Ký ức về những chuyến tàu xưa

24/10/2022 11:00 GMT+7

Quê tôi ở một vùng nông thôn hẻo lánh nơi cuối cùng đất nước. Cà Mau, cái xứ mà khi nghe nhắc đến tên thôi ai cũng có cái cảm giác xa ngai ngái; nơi sông ngòi chằng chịt dọc ngang từ bao đời đã hình thành nên nét văn hóa sông nước mộc mạc đậm chất Nam bộ của những người con chất phác và phóng khoáng.

Gần 40 năm bôn ba khắp xứ người, tôi đã đi và đến nhiều nơi, trong và ngoài nước, trải nghiệm những phương tiện giao thông hiện đại, nhưng hình ảnh về những chuyến tàu xưa của một thời khốn khó nơi làng xưa chốn cũ vẫn luôn hiện diện trong ký ức.

Những thùng tôm cá, hải sản được đặt gần đuôi tàu, hành khách ngồi ở 2 băng ghế dài dọc theo 2 bên thân tàu

thanh nhã

Giữa thập niên của những năm 1980, phương tiện giao thông chính để kết nối giao thương và phục vụ đi lại của bà con quê tôi với thị xã Cà Mau khi ấy là những chiếc tàu đò chở khách khá lớn và cũ kỹ. Một chuyến tàu có thể chở được gần cả trăm người cùng vô số hải sản, hàng hóa. Chính vì vậy mà thường phải mất cả đêm mới tới được thị xã, nơi bây giờ chỉ mất hơn một giờ ô tô. Đông người, nhiều hàng hóa là vậy nhưng mọi thứ trên tàu luôn được sắp xếp trật tự và hợp lý. Những thùng tôm cá, hải sản được đặt gần đuôi tàu, hành khách ngồi ở 2 băng ghế dài dọc theo 2 bên thân tàu. Để đỡ mỏi lưng trong khoảng thời gian di chuyển lâu, chủ tàu thường mắc khoảng 20 chiếc võng dọc ngang trên tàu để phục vụ hành khách với chi phí rất rẻ. Có khi trên tàu còn phục vụ cả nước uống, cà phê, cơm tấm hay mì gói cho hành khách có nhu cầu. Anh tài công ngồi ở bên phải phía trước gần mũi tàu, hai tay cầm vô lăng thi thoảng xoay qua xoay lại một cách kiên nhẫn. Những chàng thanh niên khỏe mạnh và thích phiêu lưu có thể leo lên mui tàu ngồi hóng gió hoặc ngắm cảnh trời nước mênh mông.

15 tuổi tôi đã phải rời quê lên thị xã Sóc Trăng sống với cô tôi để học tiếp cấp III. Để đến được Sóc Trăng, tôi phải đi tàu lên thị xã Cà Mau rồi lên xe khách đi tiếp. Mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu lên thị xã nên tôi sợ nhất là việc trễ tàu. Để được làm hành khách trên chuyến tàu ấy, tôi phải rời khỏi nhà từ chiều với tay xách nách mang những túi hành lý từ quần áo, gạo, cá mắm… rồi cuốc bộ trên những con đường đất chông chênh, đầy cỏ dại, đi qua những chiếc cầu cây lắt lẻo, khẳng khiu bắc qua kênh rạch. Bến tàu là một sàn gỗ được lót bằng những thân cây đước cỡ bắp chân, thẳng tắp như cột cờ, tọa lạc ngay trước một tiệm tạp hóa của một xóm chài gần cửa biển.

Lần nào cũng vậy, khi tôi đến bến tàu thì mặt trời đã lặn, khá đông người đang ngồi trò chuyện nhân lúc chờ tàu. Một vài người đàn ông đứng tuổi với điếu thuốc hút dở trên tay. Mỏi mệt, họ lại nằm sải lưng xuống sàn. Do đi bộ quãng đường khá xa, người cũng thấm mệt nên tôi thường nằm gối đầu trên chiếc túi hành lý chờ tàu lên. Những làn gió mát rượi từ biển thổi vào tạo âm thanh vi vu xen lẫn tiếng ầm ập của sóng nước vỗ bờ hòa vào những tiếng máy đuôi tôm dưới lòng sông tạo nên một bản hòa ca bất tận thật đặc trưng của một vùng sông nước. Âm thanh ấy có khi đưa tôi vào một giấc ngủ ngắn, nửa say sưa, nửa chập chờn của cảm giác chờ đợi.

Thú vị nhất vẫn là khoảnh khắc tàu sắp cập bến để đón hành khách. Từ xóm chài xa tít ngoài cửa biển, ánh sáng của chiếc đèn pha quét qua quét lại hướng về phía chúng tôi như xé tan những mảng tối đen kịt của màn đêm. Kèm theo đó là âm thanh quen thuộc của tiếng máy tàu, cái âm thanh nửa như êm dịu, nửa như thúc giục cứ lớn dần, lớn dần… Khi tôi đặt chân lên tàu đã thấy những thùng tôm cá đầy ắp chất đầy gần đuôi tàu, các cô chú chủ vựa buôn hải sản nằm võng ngủ say sưa. Một phần để tiết kiệm chi phí, mặt khác có lẽ do đang ở lứa tuổi dễ ăn dễ ngủ nên tôi ít khi thuê võng nằm ngủ, mà ngồi trên băng tàu, đầu gục xuống túi xách ngủ ngon lành.

Trời hửng sáng thì cũng là lúc tàu cập bến thị xã Cà Mau, ai nấy vội vàng tìm đò máy hay xe xích lô để đến nơi cần đến trong thị xã hoặc ra bến xe mua vé đi các tỉnh thành khác.

Nếu như lượt đi tôi chỉ ngủ trên tàu vì trời tối thì lượt về mới thật sự là một trải nghiệm thú vị. Mỗi lần về thăm quê, nghĩ đến việc sắp được trở lại ngôi nhà ấm áp quen thuộc, sắp gặp lại những người thân yêu nhất sau vài tháng xa cách đã là cảm giác hạnh phúc và những kỷ niệm khó quên. Thông thường, tàu rời thị xã khoảng 8 giờ sáng, thay cho những thùng tôm cá lượt đi là vô số hàng hóa, nhu yếu phẩm từ chợ đưa về các tiệm tạp hóa ở vùng nông thôn. Hàng hóa thật đa dạng, từ quần áo, giày dép, đồ dùng gia đình và nhu yếu phẩm còn có cả những mặt hàng nông – ngư cụ phục vụ cho bà con. Chính vì sự đa dạng đó nên lượt về tàu không còn được ngăn nắp như lượt đi, hàng hóa để ngổn ngang, chật kín cả lối đi. Hành khách có khi nép mình bước ngắn bước dài len qua những mớ hàng hóa hỗn độn để đến được chỗ ngồi. Ấy vậy mà không nghe ai phàn nàn, kêu ca một tiếng, không biết do họ vốn dĩ đã quen với sự nhẫn nại bởi cuộc sống khó khăn hay vì cái tình cái nghĩa của người cùng xứ sở mà họ dễ dàng thông cảm, sẵn sàng bỏ qua cho nhau. Có lẽ cả hai.

Thi thoảng vẫn có những câu chuyện nối dài không dứt khi có người nhận ra người quen trên tàu. Họ hỏi thăm nhau đủ thứ chuyện nào là lúa năm nay trúng không, đìa nhiều cá không, thằng Hai, con Út chắc bây giờ lớn bộn rồi ha… Tôi rất thích nghe lỏm những câu chuyện của họ, đúng hơn là tôi thích nghe những giọng nói chất phác đặc trưng của người dân quê mình, rồi lại vỡ òa khi một lần nhận ra người quen. Mèn ơi, bây con Thầy Tư ở xóm Bàu Thùng phải hôn? Nghe đồn bây học giỏi lắm hả? Ráng nghen con, mai mốt về làm bác sĩ cho bà con mình nhờ. Bác sĩ - ừ cũng phải, hồi đó làm gì có được nhiều sự chọn lựa nghề nghiệp như bây giờ, là con gái không học kỹ thuật thì hoặc là làm bác sĩ, hoặc là làm cô giáo mà thôi.

Ngoài việc nghe những câu chuyện không đầu không cuối, tôi thích nhìn ra cửa sổ ngắm cảnh tàu bè qua lại hoặc cảnh vật hai bên bờ sông. Những chiếc xà lan chở vật liệu xây dựng hay những chiếc ghe chài đánh cá và có cả những nông sản như chuối, dừa… cứ ung dung xuôi ngược; hai bên bờ vẫn là một màu xanh ngút ngàn của những cây mắm, cây đước, vẹt… những loài cây đặc trưng của rừng Cà Mau, xa xa mới thấy vài ngôi nhà lá, nhà ngói ẩn hiện sau những tán cây.

Giữa trưa tàu về đến Chợ Cái Keo, nơi được xem là trạm dừng chân của tàu. Tàu ghé lại khoảng mười phút, nếu không có hành khách lên bờ thì tàu cũng ghé để giao hàng hóa cho các chủ tiệm buôn. Những chiếc xuồng chèo bán thức ăn nước uống cập vào hai bên mạn tàu, những tiếng rao thanh thoát nhẫn nại mời gọi, nào là bánh bao, bánh mì, bún nước lèo, cà phê, đá chanh, trà đường… Những hành khách trên tàu tranh thủ chọn cho mình bữa ăn lót dạ trong quãng đường dài.

Khi mặt trời ngả bóng về chiều, những làn gió mát rượi từ biển thổi vào pha lẫn hương vị mằn mặn của nước biển thì cũng là lúc tàu sắp về đến bến quê. Những chiếc xuồng ba lá đậu san sát quanh bến tàu để chờ đón người thân trở về hoặc nhận hàng hóa chở về các tiệm tạp hóa trong các kênh rạch. Những đôi mắt dõi tìm người, những tiếng gọi nhau í ới nghe nhộn nhịp cả một bến sông. Sau khi người và hàng hóa rời khỏi tàu, chiếc tàu thẳng hướng về phía làng chài ngoài cửa biển, hoàn thành sứ mệnh một tua đi về.

Những chuyến tàu cứ thế đi về, bập bềnh trên sông nước, chở theo những ước mơ bay bổng của đứa học trò nghèo hiếu học với mong muốn được đổi đời.

Học xong cấp III, tôi tiếp tục lên thành phố học đại học rồi được chọn đi thực tập ở một nước châu Âu. Đi càng xa thì càng ít có dịp về nhà và như thế, nỗi nhớ về những chuyến tàu quê lại càng thêm chất chồng.

Khoang tàu đầy ắp người năm nào giờ chỉ còn trong hoài niệm...

THANH NHÃ

Đất nước chuyển mình phát triển, nông thôn khởi sắc, chiếc tàu to lớn cũ kỹ ngày nào cũng đã được thay bằng chiếc vỏ lãi để giảm bớt thời gian đi lại. Vài năm sau đó những chiếc vỏ lãi lại được thay bằng những chiếc ca nô, nhanh chóng và tiện lợi, làm cho khoảng cách giữa miền quê và thành thị như ngày càng được rút ngắn thêm.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, quê tôi ngày càng có thêm nhiều con đường bê tông, đường đan. Giờ đây, chỉ mất hơn một giờ đồng hồ ngồi ô tô là tôi có thể đi từ thành phố Cà Mau về quê. Cứ thế, điều kiện sống của bà con quê tôi cũng ngày càng phát triển thêm.

Thời gian trôi nhanh như trở bàn tay, tuổi thơ tôi cũng bị vùi lấp dưới lớp bụi vô hình. Mới đó mà đã gần bốn mươi năm trôi qua. Xóm chài nhỏ nơi đặt bến tàu ngày nào giờ đã là một khu Chợ Rạch Chèo đông đúc, hàng hóa đủ loại. Mới đây tôi có dịp đi ngang qua xóm chợ ấy, ngang khu vực bến tàu cũ, lòng tôi chùng xuống, một cảm giác xốn xang, bồi hồi đến lạ. Ký ức về những chuyến tàu xưa như hiện ra trước mắt, rõ mồn một. Nhìn dãy đèn điện sáng lấp lánh của những người nuôi sò huyết dọc theo sông tôi lại nhớ da diết ánh đèn pha sáng lòe xé tan màn đêm thuở nào, mỗi khi tàu sắp ghé bến xưa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.