Kỳ tích của Mười

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
21/06/2021 10:02 GMT+7

Câu chuyện của Trương Thị Mười là một 'bài giảng' đối với các học sinh vùng cao. Chỉ cần có nghị lực, có quyết tâm thì kỳ tích sẽ đến...

Là con thứ 10 trong gia đình đông anh em, trải qua bao biến cố của cuộc đời, có lúc tưởng chết khi mắc hội chứng Budd-Chiari (căn bệnh hiếm với tỷ lệ khoảng 2,4 ca/triệu người), Trương Thị Mười không ngờ có ngày lại nhận được niềm hạnh phúc “tròn trịa” như chính cái tên của mình...

Chết đi sống lại

Những ngày cuối năm 2017, qua giới thiệu của ông Nguyễn Đức Dũng (nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị), tôi biết về Trương Thị Mười. Khi ấy, Mười 21 tuổi, đang là sinh viên năm 2 ngành giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Huế.
Dạo đó, ngôi nhà nơi gia đình Mười đang trú ngụ ở thôn Tân Trà (xã Ba Lòng, H.Đakrông, Quảng Trị) dường như thiếu vắng tiếng cười đã lâu. Mười ngồi đó, nhỏ thó trên chiếc giường xếp, mắt nhìn ra ngoài sân nghĩ về chuyện học ngổn ngang, gia đình nợ nần túng bấn…
Mười có tới 11 anh chị em và chuyện em đỗ đại học sư phạm vừa là mơ ước của bản thân vừa là niềm tự hào của gia tộc. Năm học đầu tiên, mọi việc suôn sẻ khi Mười có kết quả học tập loại giỏi. Nhưng khi bước vào học kỳ 2 của năm thứ 2 thì xảy ra chuyện. “Tự nhiên bụng em trướng to, chân phù, nôn mửa, chóng mặt rồi ngất xỉu ngay trên giảng đường. Các bác sĩ xác định em mắc một loại bệnh hiểm nghèo, hội chứng Budd-Chiari, tắc tĩnh mạch trên gan”, Mười kể.
Xót xa cảnh con gái giỏi giang nhưng sớm lâm cảnh bệnh tật, cha mẹ của Mười bán hết heo gà, vay mượn tứ tung để chạy chữa. Mà hoàn cảnh của họ cũng bi đát: tuổi đời ngót nghét 70, công việc chính là đi thu lượm ve chai. Sau khi mổ lần 1 tại TP.Huế chưa có kết quả, tháng 7.2017 biết Bệnh viện Nhân dân Gia Định từng cứu một ca tương tự, bệnh viện đã đưa Mười vào TP.HCM, cậy đến cả bác sĩ Nhật Bản để thực hiện ca mổ. “Các bác sĩ đặt các stent trong gan nhưng chỉ sau ca mổ 2 tháng thì các stent này lại tắc, làm máu đông lại. Dạo đó, tình hình bệnh trạng của cháu có đỡ hơn nhưng vẫn đang rất nguy hiểm. Có thể tử vong bất cứ lúc nào”, ông Trương Công Khánh (69 tuổi, cha Mười) nhớ lại.
Trong khi đó, bà Lê Thị Chiến (68 tuổi, mẹ Mười) run rẩy bấm đốt ngón tay nhẩm tính món nợ khổng lồ vào thời điểm đó: “300 triệu đồng. Đó là một món tiền khủng khiếp so với thu nhập từ việc đi nhặt ve chai của vợ chồng tôi”.
Mười xin bảo lưu kết quả học tập và luôn bùng cháy khát vọng được tiếp tục đến giảng đường cùng bè bạn. Ngày đó, ước mơ ấy tưởng như thật xa vì ngay đến tính mạng của em cũng đang lay lắt, chẳng ai dám nói trước điều gì…

Tấm bằng đỏ, lá thư cảm ơn

Tưởng như việc học đứt gánh. Nhưng nhờ sự quan tâm của cộng đồng, của Báo Thanh Niên, của các y bác sĩ và của cả sự… may mắn, cô sinh viên năm 2 ngành sư phạm từng mắc bạo bệnh đã được trở lại giảng đường.
Còn nhớ, ngày 7.2.2018, PV Báo Thanh Niên tại Quảng Trị nhận được bức thư tay của Mười (nhân vật trong bài viết Nữ sinh viên với căn bệnh ngặt nghèo trên Thanh Niên ngày 19.12.2017) báo tin vui: Em đã trở lại giảng đường trường ĐH Sư phạm Huế mấy ngày nay.
Mười (đứng giữa) và bố mẹ cùng PV Thanh Niên (ngoài cùng bên trái), ông Nguyễn Đức Dũng (thứ 2 từ phải qua) dịp vừa tốt nghiệp đại học cuối năm 2020 ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Mười (đứng giữa) và bố mẹ cùng PV Thanh Niên (ngoài cùng bên trái), ông Nguyễn Đức Dũng (thứ 2 từ phải qua) dịp vừa tốt nghiệp đại học cuối năm 2020

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Trong thư viết nắn nót trên trang giấy kẻ ô ly, Mười nhắc lại những ngày đầu năm 2018, sau khi được bạn đọc Báo Thanh Niên hỗ trợ tổng cộng hơn 40 triệu đồng, gia đình đã có kinh phí đưa Mười vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) để được các bác sĩ Nhật Bản trực tiếp thăm khám. “Kết quả, các bác sĩ bảo bệnh trạng của em có thuyên giảm, chưa cần phải phẫu thuật lần thứ 4 mà chỉ cần điều trị bằng thuốc, dù có thể phải điều trị cả đời. Nhưng điều hạnh phúc nhất là các bác sĩ bảo rằng em đã cơ bản đủ sức khỏe được trở lại giảng đường đại học, thực hiện giấc mơ đang dở dang”, Mười viết.
Mới 3 năm trước, em chỉ ước mơ rằng mình... được sống. Thì nay khác rồi, em đã là cô giáo…
Trương Thị Mười, nhân vật trong bài viết của Báo Thanh Niên
Trong thư, Mười cũng không quên gửi lời cảm ơn đến Báo Thanh Niên, đến bạn đọc và cá nhân ông Nguyễn Đức Dũng, nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị. Chính ông Dũng đã phản ánh, đứng ra kêu gọi giúp đỡ cho Mười giữa thời điểm ngặt nghèo.
Nhận thư, PV Thanh Niên đã liên lạc và biết tin em đã bắt đầu dần ổn định cuộc sống tại nhà trọ, sống tiếp đời… sinh viên, dẫu thuốc thang vẫn triền miên. Nhưng tất cả có vẻ ổn! Bẵng đi một thời gian rất lâu, người viết không còn liên lạc thường xuyên với cô sinh viên bé nhỏ gặp bạo bệnh nữa, thì một ngày giữa năm 2020, Mười lại chủ động gửi một tấm ảnh qua Zalo. Đó là tấm bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi của Đại học Huế. Chưa hết, dăm ngày sau, Mười cùng bố mẹ già bất ngờ tìm đến nhà người viết và có cả ông Dũng, tay xách nách mang con gà tơ và dăm loại trái cây trong vườn nhà, nói để “hậu tạ ân nhân”. Thương, chúng tôi cũng không nỡ lòng chối từ...
Và giờ đây, sau 2 năm, khi gặp lại Mười, thấy vóc dáng em vẫn như dạo nọ nhưng gương mặt rạng rỡ, tươi tắn đầy sức sống.

Thỏa ước nguyện

Ở miền núi, tấm bằng đỏ của Mười không đồng nghĩa với một cơ hội việc làm rõ ràng. Bởi có rất nhiều người khác cống hiến nhiều năm cho miền núi, kinh nghiệm dạy dỗ nhiều hơn cô sinh viên mới ra trường và vẫn còn mơ ước có một suất biên chế vào ngành giáo dục vùng cao.
Không đợi cô gái mở lời, một lần nữa, ông Nguyễn Đức Dũng và người viết lại “ra tay” với tâm niệm “đã giúp người ta thì giúp cho trót”. Ban đầu, 3 người chúng tôi “gõ cửa” UBND H.Hướng Hóa và nghe thông tin huyện miền núi này đang có mấy suất giáo viên, nhưng sớm rút lại vì thấy điều kiện quá xa, trong khi Mười sức khỏe cũng không tốt. Cuối cùng, chúng tôi mang câu chuyện chia sẻ với lãnh đạo UBND H.Đakrông và được ông Thái Ngọc Châu, Chủ tịch UBND huyện, hứa sẽ tạo điều kiện hết sức. Riêng Mười vẫn phải thi như bao người để đảm bảo công bằng chung.
Sau mấy tháng ôn luyện, khoảng tháng 3.2021, Mười nhắn tin báo đã có điểm thi cao thứ  2 trong số 15 bạn được H.Đakrông tuyển dụng vào ngành giáo dục năm học này. Một tháng sau nữa, Mười lại nhắn tin báo: “Ngày 1.4, em sẽ nhận công tác tại Trường tiểu học Tà Rụt, H.Đakrông”.
Dòng tin nhắn ngắn gọn ấy nhưng thực ra là mơ ước một đời của cô sinh viên mới ra trường, lại chỉ vừa vượt qua bệnh tật. “Mới 3 năm trước, em chỉ ước mơ rằng mình... được sống. Thì nay khác rồi, em đã là cô giáo, được đứng trên bục giảng, dạy các em nhỏ vùng cao này”, Mười thỏ thẻ.
Tôi nói với Trương Thị Mười rằng, câu chuyện của em đã là một “bài giảng” đối với các học sinh vùng cao. Chỉ cần có nghị lực, có quyết tâm thì kỳ tích sẽ đến...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.