Lỗi do ai?
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường đại học (ĐH) Công nghệ TP.HCM, cho biết câu chuyện ra trường đi làm lương thấp mà học phí cao là có thật, nhưng không phải là câu chuyện chung cho tất cả người trẻ. Sự chênh lệch giữa học phí với mức thu nhập sau khi ra trường là thực trạng đã có từ lâu chứ không phải đến nay mới xuất hiện. Tuy nhiên, gần đây khi xu hướng tự chủ ĐH và hiện tượng tăng học phí đồng loạt ở nhiều trường nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo đã khiến cho thực trạng này càng thể hiện rõ và được xã hội quan tâm hơn.
Sinh viên cần trau dồi nhiều kỹ năng trong quá trình học đại học để tốt nghiệp ra trường có thể nhận mức lương cao hơn |
Lê Thanh |
“Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này không phải từ lỗi của sinh viên, trường ĐH hay doanh nghiệp mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Như cơ chế thị trường ngày nay vật giá leo thang, các sản phẩm, dịch vụ đa số đều tăng giá theo từng năm. Nhu cầu của công ty, doanh nghiệp cũng vậy, luôn đòi hỏi người lao động phải cập nhật những kỹ năng và kiến thức mới”, tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh nói.
Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, để giải quyết thực trạng này thì giữa trường ĐH, sinh viên và doanh nghiệp đều cần có những điều chỉnh để thích ứng với sự thay đổi của cơ chế thị trường. Trường ĐH cần nâng cao chất lượng giảng dạy, trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng cần thiết cho sinh viên; sinh viên cần chủ động và linh hoạt hơn trong học tập để chuẩn bị hành trang đầy đủ nhất theo tiêu chí của nhà tuyển dụng. Doanh nghiệp cũng cần đưa ra mức thu nhập tương xứng để có được người lao động giỏi, đáp ứng yêu cầu công việc và mang lại giá trị cho công ty. Nghĩa là, sự liên kết giữa mục tiêu - sự đầu tư - kỳ vọng - kết quả của từng đối tượng cần được gắn kết chặt chẽ và giải quyết cùng nhau. Thêm vào đó, ở góc độ vĩ mô cũng cần có thêm những tác động từ chính sách, chủ trương chung của xã hội.
Còn theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, trong câu chuyện tréo ngoe “học phí cao, lương thấp”, thì doanh nghiệp không có lỗi vì doanh nghiệp đã tuyển dụng thì người lao động phải làm việc được và có hiệu quả thì mới trả lương. Ông cho rằng lỗi này chủ yếu là do sinh viên và các trường. “Sinh viên không biết các doanh nghiệp cần gì, làm như thế nào, làm việc đó ra sao thì hiệu quả hơn... Dù các trường ĐH bây giờ đã có học kỳ doanh nghiệp nhưng sinh viên quá thụ động. Còn lỗi của các trường ĐH là ở chỗ ít quan tâm đến người học, không đánh giá khách quan về kiến thức của người học, hay quá ưu ái cho người học... Đó là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường mà làm việc lương thấp”, ông Sơn nói.
Tiến sĩ Hà Thanh Vân, nghiên cứu viên Viện Khoa học văn hóa và giáo dục kiêm giảng viên Trường ĐH Hùng Vương, phân tích mâu thuẫn giữa học phí cao và lương thấp là do nhiều nguyên nhân, đến từ nhiều phía. Lỗi từ phía người trẻ mới đi làm là còn thiếu hoặc không có thực tiễn, kinh nghiệm nghề nghiệp, những kỹ năng bổ trợ cho công việc. Họ cũng thiếu hiểu biết và kiến thức về chính công việc của mình, nói cách khác là kiến thức chuyên môn học được trong nhà trường không đáp ứng hết những yêu cầu của công việc nên lương thấp.
“Đấy là chưa kể tuy mới bắt đầu đi làm, nhưng nhiều người trẻ đã đặt yêu cầu mức lương cao, và khi không được đáp ứng thì họ tìm cách nghỉ việc, đi xin việc mới với mong mỏi sẽ có mức lương tốt hơn, nhưng ở công ty mới thì họ lại thành người mới, và cứ thế thành một cái vòng luẩn quẩn lương lúc nào cũng không như ý muốn...”, tiến sĩ Vân nói.
Bà Vân cũng chỉ ra một số trường ĐH tăng học phí ở mức kịch trần, khiến cho sinh viên phải mang gánh nặng học phí suốt những năm ĐH. Mặt khác, vấn đề nổi bật ở nhiều trường ĐH hiện nay là chất lượng đào tạo không tương xứng với học phí. Nhiều trường ĐH tư thục coi trọng lợi nhuận nên tuyển sinh ồ ạt, cấp bằng cũng ồ ạt mà chất lượng giảng dạy lại kém. Có trường vẫn đặt nặng phần đào tạo lý thuyết, trong khi phần kiến thức thực tế thì thiếu sót. Nhiều giáo trình có kiến thức cũ kỹ, lạc hậu, chất lượng đào tạo không đáp ứng với nhu cầu của xã hội. Cũng có không ít trường ĐH có cơ sở vật chất nghèo nàn làm ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Bên cạnh đó, số lượng trường ĐH nhiều hơn ngày trước rất nhiều nên đội ngũ giảng viên ĐH còn thiếu và nhiều khi phải tuyển dụng cả những giảng viên kém về năng lực và chuyên môn sư phạm, ảnh hưởng đến việc học tập của sinh viên.
“Về phía các doanh nghiệp, hiện nay có hiện tượng thị trường lao động cũng đã bão hòa nên xin việc khó và mức lương đều thấp, đặc biệt là sau dịch Covid-19 thì nhiều công ty bị ảnh hưởng, giải thể hoặc đang trong quá trình hồi phục nên việc làm và lương cho nhân viên đều khó khăn”, tiến sĩ Vân nói thêm.
Giải bài toán “học phí cao, lương thấp” như thế nào ?
Theo tiến sĩ Quốc Anh, để giảm nghịch lý giữa học phí cao nhưng thu nhập thấp khi mới tốt nghiệp, trường của ông đã chủ động ứng dụng mô hình đào tạo ĐH - doanh nghiệp. Trong suốt quá trình đào tạo, trường tăng cường hoạt động trải nghiệm doanh nghiệp thông qua tham quan, thực tập, học kỳ doanh nghiệp và cơ hội tiếp cận thị trường lao động với các hội thảo, chuyên đề, dự án, đặc biệt là các ngày hội việc làm, ngày hội tuyển dụng có các doanh nghiệp trực tiếp tham gia.
Mối quan hệ giữa đơn vị đào tạo nguồn nhân lực (trường ĐH) và đơn vị sử dụng nguồn nhân lực (doanh nghiệp) càng chặt chẽ, thì bài toán khó của cả hai bên đều được tiệm cận và giải quyết thấu đáo, không chỉ riêng câu chuyện “học phí cao, lương thấp” mà còn cho rất nhiều vấn đề khác trong việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực.
“Mối quan hệ giữa đơn vị đào tạo nguồn nhân lực (trường ĐH) và đơn vị sử dụng nguồn nhân lực (doanh nghiệp) càng chặt chẽ, thì bài toán khó của cả hai bên đều được tiệm cận và giải quyết thấu đáo, không chỉ riêng câu chuyện “học phí cao, lương thấp” mà còn cho rất nhiều vấn đề khác trong việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực. Là một đơn vị đào tạo, chúng tôi luôn mong muốn nhận được những nhận xét, góp ý, nhất là những “đơn đặt hàng” càng chi tiết càng tốt từ đơn vị sử dụng nguồn nhân lực, để chúng tôi có những điều chỉnh, cải tiến, cập nhật phù hợp cho sản phẩm đào tạo của mình”, ông Quốc Anh nói thêm.
Dưới góc độ của nhà quản lý một trường ĐH, ông Quốc Anh cho biết luôn muốn trang bị cho sinh viên kiến thức, kỹ năng cần thiết trong điều kiện tốt nhất để sau khi ra trường, sinh viên có thể đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Khi sinh viên ra trường có năng lực tốt, ý thức tốt thì sẽ được doanh nghiệp chi trả mức lương tương xứng.
Còn tiến sĩ Vân nêu quan điểm nhà trường và doanh nghiệp cần “ngồi lại với nhau” để cùng tháo gỡ câu chuyện “học phí cao, lương thấp”, điều hết sức cần thiết hiện nay.
“Từ kinh nghiệm nhiều năm đi dạy ở các trường ĐH, tôi thấy rằng cần có sự liên kết giữa các trường với các doanh nghiệp, cơ quan trên nhiều phương diện, chứ không đơn thuần là các cơ quan, doanh nghiệp đóng vai trò làm chỗ thực tập cho sinh viên. Nhiều trường ĐH có khả năng nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào thực tiễn thì nên có sự liên kết chuyển giao công nghệ cho các công ty, doanh nghiệp, từ đó có thêm chi phí cho nhà trường, đồng thời tạo cơ hội việc làm cho sinh viên”, tiến sĩ Vân nói. n
Bình luận (0)