Tôi lên công an nhận lại tiền xong, vẫn gửi lại mấy triệu cho Trinh để lo cho con”, bà P. kể.
HĐXX sau khi nghị án đã tuyên phạt Trinh 12 năm tù về tội “giết người”. Sau khi tòa tuyên án, bà P. vẫn đứng nán lại với gia đình bị cáo. Sau khi sự việc xảy ra, bà P. cũng không thù hận hay trách mắng Trinh.
Xin tòa giảm án cho “người thứ 3”
Tháng 5.2020, TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo T.T.T.Q (32 tuổi, ngụ cà Cà Mau) về tội “giết người”. Nạn nhân là N.H.E, người chồng “hờ” của Q.
Chị Đ., người vợ chính thức của anh E. cũng đến tham dự phiên xét xử với tư cách là đại diện cho phía bị hại. Chị Đ. kể, vào năm 2008, trước khi anh E. lập gia đình, giữa anh E. và Q. đã từng chung sống với nhau như vợ chồng. Sau đó, cả hai chia tay vì Q. mang thai với người khác, còn anh E. kết hôn với chị Đ.
Bị cáo T.T.T.Q tại phiên toà sơ thẩm |
SONG MAI |
Năm 2017, anh E. và Q. nối lại tình cảm và thuê nhà trọ tại Q.7, TP.HCM sống như vợ chồng. Dù chồng dọn ra ngoài ở với “người thứ 3”, chị Đ. vẫn chọn cách ở lại nhà chồng để nuôi dạy con, chăm sóc cha, mẹ chồng. Mỗi lần anh E. về quê thăm con, chị Đ. lựa lời khuyên nhủ nhưng anh E. một mực không nghe.
Tại tòa, Q. khai suốt thời gian chung sống, thường xuyên bị anh E. đánh đập, bạo hành. Đến ngày 12.5.2019, trong một cuộc cãi vã, bị anh E. đánh và dọa giết mình, Q. hoảng sợ nên đã cầm dao đâm chết anh E.
Phía dưới hàng ghế bị hại, chị Đ. cùng mẹ chồng lặng lẽ ngồi nghe tòa phân xử. Khi được HĐXX xét hỏi, chị Đ. không yêu cầu bồi thường vì chồng chị cũng đã mất. Chị Đ. còn xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho Q. “Q. còn một đứa con nhỏ để ở quê cho ông, bà ngoại chăm. Đứa trẻ đó vô tội, nó cũng cần có mẹ.”, chị Đ. trình bày.
Tuyên án, HĐXX nhận định, Q. đã thành khẩn khai báo, tự ra đầu thú và một phần lỗi cũng thuộc về bị hại. HĐXX tuyên phạt Q. 7 năm tù về tội “giết người”.
Tình nghĩa ruột thịt
Một câu chuyện khác, tháng 8.2020, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm bị cáo N.V.Đ (47 tuổi, ngụ H.Cần Giờ, TP.HCM) về tội “giết người”. Bị hại trong vụ án là bà M., chị ruột của bị cáo.
Theo lời bà M. kể, Đ. không lập gia đình, không có công việc ổn định nên hay tụ tập bạn bè, nhậu nhẹt. Sau khi cha, mẹ qua đời, bà M. cùng các anh, chị, em trong nhà bán căn nhà thừa kế để chia tài sản. Đ. được chia 280 triệu đồng, đưa cho bà M. cất 20 triệu đồng và thỏa thuận hằng tháng bà M. sẽ đưa cho Đ. 3 triệu đồng để tiêu xài. Còn lại 260 triệu đồng, Đ. mang đi ăn nhậu, cho bạn bè vay mượn trong vòng 2 tháng hết sạch.
Về phần bà M., sau khi nhận được tiền thừa kế, đã mua căn nhà khác và cho Đ. về căn nhà đó ở. Sau đó, bà M. đi làm xa, mỗi tháng bà M. vẫn gửi thêm cho Đ. 1 triệu đồng.
Bị cáo N.V.Đ tại phiên toà sơ thẩm |
SONG MAI |
Mâu thuẫn bắt nguồn khi Đ. hết tiền và đòi bán căn nhà đang ở. Đến ngày 2.2.2020, tức mùng 9 tết, bà M. về quê ăn tết. Đến sáng hôm sau Đ. nhốt bà M. trong nhà để đòi bán nhà. Khi phát hiện có công an đến, Đ. lấy dầu hỏa tưới khắp nhà rồi châm lửa đốt. Bà M. sợ bị thiêu cháy nên đã lao vào ôm Đ., xảy ra xô xát. Sau đó, Đ. đã cầm dao chém nhiều nhát vào chị ruột.
Tại phiên tòa, Đ. thừa nhận vì muốn bán nhà nên đã châm lửa, chém chị ruột. Không bạo biện cho hành vi của mình, Đ. quay sang bà M., cuối đầu nói lời xin lỗi.
Ngồi phía dưới hàng ghế dự khán, trên đầu, trên tay bà M. vẫn còn hằn vết sẹo do Đ. chém. Bà M. nhìn sang người em trai, không trách mắng, tức giận, trình bày trước HĐXX, bà M. nói đã bỏ qua tất lỗi lầm của Đ. “Dù sao tôi và Đ. là chị em ruột, máu mủ, không ai muốn chứng kiến cảnh như ngày hôm nay. Tôi chỉ mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho Đ.”, bà M. nói.
Tòa tuyên án Đ. 12 năm tù về tội “giết người”. Khi cảnh sát tư pháp chuẩn bị dẫn giải Đ. về trại giam, bà M. chạy lại ôm lấy em trai. Dù bị em trai chém, phải nằm viện cả tuần liền, nhưng sau khi khỏe lại bà M. vẫn đến thăm nuôi, gửi tiền và đồ ăn vào trại giam cho Đ. Mỗi lần thăm nuôi, bà M. chỉ khóc vì xót cho em trai, còn Đ. khóc vì ăn năn, hối hận...
Bình luận (0)