Cụ thể, giá cacao giao dịch ở mức 2.269 USD/tấn, giảm 36 USD so mới mức 2.305 USD/tấn ngày 10.7 và giảm 38 USD so với giá phiên giao dịch ngày 7.7; Gỗ xẻ giảm từ 668 USD/1.000 board feet (bằng mức giá ngày 7.7) xuống còn 659 USD/1.000 board feet. Một số phân tích cho rằng lo lắng suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ đẩy giá cả hàng hóa thế giới giảm theo đà giảm của giá nhiên liệu.
Trong nước, nhiều mặt hàng lúa gạo tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng ghi nhận giảm. Đơn cử, tại Sóc Trăng, giá nhiều loại lúa giảm nhẹ như: ST 24 có giá 8.300 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; Đài Thơm 8 là 6.800 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; OM 5451 là 6.700 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg. Giá lúa Nàng hoa 9 tại An Giang cũng ghi nhận giảm 100 đồng/kg xuống 6.100 - 6.200 đồng/kg. Các loại lúa gạo khác ổn định. Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm chững lại sau phiên điều chỉnh tuần trước. Hiện giá gạo NL IR 504 ở mức 8.350 - 8.450 đồng/kg; gạo thành phẩm 8.800 - 8.850 đồng/kg.
Nhiều ý kiến cho rằng một mặt bằng giá mới trong tương lai gần có thể được thiết lập nếu giá nguyên liệu, nhiên liệu thế giới giảm. Ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại quốc tế hải sản Hoàng Gia, phân tích: Trong thời gian qua, giá nhiều mặt hàng tươi sống nhập khẩu do ảnh hưởng từ Covid-19 và xung đột tại Ukraine, ngay giá cá hồi nhập tăng từ 30 - 40%, do cung không đủ cầu, khiến giá thành bán ra tại thị trường trong nước tăng mạnh.
Từ đó, ông cho biết: Giá nhiên liệu thế giới đang giảm liên tục trong mấy tuần qua, nhưng giá hàng nhập chưa thấy giảm. Thực tế, những mặt hàng nhập khẩu phụ thuộc lớn vào giá thế giới, thế giới chưa động tĩnh, thậm chí tăng, giá trong nước khó được tác động, cho dù cước vận tải nội địa có giảm trong thời gian tới. “Trong năm nay, khó có mặt bằng giá mới theo chiều hướng giảm”, ông Trường nói.
Chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa nhận xét có một số mặt hàng thế giới đang giảm nhẹ theo đà giảm của giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp nhập khẩu ký hợp đồng dài hạn. Tương tự, giá cước vận tải cũng được ký hợp đồng trước, làm sao bảo giảm là giảm ngay được. Nếu kỳ vọng giá cả trong nước được thiết lập một mặt bằng mới thì quá sớm. Tình hình thị trường thế giới vẫn rất khó định đoán, biến thiên, biến động liên tục.
Quan trọng hơn là chúng ta ổn định được vĩ mô bằng công cụ giá xăng dầu, ít nhất 1 tháng nữa, nếu giá xăng vẫn giữ mức như hiện nay hoặc giảm thêm… các nhà sản xuất kinh doanh sẽ nhìn nhau để cạnh tranh, hạ giá bán xuống. Quy luật của thị trường là vậy. Phải cạnh tranh thật cao mới tự hạ giá được. Còn lại, giá hàng hóa đang neo mức cao, một lít xăng giảm 3.000 đồng, cho dù có cơ sở để tính toán lại, nhưng đa số chưa đủ thời gian hay chú tâm ngồi tính toán lại ngay lập tức đâu.
“Theo tôi, giá hàng hóa thế giới đến giữa mùa đông năm nay mới có dấu hiệu hạ nhiệt, theo đà hạ nhiệt của giá dầu khi nhu cầu không còn giai đoạn cao điểm nữa”, ông Đỗ Hòa dự báo.
Bình luận (0)