Ký ức chiến tranh

Tôi vừa đọc bài của anh Trần Hữu Ngư - 2 bài cho một kỷ niệm.

Sáng thứ 3 chúng tôi vừa gặp nhau, anh bảo tuần trước không ghé uống trà được vì đau chân. Cái chân không động đậy được. Đi khám, bác sĩ bảo cái chân đau chỉ là quả, nhân ở cột sống: thoát vị đốt sống nào đó. Anh bảo quên rồi.
Rồi anh đi. Chút sau quay lại bảo: không cưỡng được tuổi già. Năm nay mình ngoài bảy mươi rồi. Tôi đùa, mấy năm nay năm nào cũng ngoài bảy mươi, nói cho nó vuông đi: gần 80 rồi. Anh bảo, bảy mươi vẫn chạy tốt. Với tôi anh Ngư không chỉ chạy tốt, mà là chạy quá tốt. Cứ xem 2 bài trong mấy hôm thì biết ông già hừng đông hay ông già maraton!
Anh hỏi tôi hồi giải phóng tôi bao nhiêu tuổi, tôi thưa với anh: năm 75 tôi gần tròn 18.
Ngày 30.4, năm ấy chúng tôi đang lao động tại Sông Đáy. Sinh viên năm nào cũng đi làm vào cuối năm học, khoảng 1-2 tuần. Hôm đó chúng tôi xong công việc gia cố đê nên được về sớm. Định về quê nên tôi đã vác cả balo đựng quần áo trên vai.
Khoảng 11 giờ xe về tới Giáp Bát. Chúng tôi đã thấy xe gần như không thể di chuyển. Cả Hà Nội đổ ra đường trong niềm vui chiến thắng. Tôi bị đẩy đi giữa dòng người, qua phố Huế, đến trạm xe điện bờ hồ thì đã 17 giờ, hết xe buýt về quê. Tôi lên xe điện về Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, về đến ký túc xá đã là 23 giờ. Chiến thắng - xum họp - lúc đó, nhiều người như chúng tôi đều nghĩ vậy.
Chúng tôi nghĩ đến xum họp gia đình, sẽ là những giọt nước mắt vui mừng của các gia đình có con em đi bộ đội. Cả những giọt nước mắt của những người mẹ mất con, người vợ mất chồng, em mất anh... những mất mát chui vào từng gia đình bên cạnh niềm vui thắng lợi, niềm vui đoàn tụ.
Tôi có một người anh con bác ruột đi bộ đội, một người anh con bác họ (cùng học với tôi hồi lớp 7 nhưng anh lớn hơn tôi 2-3 tuổi), một người chú chồng cô ruột và một người cậu ruột (em trai mẹ tôi). 3 người đã có giấy báo tử, cậu tôi thì sau 30-4 chẳng thấy thư từ gì. Mọi gia đình đều mong tin con em trong thấp thỏm. Nhà mẹ tôi toàn con gái, cậu tôi thứ 5 là con trai duy nhất trong gia đình 6 chị em.
Ông bà ngoại tôi mất sớm. Nhà do dì Bốn trông. Chúng tôi hay qua nhà ngoại cả sau khi ông bà mất. Tôi rất thích cảnh anh em chúng tôi tụ tập bên ngoại ngày Mồng một tết. Thường là chiều Mồng một. Có lẽ các chị em mẹ tôi biết cảnh buồn như thế nào khi không có ai hương khói cho ông bà ngoại mặc dù dì Bốn làm chu đáo việc này. Nhưng cái cách nghĩ con trai phải hương khói, thờ tự làm cho không khí gia đình những ngày giỗ tết trở nên buồn bã. Bọn trẻ chúng tôi chỉ buồn trong chốc lát. Lúc sau cả lũ ra vườn leo cây hái quả (vườn nhà ngoại tôi rộng vì là địa chủ).
Từ khi đi bội đội, cậu tôi không có lấy một lá thư về nhà. Tôi còn nhớ trên đầu hồi nhà tôi năm ấy, anh Đắc (con bác họ tôi), khi trát xong cái tường đầu hồi, đã vẽ một bức tranh đồng quê với đống rơm, cây tre và mái nhà với câu thơ lục bát: "Trâu ơi ta bảo trâu này, Trâu ăn no cỏ trâu cày cho ta", anh viết "cho ta" chứ không "với ta" để trêu chọc cậu tôi (vùng quê tôi không phân biệt phụ âm Tr với Ch). Bức vẽ ấy còn đến khi cậu tôi về. Không hiểu sao, mỗi lần ra đầu hồi tôi lại nghĩ đến cậu và tin cậu trở về. Có lẽ đó là niềm tin có được từ khi biết cậu: cậu mang tôi ra ruộng đào chuột khi tôi mới hơn một tuổi, cậu cõng tôi đuổi bắt chuồn chuồn khi trời sắp mưa quanh sân bị bà ngoại chửi cho một trận gần chết. Rồi cái chuyện nói "láo" nữa: cậu tôi nói với một người chị trong họ là em chị bị té lòi cả hai mắt cá ra làm cả nhà chị chạy đến hụt hơi ra tận cống Cầu Vòi thì thấy cậu em không sao cả. Ông cụ vác dao hỏi thằng Châu đâu rồi sao mày lừa tao. Cậu vừa chạy vừa bảo: thì cháu bảo nó lói 2 mắt cá chân ra có đúng không! Ông cụ dừng lại thở hổn hển và lẩm bẩm thì ra nó nói thật mắt cá chân nào không lồi ra.
Những ngày sau 30.4 tôi chỉ nghe tiếng khóc mỗi khi các bác, các dì gặp mặt. Bà dì Ba có vẻ gan nhất cũng thốt ra câu "chắc xanh cỏ đâu rồi" - bà bác Tấn chị cả chửi ầm lên "chúng mày mong cậu chết à!?" rồi 5 chị em ôm nhau khóc.
Nhà ông bà ngoại tôi do dì Bốn (tôi không biết tên thật của dì) và chồng dì trông nom. Rồi một hôm từ đầu làng trẻ chạy rần rần vào nhà ông bà ngoại tôi kêu toáng kên: Ông Châu về rồi! Ông Châu về rồi! Chỉ vài tiếng đồng hồ sau, các bác, các dì và lũ lau nhau chúng tôi có mặt. Cậu cho quà cả nhà, tôi được cậu cho cái áo màu trắng có dệt chìm những bông hoa. Tôi cũng không nhớ các anh chị và các em tôi - cháu gọi cậu bằng cậu bằng bác được cậu tặng những gì nhưng với tôi quà tặng của cậu cho tất cả dòng họ Đinh là cậu đã mang được mình về. Giáp nhà ngoại tôi là nhà bà Tổng. Tiếng khóc như xé gan xé ruột từ khi cụ Tổng thấy cậu tôi về. Tiếng bà cụ Tổng, tiếng bà trẻ Mai (chị ruột ông chú Chấn) rên rỉ khóc nghe mà não ruột. Chú Chấn là bậc trên, tôi phải gọi là ông chú mới đúng. Xã đã làm báo tử cho chú từ vài năm trước. Gia đình bà Tổng - chú là con trai duy nhất. Cụ Tổng có 2 bà, chỉ mình chú là trai. Gia đình cũng độc đinh!
Chiến tranh là thế! Và cái kết của chiến tranh không bao giờ chỉ là niềm vui chấm dứt!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.