Ký ức về ngày 20.11: Kỷ niệm năm lớp 4 không thể nào quên

Lê Thanh
Lê Thanh
12/11/2019 18:07 GMT+7

'Với chúng tôi, Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11 lấm lem bùn đất năm nào, cùng bữa cơm đơn sơ năm học lớp 4, ở vùng quê Đắk Lắk với cô chủ nhiệm sẽ là một kỷ niệm không thể nào quên của một thời ký ức ',

Chị Nguyễn Thị Xuân Dung, ngụ tại chung cư 1050 (4 Phan Chu Trinh, P.12, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), đã chia sẻ những ký ức ngày 20.11 của mình với chúng tôi như thế.

Tặng cô giáo bó hoa bẻ được từ nhà trồng

Theo chị Xuân Dung, ngày 20.11 luôn là một ngày đặc biệt đối với mỗi người Việt Nam, dù khi họ đã trưởng thành và những ngày tháng học trò đã lùi dần vào ký ức. Theo thời gian, mỗi thế hệ học trò có những cách riêng để thể hiện lòng biết ơn với thầy cô của mình.

Học sinh Trường THPT Nguyễn An Ninh, Q.10, TP.HCM tặng quà thầy nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11

Đào Ngọc Thạch

Chị Xuân Dung kể: “Còn nhớ, lúc tôi học lớp 4, cách đây hơn 20 năm. Lớp học của tôi ở vùng Tây nguyên khi ấy còn thiếu thốn lắm. Ngày 20.11, chúng tôi gom góp lại những cành hoa được bẻ từ chính nhà mình trồng. Nào là hoa hồng, hoa thược dược, hoa cúc và cả hoa mào gà nữa... Chúng tôi bó lại bằng những tờ giấy báo có sẵn rồi ôm theo, không có được những cái nơ hồng, nơ xanh để trang trí thêm. Khi đến nhà, cô chủ nhiệm lớp chúng tôi cười rất tươi khi nhận những bó hoa đơn sơ đó. Cô giáo tôi là người từ nơi khác đến Tây nguyên dạy học, rồi lập gia đình ở đây”.
Theo chị Xuân Dung, ngoài việc đến lớp mỗi ngày, khi về nhà là cô lại làm vườn, nuôi heo, nuôi gà kiếm thêm thu nhập. “Ngày 20.11 năm ấy là một ngày nghỉ, và khi chúng tôi đến, thấy cô giáo đang tranh thủ cho đất vào bịch để ươm giống những cây cà phê con. Dù cô không đồng ý, nhưng chúng tôi đã năn nỉ cô cho chúng tôi phụ, bởi vì công việc ấy cũng khá quen thuộc với những học trò vùng quê như chúng tôi. Vậy là cô trò chúng tôi đã cùng nhau làm việc, trưa hôm đó, cô đãi chúng tôi một bữa cơm thật ngon lành”, chị Xuân Dung nhớ lại.

Rộn ràng cả xóm... đúng nghĩa tết thầy cô

Nguyễn Thanh Liêm, ngụ tại ấp Chánh 1, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn (TP.HCM), nhớ lại: “Thời tôi còn học tiểu học, tình thầy trò ấm áp lắm. Ngày ấy, đến dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, chúng tôi tặng thầy cô của mình bằng những món quà đơn giản. Chẳng hạn như bông hoa nhà trồng, cục xà bông, thậm chí là bịch bánh, gói kẹo chúng tôi gói trong giấy màu học sinh để làm quà. Những món quà tuy nhỏ về giá trị vật chất nhưng nó là cả tấm lòng của học trò nghèo, vì để có những món quà tặng thầy cô vào ngày 20.11, chúng tôi chuẩn bị rất kỹ từ trước”.

Học sinh tri ân thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11

Đào Ngọc Thạch

Theo anh Liêm, thời đó thầy cô nghèo lắm, nhưng thương học trò vô cùng. “Bởi vì quà thầy cô nhận từ học trò nhân dịp ngày 20.11 thì không bao nhiêu, chủ yếu là mang tính tượng trưng, có ý nghĩa về mặt tinh thần nhưng có khi thầy cô phải đãi lại đám học sinh đến thăm còn tốn hơn rất nhiều. Có lần thì nấu chè, có lần thì dọn cơm, bày biện bánh trái, nước ngọt... rất là vui. Còn nhớ, những dịp 20.11 ngày ấy, chúng tôi thường hẹn nhau cả lớp đi chung, nên khi đến nhà cô thầy là làm rộn ràng cả xóm... đúng nghĩa tết thầy cô luôn”, anh Liêm kể.
Còn bây giờ, theo anh Liêm nói: “Do hoàn cảnh đã khác xưa, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế hơn, nên học trò cũng tặng thầy cô những món quà đắt tiền. Thậm chí Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11, ba mẹ đi tặng quà thầy cô thay thế cho con. Thế nên, các con không có ý thức mấy về việc tôn sư trọng đạo đâu. Chúng cứ nghĩ, có tiền là mua được chữ...”.
Công ơn của thầy cô giáo lớn lắm
Chị Trần Thị Trang, phụ huynh của em Lê Ánh Dương, học sinh Trường THCS Hà Huy Tập, Q,Bình Thạnh (TP.HCM), chia sẻ: “Mình luôn nói với con gái là phải biết trân trọng công sức dạy dỗ của thầy cô giáo. Bởi, ngoài ba mẹ thầy cô là người có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách của một con người. Thời con tôi còn học ở bậc tiểu học thì cứ gần đến ngày 20.11 tôi thường chuẩn bị những phần quà rất cẩn thận để cho con mang tặng cô”.
Tôi hỏi, thường chị chuẩn bị phần quà cho thầy cô ra sao? Chị Trang bật mí: “Phần quà của tôi chuẩn bị thường có tính chất tinh thần, động viên thầy cô nhiều hơn là vật chất. Tuy nhiên, trong mỗi gói quà, tôi luôn có một tấm thiệp viết tay với những nội dung chúc mừng và tỏ lòng biết ơn thầy cô giáo đã cất công dạy dỗ cho con tôi trong thời gian qua”.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM tri ân các cô giáo nhân ngày 20.11

Đào Ngọc Thạch

Đó là khi con tôi còn học ở bậc tiểu học, còn bây giờ theo chị Trang, cháu đã lên THCS, lớn hơn chút rồi. “Riêng phần chuẩn bị quà cho thầy cô thì tôi vẫn chuẩn bị. Tuy nhiên, phần ghi thiệp tôi sẽ để chính con ghi bằng chính nét chữ của mình để gửi những lời chúc mừng và cảm ơn công lao của những thầy cô đã dậy dỗ mình nên người”.
Với Lê Thị Quỳnh Như, sinh viên của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, thì chia sẻ ký ức ngày 201.11: “Mình luôn biết ơn những người thầy, người cô đã góp công sức dạy dỗ để biến giấc mơ của mình trở thành sinh viên ngành y như hiện tại. Chính vì vậy, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 là mình dành một ngày để nhắn tin, gọi điện thăm hỏi các thầy cô ở thời mình còn học các bậc tiểu học, THCS, THPT. Do còn là sinh viên, chứ mình luôn dặn với lòng, sau này học xong, đi làm có điều kiện mình sẽ có những món quà bằng vật chất để tri ân các thầy cô nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11 hằng năm, bởi với mình công ơn của thầy cô giáo lớn lắm. Quà cáp chỉ là tượng trưng thôi chứ có đáng gì đâu”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.