“Thủ Đức chợ nhóm rất đông
Hai bên phố xá chính trung nhà làng
….Thuở xưa ông Tạ Dương Minh
Lập chợ Thủ Đức tại Linh Chiểu này”
Chợ Thủ Đức được sách Đại Nam nhất thống chí ghi chép với tên gọi là chợ Linh Chiểu Đông, ở thôn Linh Chiểu Đông, bên cạnh huyện lỵ Nghĩa An, tục gọi là chợ Thủ Đức, phố xá thành hàng, thành dãy, là một chợ lớn trong huyện.
Theo tư liệu nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển, chợ Thủ Đức ngày nay vốn là một ngôi chợ nhỏ được xây dựng từ thế kỷ 17. Trong suốt thời gian gần 400 năm qua, chợ được mở rộng và tu bổ nhiều lần. Chợ Thủ Đức gắn liền với ông Tạ Dương Minh (có tên hiệu là Thủ Đức), là người thiết kế và tổ chức xây dựng chợ.
Khi mới xây dựng, toàn bộ ngôi chợ đều bằng gỗ với diện tích hơn 200 m2. Sau đó chợ được tu bổ và mở rộng dần. Đầu tiên, vào năm 1882, chợ bị cháy và được xây dựng lại bằng gỗ, lợp ngói. Năm 1906, ngôi chợ được mở rộng hơn và xây lại theo kết cấu nhà lồng, vật liệu bằng sắt thép, tường bằng gạch và mái ngói. Khoảng năm 1940, một nhà lồng được xây dựng thêm ở đầu chợ với kết cấu tương tự công trình đã có trước đó. Từ khi hình thành đến nay, chợ Thủ Đức là nơi buôn bán của các hộ dân trong khu vực.
Hiện nay chợ Thủ Đức gồm bốn khối nhà lồng nằm trên một trục hướng đông bắc với bề ngang khoảng 20 m, chiều dài khoảng 300 m. Giữa các khối nhà lồng này là các nhà tạm được xây dựng sau này để che nắng che mưa cho các sạp hàng.
Nổi bật nhất trong kiến trúc ngôi chợ là hệ thống tường ở hai đầu. Mặt hướng đông bắc bao gồm một cửa chính và hai cửa hai bên, tất cả đều có hình chữ nhật cửa kéo với các đường chỉ trang trí hình vòm. Toàn bộ mặt tiền có hình tháp chóp bằng, phía trên có gắn hình hoa sen, trên cùng là tên “Chợ Thủ Đức”. Trên tường hướng tây - nam trang trí khá đơn giản với ba cửa hình chữ nhật và một lỗ thông gió ở chính giữa.
Lối đi chính được mở ở chính giữa chợ, các sạp hàng được bố trí hai bên. Ngoài ra còn có hai dãy sạp hàng hướng ra đường chạy vòng quanh chợ.
|
Công lao người sáng lập
Theo các tư liệu ghi chép, địa danh Thủ Đức là tên hiệu của tiền hiền Tạ Dương Minh - người sáng lập ra chợ Thủ Đức. Hiện tại, ngoài phế tích ngôi miếu thờ ông ở cạnh chợ Thủ Đức ngày nay, còn có di tích mộ của ông đã được UBND TP.HCM xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố. Mộ tiền hiền Tạ Dương Minh được hương chức thôn Linh Chiểu Đông lập vào ngày tốt tháng 2 năm Canh Dần (1890) để ghi nhận công lao khai khẩn vùng đất và lập chợ của ông.
Tiền hiền Tạ Dương Minh có tên húy là Huy, tên hiệu là Thủ Đức (không rõ năm sinh và năm mất), là một trong những người thuộc nhóm “phản Thanh phục Minh” từ Trung Quốc sang nước ta, được chúa Nguyễn cho phép định cư tại vùng Linh Chiểu Đông.
Trong những năm 1667 - 1725, tại vùng Linh Chiểu Đông, tiền hiền Tạ Dương Minh và nhóm người Hoa cùng cư dân Việt sống tập trung, hợp sức khẩn hoang, trồng trọt, chăn nuôi và chống chọi với bệnh tật, thú dữ; đồng thời lập chợ để điều tiết nhu cầu mua bán, giao thương của thị trường, phù hợp với vùng đất mới đang đà phát triển. Ngôi chợ được mang tên hiệu của ông là Thủ Đức. Tên hiệu của ông cũng được dùng để gọi tên vùng đất Thủ Đức này qua các thời kỳ cho đến nay.
Mộ tiền hiền Tạ Dương Minh là di tích có kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu về loại hình mộ cổ thời kỳ những năm cuối thế kỷ 19. Mộ có diện tích xây dựng 108 m2, có 2 vòng tường bao quanh, 1 bình phong tiền, 2 bình phong hậu, 2 cửa phía ngoài, 2 cửa phía trong và nấm mộ ở giữa hình “ngưu miên” (trâu ngủ). Tất cả kiến trúc của ngôi mộ được xây dựng bằng vật liệu đá ong và gạch, bên ngoài trát lớp hợp chất cổ (ô dước); tấm bia mộ bằng đá xanh khắc 37 chữ Hán ghi rõ họ tên, tên hiệu, ngày mất và thời gian lập mộ, ghi rõ ông được tôn là tiền hiền của thôn Linh Chiểu Đông.
Mộ tiền hiền Tạ Dương Minh được người dân, tiểu thương địa phương thường xuyên đến viếng, thắp hương, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của nhân dân Thủ Đức và vùng phụ cận.
(còn tiếp)
Bình luận (0)