Ký sự Phú Mỹ Hưng - Kỳ 8: Khu đô thị không ngập nước

21/08/2015 06:02 GMT+7

Tình trạng ngập nước vào mùa mưa đang diễn ra ngày càng trầm trọng ở TP.HCM, Hà Nội và nhiều thành phố khác. Nhưng ở Phú Mỹ Hưng trong hiện tại thì không, trong tương lai cũng sẽ không, nếu như quy hoạch không bị phá vỡ và những quy chuẩn về môi trường không bị vi phạm.

Tình trạng ngập nước vào mùa mưa đang diễn ra ngày càng trầm trọng ở TP.HCM, Hà Nội và nhiều thành phố khác. Nhưng ở Phú Mỹ Hưng trong hiện tại thì không, trong tương lai cũng sẽ không, nếu như quy hoạch không bị phá vỡ và những quy chuẩn về môi trường không bị vi phạm.

Tôn trọng các dòng chảy tự nhiên là một trong những nguyên tắc được áp dụng trong quá trình xây dựng khu đô thị Phú Mỹ Hưng - Ảnh: Thanh Toàn
Tôn trọng các dòng chảy tự nhiên là một trong những nguyên tắc được áp dụng trong quá trình
xây dựng khu đô thị Phú Mỹ Hưng - Ảnh: Thanh Toàn
Tình trạng ngập nước trầm trọng của TP.HCM có nhiều nguyên nhân. Tình trạng triều cường và hệ thống cống ngầm có từ thời Pháp thuộc và hệ thống thoát nước vốn chỉ dành cho một thành phố có dân cư ít hơn hàng chục lần dân cư hiện tại nhưng liên tục bị xuống cấp, được nhiều người coi là nguyên nhân chính.
Mấy chục năm qua, tình trạng bê tông hóa bề mặt của thành phố diễn ra ngày càng trầm trọng do “hiện đại hóa” và phát triển tràn lan không tuân thủ các chuẩn mực về đô thị, tình trạng này khiến cho nước mưa không còn chỗ rút tự nhiên xuống đất. Một thống kê cho thấy, chỉ trong vòng 17 năm, từ 1989 đến 2006, diện tích bê tông hóa bề mặt thành phố đã tăng từ 6.000 ha lên 24.500 ha (*) và từ đó đến nay gần 10 năm, bề mặt bị bê tông hóa chắc chắn còn tăng nhiều hơn nữa.
Ở các đô thị hiện đại trên thế giới, người ta hết sức chú ý vấn đề nước mưa. Anh Nguyễn Minh Đồng, bạn tôi, một chuyên gia về môi trường sống và làm việc ở CHLB Đức bảo rằng người Đức “quản lý” nước mưa chặt chẽ đến mức: Ngay trong lối đi dành cho ô tô vào ga ra trong sân vườn nhà, nếu bạn chỉ đổ bê tông riêng cho phần bánh xe đi qua thôi thì bạn sẽ được hưởng một mức thuế thấp hơn là đổ bê tông cho cả lối đi của ô tô. Và nếu nhà của bạn có làm một bể chứa nước mưa để dùng cho vệ sinh, rửa ráy, bạn không những tiết kiệm được nước máy mà còn được trả tiền mua nước máy rẻ hơn so với những gia đình không có bể chứa nước mưa.
Các nhà quy hoạch khu đô thị Nam Sài Gòn tính toán chặt chẽ sao cho bản thân nó không bị ngập nước và không gây ảnh hưởng cho việc thoát nước chung của thành phố.
Ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, vỉa hè được lát bằng gạch có khe hở để nước mưa dễ dàng tiêu thoát - Ảnh: Thanh Toàn
Ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, vỉa hè được lát bằng gạch có khe hở để nước mưa dễ dàng tiêu thoát
- Ảnh: Thanh Toàn
Toàn bộ mặt bằng xây dựng đều nằm ở vị trí cao 1,5 m trên mức triều cường cao nhất, độ cao này còn tính đến mực nước biển dâng trong tương lai. Hệ thống sông hồ, kênh rạch được bảo tồn vừa để giữ cảnh quan tự nhiên vừa tránh việc cản trở các dòng chảy. Các nhà quy hoạch còn đề phòng những biến động trong tương lai xa khi dành những diện tích đất công cộng rộng lớn dọc hai bên bờ sông để có thể gia tăng bảo vệ nếu xảy ra tình trạng ngập lụt. Kiến trúc sư John Lund Kriken, người chủ trì đồ án Nam Sài Gòn, còn lưu ý rằng trong đồ án này “những người thiết kế để tất cả bề mặt không phải là mặt đường đều có khả năng thấm nước” (**).
Và trong thực tế, việc xây dựng khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc này. Trao đổi với chúng tôi, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng Nguyễn Bửu Hội nói: “Trong khu đô thị, ngoài việc thực hiện cao trình theo quy hoạch, cao trình này đã tính toán đến triều cường ở mức cao nhất và sự biến đổi khí hậu trong tương lai, việc bê tông hóa mặt bằng được giảm thiểu ở mức thấp nhất. Toàn bộ hệ thống vỉa hè đều được lát bằng gạch kết nối có khe hở để thoát nước”.
Có ý kiến cho rằng, Nhà Bè là vùng trũng, khi Phú Mỹ Hưng “nhô cao lên” làm cản trở quá trình thoát nước của thành phố. Là người gắn bó với việc hình thành của Nam Sài Gòn và Phú Mỹ Hưng, từ lâu ông Phan Chánh Dưỡng cho rằng đó là ý kiến “ngụy biện”. Cả khu Nam Sài Gòn được quy hoạch chỉ có 2.600 ha, chưa bằng 1/10 diện tích Nhà Bè, còn Phú Mỹ Hưng chỉ vỏn vẹn 600 ha, chưa bằng 2% diện tích Nhà Bè, nhưng thực tế đến nay mới chỉ xây dựng cơ sở hạ tầng để đưa vào sử dụng khu A (299 ha), làm sao có thể ảnh hưởng tới việc thoát nước của thành phố được.
Ông Nguyễn Bửu Hội khẳng định: “Hãy nhìn vào bản đồ Nam Sài Gòn, bạn sẽ thấy Phú Mỹ Hưng không hề ngăn chặn bất cứ con kênh, bất cứ dòng chảy nào. Cho nên, sự hình thành và phát triển của khu đô thị Phú Mỹ Hưng hoàn toàn không gây ảnh hưởng gì đến vấn đề thoát nước của thành phố.
Đường Nguyễn Văn Linh dài gần 18 km mà đã có tới hàng chục cây cầu, cống lớn nhỏ và toàn bộ mặt đường đều kết nối thông suốt với hệ thống thoát nước”. Và nếu để ý quan sát, hằng ngày bạn sẽ thấy các đội vệ sinh của khu đô thị thường xuyên dọn dẹp, khai thông, không để rác rưởi, đất đá làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước dọc theo tuyến đường.
Tất nhiên, vẫn còn một số đoạn đường bị ngập nước khi mưa lớn đột biến, nhưng nước cũng rút đi nhanh chóng. Hệ thống đường sá ở Phú Mỹ Hưng được xây dựng trên nền đất yếu nên cần được hoàn thiện, bảo dưỡng và gia cố thêm một số năm nữa, điều này cũng đã được các nhà quy hoạch tính đến và đây cũng là công việc thường xuyên mà Phú Mỹ Hưng đã và đang làm.
Các nhà quy hoạch đồ án Nam Sài Gòn đã lưu ý các nhà quản lý không nên đô thị hóa quá giới hạn được đề xuất trong quy hoạch của khu Nam Sài Gòn để giữ diện tích đất nông nghiệp và đất tự nhiên nhằm bảo đảm sự hài hòa của môi trường
Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng đã làm tốt nhất những gì mà mình có thể trong bản quy hoạch chung. Nếu như phần còn lại của bản quy hoạch Nam Sài Gòn được tuân thủ thì không những hệ thống hạ tầng của cả khu vực được kết nối thống nhất, tạo nên sự cộng hưởng về lợi ích giữa các nhà đầu tư, cộng đồng dân cư, góp phần thúc đẩy nhanh hơn sự phát triển kinh tế và xã hội, mà còn tạo ra một vẻ đẹp hoành tráng, hài hòa giữa con người và thiên nhiên của một thành phố mở rộng trong tương lai. (Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.