Mỗi ngày làm việc... 20 tiếng
Phan Phương Phương (30 tuổi, quê ở H.Ba Tri, Bến Tre) cho biết số tiền học phí từng đóng trong 4 năm học tại một trường ĐH ở miền Tây là 580 triệu đồng. Tính luôn cả tiền sinh hoạt trong quãng đời sinh viên, chi phí lên đến 850 triệu đồng. Khi tốt nghiệp, với tấm bằng ngành tài chính - ngân hàng, Phương được một ngân hàng thương mại cổ phần nhận vào làm với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Sau khi tính toán chi tiêu, Phương cảm thấy bối rối, thậm chí stress một thời gian dài vì mức lương đã thấp mà vật giá ngày càng leo thang, và đáng lo nhất là khoản tiền 600 triệu đồng đầu tư cho 4 năm ĐH là của bố mẹ vay ngân hàng, với tiền lãi lên đến 12 triệu đồng/tháng.
“Tôi quyết định nhảy việc, làm ở nhiều công ty nhưng vẫn không thể thay đổi tình hình, bởi công ty nào cũng trả mức lương dưới 15 triệu đồng”, Phương nói.
Để đủ tiền trang trải cuộc sống cũng như trả nợ ngân hàng, Phương “cày ngày cày đêm”. Sáng từ 7 - 10 giờ cô làm tại một spa trên đường Bình Long (Q.Bình Tân, TP.HCM). 11 giờ, Phương chạy qua làm công việc quản lý một nhà hàng tiệc cưới trên đường Âu Cơ (Q.Tân Bình, TP.HCM). Rời nơi làm việc thứ hai, Phương qua một bar ở đường Bùi Viện (Q.1, TP.HCM) làm kế toán từ 20 giờ đến sáng hôm sau.
Nhiều cử nhân ra trường phải làm đủ thứ nghề để vừa lo cho bản thân, vừa trả tiền vay đóng học phí |
X.P |
“Mỗi ngày tôi chỉ được nghỉ ngơi chợp mắt chừng 4 tiếng, còn 20 tiếng phải dành cho công việc”, Phương nói và tâm sự thêm: “Tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc nỗ lực hết sức cho công việc, bởi nếu tôi chỉ làm một, hai công việc thì sẽ không đủ trang trải cuộc sống đồng thời trả nợ vay ngân hàng”.
Những trường hợp như Phương không hiếm. Nhiều người trẻ từng nhờ gia đình vay vốn để đóng học phí những năm học ĐH kèm lời hứa “ra trường đi làm sẽ trả lại nhanh chóng”... đã phải “thấm” nỗi nhọc nhằn khi nhận được mức lương không như kỳ vọng.
Với mức lương này thì mất 8 năm tôi mới “thu hồi” lại được số tiền từng đóng học phí ĐH. Tính luôn cả tiền học thạc sĩ, phải mất thêm 4 năm nữa… Bây giờ tôi chỉ lo hoàn thành tốt công việc tại trường và cật lực làm thêm để kiếm tiền trả nợ.
Một nữ giảng viên ĐH ở TP.HCM
Một nữ giảng viên tại một trường ĐH ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết đã tốn hơn 1,8 tỉ đồng học phí 4 năm ngồi trên ghế giảng đường. Sau đó cô tốn thêm 1 tỉ đồng học thạc sĩ ở nước ngoài. Một nửa tổng số tiền ấy đều vay ngân hàng, mượn người thân. Giờ đây, với mức lương chưa đến 20 triệu đồng/tháng, nên sau những giờ đứng lớp tại nơi công tác, nữ giảng viên này còn “chạy sô” thỉnh giảng ở một số trường ĐH khác. Bên cạnh đó, cô còn kinh doanh thời trang trên mạng, nhận tư vấn về marketing cho doanh nghiệp, làm gia sư tiếng Anh... “Ngày vào học ĐH, nghe nói về cơ hội việc làm tương lai, tôi cũng nghĩ sẽ có được công việc thu nhập cao. Nhưng giờ với mức lương này thì mất 8 năm tôi mới “thu hồi” lại được số tiền từng đóng học phí ĐH. Tính luôn cả tiền học thạc sĩ, phải mất thêm 4 năm nữa. Thú thật nghĩ mà sợ. Bây giờ tôi chỉ lo hoàn thành tốt công việc tại trường và cật lực làm thêm để kiếm tiền trả nợ”, nữ giảng viên này nói.
Rơi rụng những ước mơ...
Trước thời điểm tốt nghiệp, nhiều người trẻ mơ mộng đến tương lai xán lạn. Với suy nghĩ sẽ có công việc ổn định, mức lương cao, họ mơ về một chỗ an cư để lạc nghiệp, cụ thể là một ngôi nhà ở TP.HCM. Có người thì mong mua được ô tô, miếng đất nhỏ, hay có chút vốn liếng làm ăn với bạn bè... Nhưng rồi những ước mơ cứ xa dần, những kế hoạch cứ rơi rụng dần. Mà nguyên nhân là lương quá thấp.
Phương cùng lúc làm nhiều công việc để có tiền trang trải cuộc sống và trả nợ học phí ĐH |
“Tôi từng mơ dành dụm được khoảng 1 tỉ đồng để mua căn nhà nho nhỏ. Tôi từng nghĩ ước mơ đó nằm trong tầm tay, vì khi ra trường đi làm sẽ có mức lương kha khá. Đâu có ngờ, dù làm việc tại một khách sạn 4 sao ở Q.1, TP.HCM nhưng lương chỉ có 6 triệu đồng. Tính thêm nhiều khoản chu cấp khác, tôi nhận gần 8 triệu đồng/tháng. Trong khi đó tiền thuê trọ, tiền xăng xe, tiền ăn uống, tiền chi tiêu các thứ... cũng đã xấp xỉ 8 triệu đồng nên không thể có dư. Thậm chí có nhiều tháng phải vay mượn thêm của bạn bè, người thân; ốm đau cũng không có sẵn tiền để thuốc thang. Vậy nên giờ tôi không còn dám mơ đến việc mua nhà nữa, chỉ mong sao mỗi tháng có đủ tiền lo cho bản thân, trụ lại được ở thành phố này, chờ một ngày nào đó có sự đột phá thay đổi cuộc sống”, Trần Văn Đại (26 tuổi, quê ở H.Ninh Sơn, Ninh Thuận) tâm sự.
Đại cũng khá thất vọng khi nghĩ về số tiền từng đóng học phí để lấy được tấm bằng ĐH chuyên ngành quản trị khách sạn tại một trường ĐH ở Q.1 (TP.HCM). “Mỗi năm tôi đóng hơn 62 triệu đồng tiền học phí. Nghĩa là 4 năm đại học, tốn gần 250 triệu đồng. Nghĩ đến mà thấy đau lòng”, Đại nói.
Nguyễn Quan Phát (28 tuổi, quê Thái Nguyên) từng hứa đưa bố mẹ ở quê vào TP.HCM sinh sống, nhưng 6 năm rồi kể từ khi ra trường, Phát vẫn còn đang ở trọ, việc mua nhà như dự tính vào năm cuối ĐH đành xếp lại vô thời hạn. Trong 6 năm, với tấm bằng cử nhân Thương mại quốc tế, Phát đã trải qua 5 công ty, nhưng chưa công ty nào trả lương hơn mức 10 triệu đồng/tháng.
Phát cười như mếu cho biết quả là đau lòng khi nghĩ về số tiền học phí ĐH lên đến hơn 300 triệu đồng. Giảng viên trong trường nói khi ra trường không khó để có công việc với mức lương 25 - 30 triệu đồng, nhưng thực tế cao nhất cũng chỉ được một nửa, thậm chí 1/3. Và rồi những hoạch định của chàng trai này như mua nhà, mua xe, mở một quán cà phê nhỏ... trở nên xa vời.
“Chắc khoảng... chục năm nữa tôi mới nghĩ đến việc biến những dự tính ấy thành sự thật. Còn bây giờ tôi chỉ mong có sức khỏe để làm việc kiếm tiền, vừa gửi về phụ giúp bố mẹ, vừa trang trải chi tiêu ở thành phố đắt đỏ này”, Phát nói.
Vì sao học phí tăng ?
Hiệu trưởng một trường ĐH ở Q.5 (TP.HCM) cho biết hiện nay hầu hết các trường ĐH trên cả nước đều tăng học phí. “Tùy trường mà có những mức tăng khác nhau. Có trường học phí tăng khoảng vài triệu đồng, nhưng cũng có trường tăng học phí lên gấp đôi, thậm chí gấp ba lần”, vị này nói.
Theo vị này: “Dù muốn dù không thì các trường ĐH vẫn phải tăng học phí, bởi các trường phải xây dựng khung mới theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Ngoài ra, với các trường thực hiện tự chủ hoàn toàn, tức là không được hưởng ngân sách nhà nước, thì buộc phải tăng học phí để có đủ nguồn kinh phí hoạt động, cũng như bù đắp chi phí trượt giá và đầu tư, đảm bảo vận hành chương trình và chuẩn đầu ra”.
Để có thể tháo gỡ nỗi lo không đủ tiền đóng học phí của sinh viên, vị này cho rằng các trường ĐH nên chú trọng hơn nữa đến các chính sách học bổng, vay lãi suất thấp để hỗ trợ sinh viên. Qua đó có thể giúp sinh viên và phụ huynh vơi đi nỗi trăn trở “tiền đâu để đóng học phí?”.
Bình luận (0)