Kỷ vật lạ lùng của một cựu bác sĩ quân y Mỹ

11/11/2012 18:33 GMT+7

Câu chuyện này như một biểu tượng của lương tâm trong chiến tranh và mong ước hòa bình - dù ở bất cứ nơi đâu.

Đã 45 năm trôi qua kể từ ngày bác sĩ Sam Axelrad rời Việt Nam. Ông trở lại mảnh đất gắn liền với quá khứ đau thương để tìm lại chủ nhân của một vật mà ông vẫn gìn giữ ở bang Texas (Mỹ) trong suốt gần nửa thế kỷ. Đó là đoạn xương cánh tay của người lính Bắc Việt Nam mà ông đã cứu sống năm 1966, bất chấp việc hai con người thuộc hai chiến tuyến đối nghịch nhau. Nhiều người cho rằng đó là một ý tưởng điên rồ nhưng đối với ông, đó là một phần của lịch sử, của cuộc chiến mà ông căm ghét, của tình người vượt qua bom đạn và rào cản chính trị.

Câu chuyện gần nửa thế kỷ

Bác sĩ Sam Axelrad vẫn nhớ như in ngày 27.10.1966, khi ông đang là chỉ huy một đơn vị y tế Mỹ phục vụ cho doanh trại Radcliff gần An Khê, thuộc tỉnh Gia Lai ngày nay. Trực thăng chở một người lính Việt cộng đến trạm y tế của ông trong tình trạng nguy kịch với một cánh tay đã thối rữa và không còn cử động được nữa. “Ngay khi anh ấy được đưa đến, chúng tôi lập tức tiêm kháng sinh, thử máu và đưa anh ấy lên bàn mổ, phẫu thuật cắt rời hơn nửa cánh tay dưới bị hoại tử, để cứu mạng sống cho anh ấy. Tôi biết anh ấy là Việt cộng, nhưng với lương tâm của một bác sĩ, tôi không thể để anh ấy chết vì nhiễm trùng” - bác sĩ Sam Axelrad kể với chất giọng đặc miền tây nước Mỹ.

Và người bác sĩ 28 tuổi đã quyết định giữ lại phần xương cánh tay bị cắt rời của người bệnh từ bên kia chiến tuyến. Theo lời bác sĩ Sam Axelrad, Charlie - tên ông gọi người lính Việt cộng ấy - bị thương ở cánh tay phải do trúng đạn của lính Mỹ khoảng 3 tháng trước đó. Anh bị bắn bên một bờ sông, ngã xuống và trôi theo dòng nước, nhờ thế mà thoát khỏi sự truy đuổi của quân thù. Anh lang thang và sống lay lắt bằng cách ăn lá cây và những con thú nhỏ trong rừng.

Bác sĩ Axelrad nhớ lại rằng Charlie hồi phục rất nhanh và các y sĩ trong đơn vị rất yêu quý anh, coi anh như người trong gia đình. Nhưng rồi mọi việc không đơn giản như vậy. Một ngày nọ, chỉ huy của ông triệu tập ông đến và hỏi: “Có phải anh đang giữ kẻ thù ở chỗ anh không?”.

- Vâng, thưa ngài - ông trả lời.

- Anh ta ở đây bao lâu rồi?

- Khoảng 2 tháng - ông nói.

- Anh có 24 giờ để đưa anh ta đi!

- Vâng, thưa ngài! - ông nói, giơ tay lên chào và bước ra khỏi lều chỉ huy.

Bác sĩ Sam Axelrad đưa người bệnh bằng trực thăng đến Quy Nhơn, Bình Định, và xin cho anh làm việc tại một phòng khám trung lập ở địa phương.

 
Nguyễn Quang Hùng và bác sĩ Sam Axelrad cùng phần xương cánh tay đã bị cắt 

 
Hình ảnh phẫu thuật cắt rời cánh tay của Nguyễn Quang Hùng - Ảnh: Bác sĩ Sam Axelrad cung cấp

Tâm niệm cuối đời

Bác sĩ trở lại Mỹ vào ngày 11.8.1967, đúng một năm sau khi bị điều động đến Việt Nam. Sam Axelrad tiếp tục sự nghiệp là một bác sĩ phẫu thuật quân y tại Hoa Kỳ và giải ngũ năm 1968. Với những kiến thức y khoa tiếp thu từ Đại học Texas và Đại học Georgetown ở Washington D.C thời sinh viên trước đó, ông trở thành bác sĩ chuyên khoa tiết niệu của Trường đại học Y Baylor ở Houston, Texas và theo đuổi chuyên ngành này đến khi nghỉ hưu. Nhưng vợ đẹp và ba người con ngoan, cùng một sự nghiệp ổn định không giúp ông thoát khỏi những ký ức đau buồn ở chiến trường Việt Nam.

Đến năm 2010, lần đầu tiên sau hàng chục năm, ông mở chiếc hòm đựng những kỷ vật quân đội gồm hơn 100 tài liệu, bao gồm bài phát biểu của Tổng thống Lyndon Johnson trước thượng viện, và các giấy tờ khác. “Ký ức bỗng trở lại như mới ngày hôm qua. Và tôi bắt đầu nghiên cứu lịch sử của cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Tôi đã đọc cuốn sách Dereliction of duty (Không hoàn thành nhiệm vụ) của tác giả H.R.McMaster. Cuốn sách ghi lại những lời dối trá mà Tổng thống Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Mc.Namara đã nói với thượng viện và tổng tư lệnh quân đội” - ông nói.

“Nước Mỹ lẽ ra đã có thể không phải mất đi 56.000 người lính Mỹ, và hơn 300.000 quân nhân khác không phải mang trên mình vết thương suốt cuộc đời. Lẽ ra 3 triệu người Việt Nam cũng đã không phải chết” - bác sĩ Sam Axelrad tâm sự. Con trai của ông, anh Chris Axelrad, 42 tuổi, một chuyên gia về châm cứu, thảo dược và dinh dưỡng tại bang Texas, kể rằng cho đến giờ bố anh vẫn còn rất giận dữ mỗi khi nhắc đến những lời dối trá của Lyndon Johnson. Anh nói: “Bố tôi cho rằng cuộc chiến là một sai lầm lớn. Nó đã gây ra những tổn thất nặng nề về sinh mạng con người cả cho nước Mỹ và Việt Nam”.

Điều làm vị bác sĩ 74 tuổi này đau lòng nhất là những đứa trẻ Việt Nam bị thương và bị chia cắt khỏi vòng tay bố mẹ và gia đình trong chiến tranh. Trong một năm ở chiến trường Việt Nam, ông cũng đã cứu sống được vài đứa trẻ như vậy. “Bố tôi đã kể đi kể lại rằng ông đã đi quá giới hạn được phép để cứu những thường dân vô tội… và cả những người lính Việt cộng bị thương. Bố tâm niệm rằng công việc của ông là cứu sống mọi người bất kể người đó là ai” - anh Chris Axelrad nói. Và giờ đây, tâm niệm cuối đời của bác sĩ Sam Axelrad là trả lại cánh tay cho chủ nhân của nó.

Trả lại kỷ vật

Khi nói về kỷ vật đặc biệt trong chiến tranh gần nửa thế kỷ qua, bác sĩ  Sam Axelrad nói rằng: “Tôi cũng không còn sống được bao lâu nữa. Tôi không muốn giao kỷ vật này cho các con cháu. Nó cần được trả lại cho chủ của nó hoặc gia đình của anh ấy”. Những giấy tờ mà ông còn giữ lại cho thấy tên thật của Charlie là Nguyễn Quang Hùng, 20 tuổi, quê ở Hà Nội. Và bác sĩ Sam Axelrad đã đến đây sau 45 năm để đi tìm lại người lính Việt Nam năm xưa. “Tôi đã gìn giữ cẩn thận cánh tay của anh ấy suốt bao năm qua và giờ đã đến lúc trả lại những gì thuộc về Việt Nam”.

Một đồng nghiệp cũ của ông ở Việt Nam, kỹ thuật viên về hình ảnh y tế Roger Gifford hiện đang sống ở Florida, người đã chứng kiến ông phẫu thuật cắt rời cánh tay của người lính Việt cộng, không khỏi ngạc nhiên khi biết ông đã giữ kỷ vật đó trong suốt bấy nhiêu năm.

Theo Chris Axelrad, bố anh muốn biết Nguyễn Quang Hùng đã được an toàn và việc tìm lại người lính ấy sẽ giúp ông sống thanh thản trong những năm tháng cuối đời. Được bố kể về câu chuyện khó tin này và được xem chiếc xương cánh tay từ khi còn là một thiếu niên, hơn ai hết, anh hiểu quá trình tìm kiếm này có ý nghĩa lớn nhường nào đối với bác sĩ Sam Axelrad. Anh nói: “Bố tôi đã rất khổ tâm khi rời khỏi Việt Nam mà không biết thông tin về Charlie”.  

Nếu quý độc giả biết thông tin về người lính Việt Nam trong câu chuyện này, xin vui lòng liên hệ với tác giả thông qua tòa soạn Báo Thanh Niên.

Trần Quỳnh Hoa

>> Cả ba lãnh đạo EU sẽ nhận giải Nobel Hòa bình
>> Mở đường đến hòa bình
>> Philippines ký thỏa thuận hòa bình với quân ly khai
>> Ký thỏa thuận hòa bình lịch sử tại Philippines
>> Nobel Hòa bình 2012 thuộc về EU

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.