Kỳ vọng đô thị dọc sông Sài Gòn: Kích hoạt hệ thống dịch vụ, du lịch

31/03/2022 06:35 GMT+7

Ưu tiên không gian công cộng, hình thành tuyến công viên ven sông, khai thác du lịch sinh thái , nhà vườn, bảo tàng, khu ẩm thực, nhà văn hóa, triển lãm ngoài trời, các dịch vụ giải trí... được đề xuất xây dựng khi mở hành lang kinh tế sông Sài Gòn.

Ưu tiên không gian công cộng

KTS Ngô Anh Vũ, Viện Quy hoạch xây dựng, tính toán: “Nếu tỷ lệ diện tích dành cho công viên cây xanh khoảng 60% quỹ đất trên thì với diện tích còn lại, có thể dành khoảng 20% cho giao thông và 20% cho các dịch vụ, không gian mở công cộng. Quỹ đất này sẽ được dành để xây dựng các công trình bảo tàng, khu ẩm thực, câu lạc bộ, sân thể dục thể thao, khu vui chơi trẻ em, nhà văn hóa, cửa hàng bán lẻ, triển lãm ngoài trời, trung tâm du khách, biểu diễn, sinh hoạt lễ hội... Các không gian ngầm dưới kè bờ sông có thể tận dụng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, vui chơi giải trí sôi động (bar, karaoke, beer club..) và đậu xe”.

Không gian bờ sông cần được ưu tiên dành cho cộng đồng

Độc Lập

Ông Vũ gợi ý có thể chia sông Sài Gòn thành các phân đoạn khác nhau. Đoạn 1 từ ranh giới phía bắc TP.HCM đi qua H.Củ Chi, H.Hóc Môn, Q.12 và một phần Q.Bình Thạnh (bờ Tây), một phần TP.Thủ Đức (bờ Đông) đến cầu Bình Triệu (dài khoảng 60 km).

Trong đó, không gian dọc bờ sông rộng khoảng 30 m từ ranh giới phía bắc thuộc địa bàn H.Củ Chi đến cầu Bình Phước trên QL1 (dài khoảng 54 km), sẽ quy hoạch chức năng cây xanh, đường giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật, bên trong kè sông với chức năng khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và dân cư nhà vườn.

Cụ thể, từ đình Bến Dược đến gần Nghĩa trang liệt sĩ H.Củ Chi có cảnh quan tự nhiên với những cánh đồng rộng lớn; tiếp theo đến bến đò Cá Lăng có cảnh quan vườn cây ăn trái và điểm du lịch cộng đồng; từ bến đò Cá Lăng đến cầu Phú Cường mang sắc thái du lịch nghỉ dưỡng, cao cấp; từ cầu Phú Cường đến kênh Xáng gợi hình ảnh khu dân cư nông thôn kết hợp du lịch làng nghề. Đoạn từ cầu Bình Phước đến cầu Bình Triệu và 1 phần TP.Thủ Đức (dài khoảng 6 km) là khu vực đã và đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, có nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Nên định hướng quy hoạch các khu vực tiếp giáp với hành lang bảo vệ bờ sông chủ yếu là khu dân cư.

Đoạn 2 là từ cầu Bình Triệu đến cầu Tân Thuận, đi qua Q.Bình Thạnh, Q.1, Q.4 ở bờ phía tây và một phần TP.Thủ Đức ở bờ phía đông (dài khoảng 15 km), trên không gian dọc bờ sông rộng khoảng 50 m sẽ quy hoạch thêm không gian văn hóa, ẩm thực. Còn lại, đoạn 3 là từ cầu Tân Thuận đến hết sông Sài Gòn tại khu vực mũi Đèn Đỏ, Q.7 ở bờ phía tây và 1 phần TP.Thủ Đức ở bờ phía đông (dài khoảng 6 km). Khu vực này đã hình thành một số đoạn đường giao thông ven sông theo quy hoạch nhưng chưa tạo thành tuyến giao thông kết nối thông suốt. Có thể định hướng quy hoạch các khu vực tiếp giáp với hành lang bảo vệ bờ sông là khu dân cư, công nghiệp, kho bãi hàng hóa gắn với cảng sông và khu công viên văn hóa giải trí tại khu vực mũi Đèn Đỏ.

“Phải luôn hình dung không gian bờ sông được ưu tiên dành cho cộng đồng với các không gian công cộng nối tiếp nhau trong bán kính đi bộ và xe đạp để có giải pháp thiết kế phù hợp. Các công trình ven sông được xây dựng với mục đích tôn tạo, bổ sung dịch vụ, chức năng sử dụng cho du khách đến thưởng ngoạn bờ sông. TP nên xây dựng được các đặc trưng riêng của từng khu vực bờ sông khác nhau dựa trên việc tìm kiếm các giá trị lịch sử lâu đời, văn hóa lối sống của cư dân địa phương. Đồng thời phát triển được tối thiểu 10 điểm đến có giá trị, thu hút được người dân đến xem, đủ cho một hành trình trải nghiệm đối với mỗi phân đoạn”, KTS Ngô Anh Vũ đề xuất.

Đồng tình với quan điểm bờ sông cần ưu tiên cho không gian công cộng, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, cho rằng dọc bờ sông Sài Gòn nên hình thành một tuyến công viên ven sông. Không cần nối liền, song, các cụm công viên sẽ là nơi người dân TP có thể tự do tới bất kể lúc nào. Tại đây, ngoài các hoạt động văn hóa, triển lãm công cộng sẽ có thêm các loại hình dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi… ứng dụng hợp lý tại từng đoạn sông. Người dân có thể coi đây như một điểm du lịch cuối tuần, tới tận hưởng vẻ đẹp của dòng sông và trả tiền để hưởng các dịch vụ tăng thêm.

Cũng theo ông Nguyên, dự án đại lộ ven sông mới đề cập đến bờ Tây sông Sài Gòn, phía bờ Đông là TP.Thủ Đức còn rất nhiều tiềm năng, dư địa để khai thác các dịch vụ hạ tầng, kinh tế. TP cần khảo sát cụ thể xem bờ bên kia quy hoạch cái gì, khi đó mới lên kế hoạch, ý tưởng, nên làm hai bên song song giống nhau hay có hình thái riêng.

Khai thác những loại hình cao cấp

Theo đánh giá của kỹ sư Trần Văn Tường, sông Sài Gòn không chỉ có cảnh quan đẹp, nước chảy êm thuận, chiều sâu và bề rộng rất lý tưởng cho tàu thuyền di chuyển mà còn mang dấu ấn lịch sử được kết nối với hàng loạt di tích và địa điểm văn hóa như chùa, nhà thờ, khu đô thị Thủ Thiêm, quảng trường Mê Linh, phố đi bộ Nguyễn Huệ và cảng Sài Gòn, Ba Son... Du khách và người dân có thể thuận lợi đi vào trung tâm TP, đến tham quan chợ Bến Thành, Bưu điện trung tâm, nhà thờ Đức Bà, dinh Độc Lập, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh... Tận dụng lợi thế này, chúng ta có thể khai thác thêm nhiều chức năng để sông Sài Gòn trở thành “đặc sản văn hóa” của TP.HCM như kinh doanh du thuyền ngắm cảnh, phục vụ ẩm thực và nước uống, thưởng thức đờn ca tài tử trên sông...

Cần thống nhất cao độ của các công trình không thể vượt lên, che lấp tầm nhìn bờ sông với TP. Nếu để các nhà cao tầng sừng sững sẽ mất đi vẻ đẹp tự nhiên và không khí của dòng sông. Các công trình cũng không được quá dày vì phải để những khoảng trống là những cổng thông gió của TP.

TS Nguyễn Hữu Nguyên

Nhiều nước phát triển quy hoạch bờ sông liên kết các loại hình di sản kiến trúc như xưởng tàu, cảng, bến tàu, nhà phố và nhà kho ven sông, các cây cầu… được nghiên cứu tái sử dụng hay chuyển đổi một phần công năng để kết hợp với các hoạt động kinh doanh là một trong các yếu tố du lịch tiềm năng. Đơn cử, Singapore đã trùng tu nhiều bến cảng, xưởng tàu, kho bãi, di tích ven sông thành không gian công cộng và kết hợp các hoạt động thương mại, tạo ra các bến du lịch thu hút rất đông du khách. Điển hình như Clarke Quay ấn tượng với nhiều dịch vụ giải trí, ăn uống, mua sắm, nghe nhạc...

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhấn mạnh dọc sông là vùng đất thương phẩm cao nhất. Vì thế, cặp bờ sông chắc chắn phải khai thác những loại hình dịch vụ cao cấp như thương mại, du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng. Những dịch vụ đó phải được kết nối vào phía trong các nông trại, nhà vườn để tích hợp thêm nhiều vùng đất dọc sông, tạo thành một hệ sinh thái kinh tế sức sống song song với tuyến đường bộ.

“Mở một tuyến đường sông tốt, đồng nghĩa sẽ phải có bến. Các nhà hàng, nhà vườn, những nơi kinh doanh bất động sản sẽ tự động hình thành theo một cách hài hòa và bền vững. Kinh tế dọc sông sẽ tự động hình thành và phát triển”, ông nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.