Bỏ 1 tỉ đồng sưu tầm hàng ngàn hiện vật chiến tranh

30/01/2017 12:51 GMT+7

Ông Đào Văn Hà, 57 tuổi, trú ở phố Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã bỏ công sức và hơn 1 tỉ đồng sưu tầm hàng ngàn hiện vật chiến tranh từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Ngoài căn nhà nhỏ ở phố Nguyễn Khánh Toàn, ông Đào Văn Hà còn có nhà riêng ở thôn Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội (quê gốc của ông) rộng gần 1.500 mét vuông. Nơi đây ông Hà lắp đặt xưởng may do mình làm chủ, chuyên may bảo hộ lao động, đồng thời trưng bày hàng ngàn hiện vật chiến tranh và các đồ xưa cũ.
Khuôn viên ngôi nhà được bao quanh bởi vườn bưởi, gấc. Có tổng cộng 3 căn nhà nhỏ quây quần trong khuôn viên đất đai rộng lớn này, một căn nhà là nơi thờ phụng tổ tiên, trưng bày các hòn đá quý; một căn chuyên để chứa các khung nhà cổ, đồ gỗ (ông Hà đi khắp cả nước, những nơi dỡ bỏ các căn nhà bằng gỗ quý, ông mua hết cả khung rồi chở ô tô về đây); căn nhà còn lại là nơi cất giữ hiện vật thời chiến tranh.
Ông Đào Văn Hà và những hiện vật thời chiến trong ngôi nhà của mình Phạm Dự
3.000 bi đông, ăng gô
“Có 3.000 bi đông, ăng gô (vật dụng đựng nước, đồ ăn thời chiến tranh - NV) tất cả ở đây. Chỗ này tôi chỉ bày 1.500 chiếc thôi, 1.500 chiếc vẫn còn đóng thùng, nguyên đai nguyên kiện như lúc mới mua thanh lý từ bên Lào về. Riêng tiền bi đông, ăng gô, tôi mua trên 100 triệu đồng”, ông Đào Văn Hà khoe và trỏ lên những chiếc bi đông nằm trên sàn nhà.
“Chúng đều là hàng thật từ thời chiến tranh đấy, tôi kiểm tra kỹ lưỡng rồi mới mua”, ông Hà nói thêm. Con mắt nhà nghề cho ông Hà sự tinh tế khó ai "lòe" được. Ông Hà là thượng tá công an nghỉ hưu, từng là giảng viên Học viện An ninh, từng công tác tại Công an thành phố Hà Nội cho đến ngày về hưu.
Vỏ lựu đạn được ông Đào Văn Hà sưu tầm Phạm Dự
Một chiếc mũ sắt của lính Pháp Phạm Dự
Bên cạnh nơi để bi đông là các hòm đạn, vỏ đạn, vỏ bom, mũ sắt, bánh máy bay, đồ lặn của lính Mỹ, tăng, dù, mũ cối, xác ngư lôi, điện thoại dã chiến, vỏ lựu đạn, vỏ đạn 12 ly 7, bát ăn cơm, túi đựng súng… được sắp xếp thành từng hàng.
Ông Đào Văn Hà chỉ 2 vỏ quả bom dưới chân, kể: “2 vỏ quả bom ở đây là bom dùng trong kháng chiến chống Pháp, tôi lên Phú Thọ mua về. 2 mũ sắt này của quân lính Pháp, bây giờ rất hiếm, tôi phải mua một mũ giá 100.000 đồng, mũ kia 600.000 đồng. Bộ đồ lặn của lính thủy Mỹ kia tôi mua giá 5 triệu đồng từ một người dân. Đôi giày cao cổ của lính Mỹ này bây giờ da của nó vẫn “xịn”, tôi bỏ 500.000 đồng để mang nó về”.
Ông Đào Văn Hà đi khắp cả nước, sang cả Lào, Campuchia sưu tầm hiện vật chiến tranh. Nhiều đồ được cho, nhưng nhiều đồ mất rất nhiều tiền để mua lại. Nhiều người biết ông thích sưu tầm, họ lại mang di vật của mình đến tặng, gửi ông Hà.
Trong số hàng ngàn hiện vật đang trưng bày ở nhà ông Đào Văn Hà, có những hiện vật ông biết rõ chủ nhân của nó. Ví dụ một chiếc thắt lưng của liệt sĩ Đào Văn Nghếch (còn tên khác là Khoa), hi sinh ở khu vực đèo Hải Vân năm 1973. Một chiếc mũ cối của liệt sĩ Nguyễn Văn Cường, quê ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, hi sinh năm 1968. Đồng đội của ông Nghếch, ông Cường đã giao những hiện vật này cho ông Hà, nhờ giữ hộ.

tin liên quan

Trao lại kỷ vật chiến tranh cho cựu binh Mỹ sau gần nửa thế kỷ
Ngày 26.3, tại nhà riêng đại tá Trần Văn Thà (88 tuổi, ở 62 Phù Đổng, TP.Nha Trang), trước sự chứng kiến của lãnh đạo Hội Cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa, ông Thà đã trao lại một kỷ vật trong chiến tranh cách đây 48 năm, do một cựu binh Mỹ đại diện tiếp nhận (ảnh).
Hơn 30 xe đạp Peugeot, xe Thống Nhất, nhiều xe của Liên Xô, Tiệp Khắc
Ngoài số hiện vật chiến tranh, ông Đào Văn Hà còn có thú sưu tầm đồ xưa cũ. Trong không gian ngôi nhà nhỏ là hơn 30 chiếc xe đạp đủ loại Peugeot, xe Thống Nhất, nhiều xe của các nước XHCN trước đây như xe Liên Xô, Tiệp Khắc. Ngoài ra là xe máy Minsk, xe Cup 67. Tất cả số xe này đều còn chạy tốt. Số tiền ông bỏ ra mua hết chỗ xe này là hàng trăm triệu đồng.
Bày la liệt trên sân nhà (phần sân đã có mái che) là mâm đồng, nồi đồng, mâm gỗ, bát đồng, bát sắt, đèn dầu đế đồng, khung cửi dệt vải, quạt con cóc, quạt tai voi, quạt của Nhật, những chiếc radio (đài), tivi màn hình lồi… từ thời xa xưa. Tuy nhiên, có một đặc điểm là những chiếc đài, tivi, quạt của Nhật này trong ngôi nhà trưng bày vẫn còn dùng tốt. Ông Hà cho hay, tổng số tiền ông góp nhặt các hiện vật chiến tranh cũng như các đồ xưa cũ hơn 1 tỉ đồng.
“Nhà tôi ngày nào cũng không dưới 5 đoàn khách tới tham quan, rất đông người nước ngoài tới, tôi chẳng bao giờ lấy tiền gì, gặp ai quý còn tặng một món đồ mà khách thích", ông Hà tự hào.
Đủ loại xe đạp xưa cũ được ông Hà sưu tầm Phạm Dự
Ông thượng tá công an mê làm thơ, viết nhạc, nghiên cứu lịch sử
Vóc dáng nhỏ bé, ăn mặc giản dị, chân tay lúc nào cũng lấm lem bụi đất như một ông nông dân chính hiệu, tuy nhiên ông Đào Văn Hà khiến người ta ngỡ ngàng với những gì ông làm được.
Là công an nghỉ hưu, là chủ một xưởng may mỗi lần xuất xưởng hàng ngàn bộ đồ bảo hộ lao động, thượng tá Đào Văn Hà có sở thích văn chương. Ông viết nhiều tập thơ, in ấn nhiều tập sách về lịch sử huyện Đan Phượng, sáng tác nhiều bài hát được nhiều người yêu thích. Đào Văn Hà là cái tên quen thuộc trong giới nghiên cứu lịch sử, nhiều giáo sư gọi ông là “nhà sử học không chuyên”. Ông chính là người đã tìm ra nguồn gốc điệu chèo tàu, một điệu hát cổ chỉ có ở huyện Đan Phượng, Hà Nội gắn với cuộc khởi nghĩa Văn Dĩ Thành chống quân Minh xâm lược xưa kia.
Ông Đào Văn Hà quan tâm tới môi trường thành phố Hà Nội, trong 2 năm 2007, 2008, ông có sáng kiến làm sạch nước sông Tô Lịch bằng cách đào kênh đưa nước sông Hồng về sông Tô Lịch và đưa ra giải pháp chống ngập cho Hà Nội, cả 2 sáng kiến đều được giải thưởng và bằng khen của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Những hình ảnh trong "bảo tàng" của ông Đào Văn Hà:
Vỏ một quả bom
Những chiếc cơi trầu thời xưa
Bao đựng súng
Bao da đựng súng
Xác một quả đạn cối Phạm Dự
La liệt vỏ bom đạn được ông Hà sưu tầm khắp mọi nơi
Ông Hà và thiết bị liên lạc dã chiến Phạm Dự
Bộ đồ lặn của lính Mỹ được ông Hà mua lại với giá 5 triệu đồng
Băng đạn
Quạt tai voi của Liên Xô (cũ)
Đủ loại đèn xưa cũ
Hàng ngàn hiện vật chiến tranh trong không gian nhà ông Hà Phạm Dự
Thiết bị liên lạc dùng trong chiến tranh
Điện thoại dã chiến trong chiến tranh chống Mỹ Phạm Dự
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.