Ký ức sân khấu: Video 'mưa làm gió'

Hoàng Kim
Hoàng Kim
04/10/2020 09:00 GMT+7

Đầu thập niên 1990, đầu máy chạy băng video rộ lên khi nhiều người đủ sức mua xài. Và cải lương video đã “làm mưa làm gió” suốt một thập niên, đến nỗi người ta quy cho nó không ít công lẫn tội.

Nếu ti vi chỉ được xem cải lương hoặc phim, nhạc theo khung giờ quy định, thì với đầu máy video người ta có thể xem bất cứ lúc nào. Đó là thời hoàng kim của phim Hồng Kông và cải lương. Phim Hồng Kông được nhập vào, dịch ra tiếng Việt, rồi lồng tiếng và được tung ra thị trường, ước tính đến cả trăm phim một năm. Còn với cải lương, trung bình mỗi tuần có đến 2 - 3 tuồng được sản xuất chương trình video.
Một thế hệ nghệ sĩ trở thành ngôi sao thời đó như: Vũ Linh, Kim Tử Long, Châu Thanh, Phượng Hằng, Tài Linh, Ngọc Huyền, Thanh Thanh Tâm, Thoại Mỹ, Thanh Hằng, Thanh Ngân, Phương Hồng Thủy, Linh Tâm, Cẩm Thu... khi mở băng video cải lương nào ra cũng thấy họ diễn suốt. Còn “thế hệ vàng” như Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Minh Vương, Thanh Tuấn, Thanh Kim Huệ... cũng tham gia nhiều không kém. Nói chung, nghệ sĩ cải lương được huy động tối đa để các ông, bà bầu sản xuất chương trình. Đa số sản phẩm được xuất sang Mỹ, kế đến là Pháp - những nơi có nhiều kiều bào Việt sinh sống, thèm xem và nghe cải lương vô cùng.
Còn ở VN thì cải lương video cũng làm cuộc tiến công ngoạn mục vào tận hang cùng ngõ hẻm, vùng sâu vùng xa. Tôi còn nhớ khi có dịp công tác xuống các xã, huyện miền Tây Nam bộ, thấy nhiều quán cà phê có đặt ti vi để xem video, khách hàng ngồi đông nghịt. Tất nhiên là có phim Hồng Kông, ca nhạc, nhưng cải lương cũng chiếm một góc hiên ngang trên màn hình, đẹp và rất hấp dẫn. Người nào không đủ tiền mua máy chạy băng video thì cứ bỏ vài ngàn đồng ra quán cà phê ngồi thưởng thức, lại có đông người cùng coi với mình, cộng hưởng thật là vui. Quán cà phê “hát” cải lương luôn mấy suất trưa - chiều - tối, đủ cho khán giả sắp xếp công việc mà đi coi. Hát tuồng nào thì chủ quán lấy miếng giấy cạc tông viết nguệch ngoạc mấy chữ tên tuồng để khán giả chọn lựa. Sân khấu cải lương rải khắp nơi với sự cơ động như thế.
Riêng gia đình tôi cũng may mắn có được đầu máy video nhờ em trai tôi đi học ở Sài Gòn, vừa tốt nghiệp đã tìm được việc làm, tối đi dạy thêm, dành dụm gom đủ tiền mua cái đầu máy trị giá 7 chỉ vàng gửi về cho má và các chị em. Thế là nhà tôi lại trở thành trung tâm văn hóa giải trí của cả xóm. Bà con cô bác lẫn tụi con nít tới ngồi đầy cả nhà mỗi khi chiếu phim hoặc xem cải lương. Lúc đó nhà đã có ti vi màu nên lên hình rất đẹp. Và chung quanh thị trấn đã mọc lên nhiều cửa hàng cho thuê băng video, thằng con tôi mới 5 - 6 tuổi đã làm được nhiệm vụ đi thuê băng. Tôi giao cho nó cái băng đem trả, rồi dặn tựa đề cái băng sẽ mướn, nó nhớ vanh vách. Nếu băng đó kẹt có người đã thuê, thì nó tự biết đổi băng khác, vì nó nhớ hết danh mục băng nào nhà đã xem rồi, không sợ trùng lắp.

Cát sê ngôi sao cải lương tính bằng vàng

Ấn tượng về cải lương video là một ấn tượng rực rỡ, vì chất lượng quay tốt, hóa trang không ngại tốn tiền, xiêm y lộng lẫy. Đặc biệt là tuồng cổ, nghệ sĩ xuất hiện quá đẹp. Chúng tôi giờ ngồi nhắc lại hình ảnh Vũ Linh trong các vai ông vua thần thái tuyệt vời, Tài Linh vai Lý Thần phi trong Bích Vân Cung kỳ án, Ngọc Huyền trong Xử án Phi Giao… Mỗi người đều có vai diễn để đời.
Sau đó tôi chuyển lên Sài Gòn làm việc, có liên hệ với các hãng sản xuất chương trình cải lương video, mới biết có những ngôi sao đóng một lúc 2 - 3 tuồng, và cát sê có thể tính bằng vàng. Vàng lúc đó 5 triệu đồng một cây (lượng), cát sê cỡ ngôi sao như Vũ Linh phải 20 triệu đồng, còn ngôi sao nào thấp nhất cũng 6 triệu đồng. Và chính vì một tuần quay đến 2 - 3 tuồng nên nghệ sĩ khó có thể gặp nhau, đạo diễn đành phải quay riêng từng người rồi mix (kết hợp) lại, diễn không thấy hồn vía gì hết. Từ đó cải lương video dần kém chất lượng, cộng với thị trường xảy ra nạn sao chép băng lậu, nên các nhà sản xuất thua lỗ, đành chấm dứt cải lương video sau hơn 10 năm rực rỡ.
Nhưng cải lương video còn bị nhiều người “kết tội” là làm cho sân khấu cải lương teo tóp. Bởi chỉ cần vài ngàn đồng người ta đã tha hồ xem cải lương và gặp hết các nghệ sĩ ngôi sao, cần chi đến “thánh đường” nữa. Cải lương hát tại Sài Gòn lẫn lưu diễn các tỉnh đều giảm sút khán giả đến mức thê thảm. Lời “kết tội” ấy có đúng hay không thì xin chờ lịch sử xem xét.
Sau băng cassette thì tới CD, sau băng video thì có VCD và DVD, nhưng không còn không khí tưng bừng như những ngày đầu cassette và video ra đời. Bây giờ internet đã làm thay tất cả, lên đó tìm sẽ thấy đủ thứ người ta tải lên. Vọng cổ và cải lương dường như đang bước sang một trang mới khá tĩnh lặng. Có lẽ cải lương sẽ không “chết”, nhưng nó cần những hơi thở mạnh mẽ, hấp dẫn thì mới có thể kéo khán giả lại như xưa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.