[Kỳ4] Ra trường làm bao lâu mới 'lấy lại' học phí?: Tùy năng lực mỗi người trẻ

04/11/2022 06:55 GMT+7

Nhiều bạn trẻ hiện nay đang bị lầm tưởng về nơi mình học, đóng học phí cao, khi ra trường tìm việc lại bất ngờ với mức lương thấp. Đây không phải lỗi của doanh nghiệp mà phụ thuộc nhiều vào năng lực của sinh viên mới ra trường.

Ông Chu Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tinh dầu Nada (TP.HCM), nói như thế về sự ta thán “đóng học phí cao nhưng ra trường làm việc lương thấp”.

Mức lương là hai bên thỏa thuận

Ông Chu Văn Nam lý giải mức lương của những bạn trẻ thấp hay cao phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Với các doanh nghiệp tư nhân, hiện nay khi sử dụng lao động không chú trọng bằng cấp, học trường nào, học phí ra sao mà thường xem xét ở các yếu tố ngoại vi khác. Bằng cấp hay chứng chỉ giống như một tờ giấy thông hành, giúp sinh viên mới ra trường có được bước đệm để tìm việc. Trong đó các công ty sẽ chú trọng kiến thức, kỹ năng và nhất là thái độ với công việc. Khi sinh viên mới ra trường nhận việc, các công ty hầu như đào tạo lại từ đầu cho phù hợp với đặc thù từng nơi làm việc.

Với người trẻ, dù họ mới ra trường nhưng đáp ứng yêu cầu công việc thì cũng được trả mức lương xứng đáng với năng lực

Ông Nam cũng chia sẻ thêm ở công ty của ông thường để người trẻ tự đề xuất mức lương khi ứng tuyển. Sau đó hai bên sẽ thảo luận và thỏa thuận mức lương cuối cùng. Mặt bằng lương ở công ty ông Nam trả tương đồng với mặt bằng chung của thị trường lao động, dao động từ khoảng 7 - 28 triệu đồng cho năng lực và vị trí tương đương. Lộ trình tăng lương, thưởng thường theo quý, năm, nếu nhân viên đạt yêu cầu sẽ được thêm nhiều khoản tiền hơn.

“Đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được phàn nàn nào về mức lương thấp. Chúng tôi trả lương theo hiệu suất gồm lương cơ bản cộng hiệu quả công việc hoặc doanh số. Ngoài ra, chúng tôi tính lương với các yêu cầu vị trí để các bạn trẻ có số tiền tiết kiệm nhất định”, ông Nam cho biết.

Để thuyết phục nhà tuyển dụng trao mức lương hấp dẫn

Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc phát triển năng lực tổ chức Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), việc đóng học phí cao hay thấp là một sự lựa chọn. Sau khi ra trường, có thể làm việc với một mức lương cao vừa ý hay không thì cũng là một sự lựa chọn.

Các công ty sẽ chú trọng kiến thức, kỹ năng và nhất là thái độ với công việc

Phạm Hữu

Cũng theo vị này, “đóng học phí cao nhưng ra trường làm việc lương thấp” là bài toán nhiều biến số, nhiều kết quả. Nếu đóng học phí cao, ra trường lại có một công việc thu nhập chưa được như ý, thì người trẻ nên nhìn lại sự lựa chọn của mình. “Hãy xem lựa chọn trường học trước đây liệu có đúng? Lựa chọn ngành nghề, công việc và môi trường đã chuẩn xác hay chưa? Nhưng hơn hết phải là từ chính bản thân mỗi người trẻ: Bản thân đã như thế nào để nhà tuyển dụng quyết định lựa chọn hay chưa lựa chọn bạn?”, ông Tâm nói.

Theo ông Tâm, tùy vào năng lực của mỗi người trẻ, cho dù họ mới ra trường nhưng đáp ứng yêu cầu công việc thì cũng được trả mức lương xứng đáng với năng lực. Để thuyết phục nhà tuyển dụng trao mức lương hấp dẫn, ông Tâm cho rằng bằng cấp chỉ là điều kiện cần để thuyết phục nhà tuyển dụng cho một mức lương hấp dẫn chứ chưa phải là điều kiện đủ.

Ông Tâm cũng nói: “Học phí là một khoản đầu tư. Lương là kết quả của sự đầu tư. Câu chuyện hiệu quả của đầu tư là nếu đầu tư nhiều thì phải đầu tư đúng và tận dụng được sự đầu tư đó. Kết quả thấp không có nghĩa là có vấn đề, mà là việc tận dụng khoản đầu tư đó có vấn đề. Trách nhiệm này thuộc về cá nhân người trẻ. Hãy thử hình dung, lương thấp giai đoạn đầu không phải là vấn đề, 3 - 5 năm sau mà lương vẫn thấp mới là vấn đề. Phát triển sự nghiệp là một quá trình, và đó cũng là một sự đầu tư tiếp tục của mỗi người. Nếu tự hào bản thân đầu tư học phí lớn, mà than trách số phận hiện tại là lương thấp không tương xứng, có nghĩa đang để ánh hào quang của quá khứ đằng sau lưng mình, và nó sẽ không soi sáng rực rỡ cho con đường tương lai. Thay vì vậy, hãy để mục tiêu tương lai dẫn lối, và hãy hướng về ánh hào quang trong tương lai của bản thân. Khi đó, mỗi người trẻ sẽ tìm được thành tựu của chính mình”.

“Hằng năm công ty đều có chính sách xem xét điều chỉnh lương cho nhân viên, và ngoài tăng lương hằng năm, khi nhân viên thăng tiến trong nghề nghiệp cũng là một cơ hội để khi ấy thu nhập của nhân viên được điều chỉnh ở mức có tác động cao hơn”, ông Tâm cho biết thêm về việc chi trả lương của công ty ông.

Lương không thể cao, vì sao ?

Ông Duy Nguyên, Giám đốc điều hành Công ty truyền thông đa phương tiện GDL, nêu suy nghĩ, hiện nay các trường ĐH chỉ dạy cho sinh viên về kiến thức và một phần nào đó thực hành. Còn tìm việc làm, nếu học trường có mức học phí cao sẽ có ngay công việc phù hợp, lương cao là điều không thể, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn, các công ty cắt giảm nhân sự, cạnh tranh khốc liệt.

Nói về công việc lương cao, tiêu chí đầu tiên công ty nhìn nhận sinh viên khi ra trường phải tự kiếm kinh nghiệm cho bản thân từ các công việc làm thêm trước, kinh nghiệm nhiều và đúng với ngành nghề học sẽ giúp bạn trẻ có một CV đẹp để tự tin ứng tuyển vào các vị trí tốt.

Ông Duy Nguyên nói thêm: “Bằng cấp có thể là một phần để quyết định mức lương của người trẻ khi ra trường. Nhưng phần lớn từ thái độ, kinh nghiệm và nếu chọn thử thách trong công việc thì chắc chắn sẽ thăng tiến. Nếu đã chọn trường có học phí cao, hãy học cho đáng, thực hành cho đáng. Với tấm bằng ở một trường “hạng sang” và kinh nghiệm tốt thì chắc chắn sẽ là lựa chọn đầu tiên của các doanh nghiệp khi tuyển dụng”.

Ra trường làm bao lâu mới 'lấy lại' học phí?

Kỳ1 Ra trường làm bao lâu mới 'lấy lại' đủ học phí ?

Kỳ 2: Trả nợ, 'rơi rụng' ước mơ

Kỳ 3: Ở nước ngoài thì sao?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.